Tin tức - Hoạt động

Tết quê trong tâm thức gia đình trẻ

Cập nhật lúc 10:22 27/02/2018
Tết cổ truyền trên khắp quê hương Việt Nam. Ảnh: CTV
Tết cổ truyền trên khắp quê hương Việt Nam. Ảnh: CTV
Nếu có ai muốn tìm kiếm hay trải nghiệm một khung cảnh Hà Nội yên bình, không quá chật trội thì hãy ở lại đây vào dịp Tết. Nhưng hãy cẩn thận, Tết ở Hà Nội có thể sẽ rất buồn vì những người dân xa quê chưa lâu đã không còn ở lại đây, nên phố thị im lìm rất khác ngày thường. Hàng quán lẻ tẻ và dịch vụ rất đắt đỏ. Hình như những người kinh doanh đã tự ý tăng phí để bù lại sự phục vụ của họ trong những ngày mà hầu hết mọi người đang nghỉ Tết.

Từ lâu mảnh đất kinh kỳ, văn hiến này vốn dĩ là nơi tụ hội của cư dân bốn phương. Có nghĩa Thủ đô chỉ là nơi ở và công tác của nhiều người, nhất là các gia đình trẻ, chứ không phải là quê hương của họ. Bởi vậy Tết đến hầu hết các gia đình về quê ăn Tết. Dân số Hà Nội những ngày Tết biến động đáng kể. Hầu hết đã rút hết về quê vào tuần cuối cùng của năm theo lịch ta, tạo ra một sự quả tải về giao thông và phương tiện. Người ở lại chủ yếu thuộc những gia nhiều đời sống ở đây, li hương đã lâu, tâm thức quê đã nhạt dần trong con cháu của họ.

Như vậy, quê hương như một hằng số văn hóa của nhiều người, nhất là những người mới di cư và nhập cư vào thành phố. Dù họ đã có gia đình, con cái, nhà cửa, nhưng cứ Tết là các cặp vợ chồng trẻ lại khăn gói về quê ăn Tết. Họ về quê với nhiều lý do. Quan trọng hơn vẫn là gặp mặt cha mẹ, chơi với anh em họ hàng và vui vầy đón không khí Tết quê mà cái ồn ã xô bồ nơi đô thị không có được. Ở đó, họ tìm thấy ký ức tuổi thơ, thấy lời ru của bà, của mẹ năm nào, với nồi bánh chưng đêm giao thừa, với cảnh thịt lợn, thổi xôi, đi chơi chợ Tết... Nói chung, khung cảnh quê ngày nay dù đã đổi thay nhiều, nhưng cái chất nông thôn mộc mạc ấm đậm tình người vẫn còn, làm cho người trở về có cảm giác được đón nhận, được hội tụ vào với khung cảnh văn hóa đã nuối dưỡng tâm hồn họ lớn khôn thủa trước. Có thể những lúc mải làm ăn nơi đô thị, họ đã tạm quên đi ký ức quê. Nhưng cứ cận Tết, khi nhìn những dòng người ùn ùn rút về quê qua các cửa ngõ thành phố, khi các bên xe đông nghịt, khi hoa đào được bày bán khắp nơi thì cái hồn quê lại trỗi dậy, hối thúc họ trở lại. Nhiều người trung tuổi dù cha mẹ không còn, đã từng ở lại trải nghiệm những năm ăn Tết nơi thành phố, mới đúc kết: Tết ở thành phố không vui bằng quê. Theo họ, khi ở lại, Tết chẳng gặp ai, đóng cửa trong nhà, ngồi xem ti vi mãi cũng chán. Họ đi ra phố, hàng quán vắng vắng tanh, dịch vụ vui chơi giải trí chỉ dành cho thanh niên, con trẻ... Bởi vậy nhiều người khi về hưu, đã thấu hiểu cảnh này, cũng kịp tích cóp chút tiền, mua lại mảnh đất quê đã bán năm nào, xây căn nhà ngói trên đó, để dịp Tết trở lại thăm thú lại anh em, viếng mộ ông bà, và ăn Tết với các cháu. Suy cho cùng, ký ức quê vẫn hằn sâu trong tâm trí nhiều người li hương, bất kể tuổi tác. 

Với những gia đình trẻ, việc về quê ăn Tết còn mang một ý nghĩa khác là giáo dục con cháu. Các cụ nói, “xa mặt thì cách lòng”, nên nhiều gia đình trẻ đã sớm ý thức kết nối con cái họ với quê hương nguồn cội, con cái phải biết nơi “chôn rau cắt rốn” của cha mẹ, phải biết anh em trong dòng tộc. Nên dịp này họ đưa cả con cái về để gặp các anh em trong họ, đồng thời trải nghiệm những không gian văn hóa thôn quê, khác xa với những gì đô thị mà chúng đang sống. Nhiều cháu về quê mới biết đến các loại vật nuôi, các loại cây cỏ, và thấy cách ăn uống sinh hoạt của người quê khác người phố. Chúng cũng cảm nhận chủ quan rằng, hình như người quê tình cảm hơn người trên phố, bởi chúng được đón nhận, được chiều chuộng với tất cả tâm tình của người nhà quê. Với những em trưởng thành, trong gia đình con trưởng, dịp Tết chúng được bố mẹ hoặc ông bà dẫn đi ra khu mộ tổ tiên, đến nhà thờ họ để thắp hương lễ bái các cụ. Chúng được giới thiệu với người này người kia trong gia tộc mà hai bên chưa có dịp gặp nhau, qua đó dần ghi dấu trong tâm trí các em một ý thức về cội nguồn, về nơi mà ông bà hoặc cha mẹ các em đã từng sinh sống. Như vậy việc về quê không chỉ đơn giản chỉ có ăn và chơi, bao chứa trong chuỗi sự kiện này cả việc giáo dục ý thức quê hương họ hàng cho con cháu.

Tết quê cũng khác thành phố ở những trò chơi dân gian. Thường ngày trẻ con biết đến không gian thành thị với ánh đèn vàng vọt, với nhiều trò chơi điện tử, dịch vụ giải trí hiện đại như xem phim, diễn kịch, nghe nhạc... Nhưng quê lại khác. Nhiều làng xã còn duy trì các trò chơi như đánh đu, kéo co, đánh vật, chơi ô ăn quan, chơi cờ tướng,... Những trò chơi này thường được tổ chức ở trung tâm làng, gần sân đình, chùa. Khi trò chơi diễn ra, cha mẹ dắt dìu bồng bế con đến những nơi này, để giới thiệu với chúng. 

Về quê cũng là dịp báo hiếu của con cái với cha mẹ. Quanh năm làm ăn nơi thành phố ít có dịp về thăm quê, chỉ có dịp này nghỉ mới có thời gian dài thăm cha mẹ. Vậy nên trước khi về, nhiều gia đình trẻ, mới lập nghiệp nơi thành phố, phải rất căn cơ, bởi có rất nhiều khoản phải chi vào dịp này. Họ nghĩ tới quà cho bố mẹ, anh em, con cháu. Các gia đình mua rất nhiều thứ, thường thì quần áo, giày dép, có khi là chai rươụ, vài ấm thuốc bắc, có người biếu tiền cho các cụ. Bởi vậy nhiều khi đồ đạc mang theo rất lỉnh kỉnh, đèo bồng nhiều thứ. Vượt trên ý nghĩa vật chất, sự chuẩn bị đó chính là tấm lòng của con cháu với cha mẹ. Hơn nữa dù xa quê, quen với nhịp sống đô thị, những cái tâm lý nông thôn vẫn còn trong nhiều gia đình. Điển hình là cái oai, cái sĩ của người nhà quê vẫn đậm trong đầu óc họ. Có thể với họ cuộc sống hiện tại còn vất vả, những đã xa quê thoát li, mang danh người thành phố thì trở lại cũng phải cho ra dáng người thành phố chứ! Bởi vậy, không chỉ có cha mẹ, nhiều cụ lớn tuổi trong họ cũng được họ lì xì khá khá để có tiền ăn quà sau Tết. Các cháu chắt, cô, gì, chú, bác mỗi người một kiểu thường có quà của người thành phố trở về ăn Tết theo nhiều cách khác nhau. Nên với nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ, Tết cũng là một dịp mệt mỏi. Cái mệt không chỉ chuyện tài chính, mà ngay cả việc di chuyển, việc đi lại, cho đến các vấn đề về sức khỏe, đảo lộn sinh hoạt,... tất cả đều bắt họ trải nghiệm. Nhiều gia đình xa quê sống tại các nơi xa, có khi vài năm mới về quê ăn Tết một lần, có lẽ cũng do khó khăn về giao thông và tài chính. Dù tâm thức họ rõ ràng vẫn rất nhớ quê. Nhiều người đã gửi người đồng hương tiền bạc quà cáp để biếu bố mẹ và người thân dịp Tết. 

Tuy nhiên người quê với tâm lòng mộc mạc cũng hiếu khách vô cùng. Họ đáp lại thịnh tình người thành phố rất nồng nhiệt. Nhiều gia đình trẻ sau khi trở lại thành phố cũng được người quê biếu quá nhiều quà. Từ bánh chưng, con gà cho đến những thứ thành phố không dễ kiếm như rau sạch, hoa quả sạch trồng ở vườn. Thành thử, các gia đình trẻ vốn vướng bận con nhỏ nhưng vẫn phải tay xách nách mang đèo bồng quà quê ngay cả khi trở lại nơi thành phố.

Rõ ràng câu chuyện các gia đình trẻ về quê ăn Tết phản ánh mối liên hệ giữa nông thôn và thành thị, giữa nhà quê và thành phố, giữa tâm lý thị dân và nông dân. Sự kiện này cho thấy sự kết nối mạnh mẽ của con người với quê hương nguồn cội. Nó như một nét văn hóa đặc trưng của cư dân Việt và làng Việt. Dù đi xa nhưng khung cảnh làng quê vẫn không phai mờ trong tâm trí nhiều người. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều gia đình trẻ, mới lập nghiệp nơi thành phố, lại tìm cách trở lại quê, để muốn được đắm mình vào cái nôi văn hóa đã nuôi dưỡng tâm hồn họ. Hơn nữa họ còn muốn truyền tải cho con cái mình những thông điệp quá khứ mà chúng nên hiểu và biết trân trọng.
 
NGÔ QUỐC ĐÔNG
Thông tin khác:
Mùa xuân xứ đá (27/02/2018)
Tết của nhà nghèo (26/02/2018)
Sống tốt đời, đẹp đạo (26/02/2018)
Tết nơi Trường Sa (23/02/2018)
Ăn tết ở Đất Mũi (21/02/2018)
Thư chúc mừng năm mới của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (21/02/2018)
Giải mã bản thảo bí ẩn của “Các cuộn giấy Biển Chết” (08/02/2018)
Phát huy truyền thống sống tốt đời đẹp đạo đoàn kết xây dựng đất nước ngày một phát triển (05/02/2018)
Những Thông điệp đẹp nhất của ĐGH Phanxicô trong chuyến tông du Chile và Peru (05/02/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log