Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa. Ảnh: TL |
Vâng! Khởi đi từ tình yêu của Đấng tạo hóa là Thiên Chúa, Ngài đã tác dựng lên con người và ban tặng cho con người và đời sống con người hai từ “lao động”, và “mưu sinh”, như trình thuật của Kinh Thánh: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St.2,15). Vì thế cho nên, hai từ “lao động”được gắn liền với đời sống con người, từ thuở sơ sinh cho đến ngày trở về với lòng đất.Thật đúng, lao động là vinh quang.
Có thể nói, mỗi lứa tuổi, mỗi thời đại, con người thực hiện hai từ lao động đó một cách khác nhau. Bằng đôi môi bé nhỏ của trẻ sơ sinh, tìm nơi vú mẹ những dòng sữa thơm để no lòng; bằng sự hy sinh thời gian sự chịu thương chịu khó của tuổi trước và sau thành niên trên con đường đi tìm tri thức; bằng khối óc và tay chân để tìm miếng cơm manh áo nuôi thân và gia đình của những người trưởng thành; Bằng tri thức và khối óc của những người làm khoa học, y học, giáo học, mong đem đến cho mình và gia đình nguồn thu và giúp ích cho đời; bằng sự hiến thân, dấn thân không mệt mỏi của những vị chân tu, mong giúp cho đời, cho người, tìm về chân, thiện, mỹ… Tất cả, đều nằm dưới sự bao bọc, soi sáng và dạy dỗ của Thiên Chúa. Đây chính là niềm vui của chính Thiên Chúa và là vinh dự vinh quang của con người.
Một khi đã nói lao động là do Thiên Chúa ban tặng, là niềm vui của Thiên Chúa, là vinh dự và vinh quang của con người, thì tất nhiên là mọi sự, mọi việc của lao động đều do, trong và bởi Thiên Chúa. Thế thì tại sao ngày mùng 3 tết Giáo hội lại mời gọi con cái của mình quy tụ lại, hướng lòng về Thiên Chúa, ngoài việc thờ phượng, ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa, đồng thời đến để xin Ngài thánh hóa, chúc phúc, có nghịch lý chăng?! Xin thưa! Không,và ta cung nhau đi ngược dòng của lịch sử Kinh Thánh ta sẽ thấy điều không nghịc lý, nhưng lại là điều rất quý, rất trân trọng, hay có thể nói là rất quan trọng cho sự lao động hay tìm kế mưu sinh của mỗi cá nhân trong thân phận kiếp người. Đặc biệt vào thời buổi hiện nay.
Theo như Kinh Thánh diễn tả trong sách Sáng Thế: “Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai….Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bùn đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Êđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St.2,4-9).
Qua đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy, thưở ban đầu khi con người hiện diện trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã lo cho con người của ăn thức uống, công việc của con người là đi hái trái ăn và kín nước uống trong sự nhàn hạ và hạnh phúc, cũng chẳng phải lo kiếm cái che thân, ngày qua ngày họ vui đùa trong niềm vui với Thiên Chúa. Thế rồi, vào một ngày con người yếu đuối, vốn được Thiên Chúa nặn lên từ bùn đất, đã nghe lời dụ dỗ của sự dữ, rời xa sự bao bọc, chăm sóc của Thiên Chúa, qua việc hái trái cấm nơi vườn địa đàng. Thiên Chúa rất mực thương yêu, nhưng Ngài cũng rất công bằng trong thưởng phạt, đặc biệt là Ngài tôn trọng tuyệt đối quyền tự do mà Ngài đã ban tặng cho con người. Thế nên, sau khi lỗi nghịch cùng Thiên Chúa, đối với con rắn mang hình bóng của sự dữ Thiên Chúa đã chúc dữ, riêng đối với con người, Ngài vẫn yêu thương nhưng vì con người muốn tỏ hiện quyền tự do của mình nên Ngài phán: " Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng:
"Ngươi đừng ăn nó", nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra” (St.3,17-19).
Kể từ sau giây phút nghiệt ngã ấy, con người phải tự lực cánh sinh, tồi tệ hơn tội lỗi tràn ngập mặt đất, đưa đẩy con người rơi vào bóng tối của khổ đau, của đói nghèo, rách rưới, bệnh tật và sự chết, hệ quả của tội là con người phải vất vả, lam lũ và dành giật nhau mà sống, giờ đây con người phải lao động, nhưng niềm vui đan xen nỗi buồn, thành công hòa với thất bại, phải đối diện với những nghịch cảnh của chính bản thân và thiên nhiên, đôi khi con người vừa lao động vừa than trách Đấng tạo hóa. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự tình, nên Ngài đã tác động qua Giáo hội, nên Giáo hội đã dành trọn ngày mùng 3 Tết, để mời gọi con cái Thiên Chúa hướng về tình yêu của Ngài, từ đó Thiên Chúa sẽ thánh hóa ban ơn trợ lực, ơn soi sáng và giúp con người vui hơn, hạnh phúc hơn, thành công hơn trong việc mưu sinh.
Qua đó cho ta thấy, điều tưởng chừng như nghịch lý giờ trở thành có lý. Vì thế hiệp lòng cùng nhau trong những ngày đầu xuân, đặc biệt trong ngày mùng 3 tết, ta dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân, hướng về Giáo hội với lời cảm tạ, đã nhắc nhở tạo điều kiện cho ta tiếp cận nguồn ân sủng của Thiên Chúa; ta cũng nguyện xin Thiên Chúa là Đấng đã và đang lao động miệt mài vì hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu của con người. Xin Ngài thánh hóa, chúc phúc và ban muôn ơn của Ngài, giúp ta noi gương Ngài, cộng tác với Ngài trong công cuộc sáng tạo và xin Ngài cùng đồng hành với ta trong lao động, trong việc tìm của ăn, áo mặc…
Ngày xin ơn thánh hóa công ăn việc làm, ta cũng được mời gọi hướng về hình ảnh và tấm gương lao động của gia đình Thánh Gia, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, trong tình hiệp nhất yêu thương, vâng theo thánh ý Chúa Cha, chuyên cần trong lao động, vui tươi trong việc mưu kế sinh nhai. Đặc biệt Chúa Giêsu và Thánh Cả Giuse đã từng kiếm sống, kiếm của ăn bằng nghề thợ mộc, khi Chúa Giêsu xuống trần mang lấy kiếp phàm nhân để cứu độ nhân loại, Mẹ Maria thì chu toàn bổn phận của một người nội trợ trong gia đình. Ta xin gia đình Thánh Gia chúc phúc và giúp ta, trong công việc mưu sinh, dẫu trong khó khăn, trong mệt nhọc vẫn luôn cất lên hai tiếng xin vâng, tin tưởng và ngợi khen Thên chúa là Cha luôn yêu thương hết thảy mọi người.
Một điều quan trong nhất trong đời sống của ta, qua việc mưu sinh ta noi gương và bắt chước vua thánh Đavít xác tín một chân lý tối quan trọng trong cuộc đời như ngài đã xác tin qua lời Thánh Vịnh:
“ Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công
Thành kia mà Chúa không canh giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm
Bạn có thức khuya dạy sớm, khó nhọc cũng hoài công
Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Tv. 127,2)
Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Chỉ từ nơi Chúa ta mới có cơm ăn, áo mặc, sự nghiệp, danh vọng…Hãy đến, hãy hướng lòng và cùng giúp nhau tiếp cận nguồn ân sủng của Thiên Chúa bây giờ và cho mãi ngàn sau.