“Ði khắp nơi nói về Chúa”
“Lớn lên con sẽ là một nhà truyền giáo, con sẽ đi khắp nơi nói về Chúa cho người nghèo”, đó là những lời quả quyết của đấng sáng lập dòng - Mẹ Euphrasie Babier nói với bà nội của mình khi mới lên 6. Chưa bao giờ thay đổi ý định, càng lớn Mẹ càng xác tín vào ơn gọi thừa sai của mình, Mẹ chọn danh xưng cho dòng là Ðức Bà Truyền Giáo. Người nữ tu Ðức Bà Truyền Giáo được mời gọi tham dự vào sứ vụ truyền giáo qua việc chiêm niệm, hiệp thông và sứ mạng.
Dòng Ðức Bà Truyền Giáo ra đời vào đúng ngày Giáng sinh 25.12.1861 tại Pháp và được ÐGH Piô IX chính thức chuẩn nhận vào năm 1869. Ðiều quan trọng với một nữ tu Ðức Bà Truyền Giáo là mở rộng tâm hồn để Thần Khí Chúa thâm nhập sâu vào tận cung lòng. Mọi hoạt động tông đồ đều là chia sẻ sứ vụ Thần Linh, nhờ đó mà người nữ tu có thể phân định được những nhu cầu đích thực của con người.
Âm thầm bền bỉ, các nữ tu được mời gọi tham dự vào sứ mạng của Giáo hội, nâng đỡ tha nhân bằng nhiều hình thức như giáo dục, công tác xã hội, làm chứng và loan báo sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa; ưu tiên hoạt động ở những nơi chưa biết Tin Mừng, những miền khủng hoảng đức tin, phục vụ phụ nữ và trẻ em bị lãng quên, người cùng khổ bị áp bức, người dân tộc thiểu số và di dân.
Ðời truyền giáo không thiếu những khó khăn, đặc biệt là với nữ giới, nhưng ước muốn mãnh liệt mang Chúa đến với người ngoại đạo đã thúc bách Mẹ Euphrasie dấn thân truyền bá đức tin. Năm 1865, bốn năm sau ngày thành lập dòng, Mẹ đã gởi các nữ tu thừa sai đầu tiên đến New Zealand và đến cánh đồng truyền giáo tại châu Úc, rồi Anh và miền bắc Pháp.
Thế hệ tiên phong khai phá, mở đường luôn gặp nhiều thách đố, ấy thế mà càng trắc trở, ngọn lửa truyền giáo của các chị em Ðức Bà Truyền Giáo lại càng nhiệt thành hăng say. Từ năm 1893 - 1938, sứ mạng được mở rộng tới Canada và châu Á, nhiều điểm truyền giáo được thiết lập. Ðến nay, trải qua một thế kỷ rưỡi, hội dòng đã hiện diện và hoạt động trên 24 quốc gia, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Truyền giáo và giáo dục
Năm 1924, các nữ tu Ðức Bà Truyền Giáo đến Việt Nam, thành lập điểm truyền giáo đầu tiên tại Phát Diệm, sau đó, tiếp tục mở cơ sở ở Thanh Hóa (1926), Lạng Sơn (1927), Hà Nội (1941), Huế (1955), rồi lần lượt hình thành các cơ sở tại phía Nam gồm Thị Nghè (1957), Thủ Ðức (tập viện, 1963); Phan Thiết (1960), Ðà Lạt (1964), Phước Long (1967), Củ Chi (1970). Năm 1974, tỉnh dòng Ðức Bà Truyền Giáo Việt Nam được thành lập.
Theo bước chân Mẹ Euphrasie Barbier, với sự hăng say của người thừa sai, các chị tiếp tục sứ mạng của đấng sáng lập dòng và đẩy mạnh hoạt động truyền giáo bằng giáo dục. Ngoài việc truyền đạt kiến thức, đường hướng giáo dục của dòng là phát triển con người toàn diện, giúp họ có ý thức về phẩm giá của mình. Giáo dục mở ra một phạm vi vô cùng rộng lớn cho các hoạt động tông đồ như mở trường mần non, lớp học tình thương, giáo dục đức tin cho người trẻ và người trưởng thành, chăm lo di dân, đồng hành cùng anh chị em dân tộc thiểu số, mái ấm cho người cơ nhỡ, lưu xá sinh viên. Nữ tu Marie Vianney Hoàng Thị Ðiệp - Bề trên Giám tỉnh nhận định: “Truyền giáo phải đi với lương dân, vượt ra vùng ngoại biên. Một trong những phương tiện hữu hiệu để tiếp xúc với lương dân là mở trường mẫu giáo. Ðó là cơ hội để mình tiếp xúc trực tiếp với phụ huynh, kể cả đội ngũ giáo viên của trường đa số cũng là người ngoại đạo, nhờ đó dễ dàng chia sẻ để người ta biết Chúa và đón nhận”.
Tỉnh dòng có 6 cộng đoàn mở nhà trẻ. Có cộng đoàn lo huấn luyện, cộng đoàn lo cho các em dân tộc thiểu số ở Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột. Dòng nuôi dưỡng 100 em dân tộc thiểu số từ năm này qua năm khác. Bên cạnh đó, truyền giáo cho di dân cũng được nhà dòng chú trọng. “Mình không làm gì lớn lao, nhưng ơn gọi của dòng là kết nối với sứ vụ Thần Linh, kết nối với Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi Ngài là nguồn gốc của hoạt động truyền giáo. Nên khi làm việc, dù lớn hay nhỏ, làm ở ngoại quốc hay trong nước, mỗi người một phận sự, vẫn luôn nỗ lực chu toàn trong niềm vui”, sơ Marie Vianney chia sẻ.
Ðể hoạt động tông đồ hiệu quả, các nữ tu Ðức Bà Truyền Giáo ý thức được rằng hoạt động phải được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện. Do đó, từng chị em luôn cố gắng để có được sự hài hòa, cân bằng giữa đời sống chiêm niệm và công việc tông đồ.
Ơn gọi dòng Ðức Bà Truyền Giáo cũng có nhiều nét đặc biệt, nữ tu Maria Lê Thị Hoa - phụ trách đệ tử viện cho biết: “Vì là dòng quốc tế, hoạt động trong môi trường đa văn hóa, đa quốc gia nên đòi hỏi người nữ tu phải luôn trong tư thế sẵn sàng được sai đi, dám xông pha và có tinh thần dấn thân phục vụ, đồng thời phải có khả năng học tập, trưởng thành trong đời sống tình cảm và tâm linh”. Bạn Trần Thị Thu Lành (22 tuổi), quê ở Bảo Lộc khoe từ ngày còn là sinh viên đã đăng ký ở nội trú trong dòng, vừa học vừa tập tu, đến nay đã được 4 năm. Nơi chốn này đã giúp cho bạn học được cách sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thích nghi để đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì. Môi trường sống thánh thiện hướng đến sự phát triển toàn diện đã giúp cho bạn càng ngày càng xác tín được ơn gọi của mình.
Gần 100 năm hiện diện tại Việt Nam, các nữ tu Ðức Bà Truyền Giáo âm thầm bền bỉ trong sứ mạng truyền giáo. Với lòng nhiệt thành và quảng đại của ơn gọi thừa sai, họ hy sinh quên mình, sẵn sàng lên đường phục vụ tha nhân.
NGỌC LAN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc