Nhà thờ Cù Lao Giêng được thiết kế theo mô-típ Romane. Ảnh: Lan Hương |
Tôi đã nhiều lần đến Cù Lao Giêng và cứ mỗi lần đến đây nhìn ngắm kỳ quan sông nước đang tồn tại cũng thời gian cả trăm năm qua nhưng vẫn đầy sức hấp dẫn, đó là nhà thờ Cù Lao Giêng (còn gọi là thánh đường họ Đầu Nước) tọa lạc tại ấp Tấn Bình, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thuộc giáo phận Long Xuyên. Theo những cư dân bản địa, đây là ngôi nhà thờ đầu tiên của xứ Nam Kỳ (?).
Ông Đình Hoàng Tùng, giáo dân tại đây cho biết: “Đây là niềm tự hào của xứ đạo vùng quê nầy bởi hiếm nơi đâu có được một kỳ quan rất cổ kính, nơi có nhiều linh mục nổi tiếng.
Theo nhiều tư liệu xưa, đầu thế kỷ XVIII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát cấm việc truyền bá đạo Công giáo, nên một số người theo đạo đã đến Cù Lao Giêng trốn tránh, rồi lập ra các cơ sở tôn giáo ở đây. Năm 1778, một đoàn lưu dân đến ngụ ở Cù Lao Giêng, mở đất, lập giáo đường. Vì thế đây được xem là nhà thờ đầu tiên và lớn nhất được xây dựng ở miền Tây Nam Bộ nên họ đạo nơi đây có tên là “Họ đạo Đầu Nước”, Cù Lao Giêng có thêm tên là “cù lao Đầu Nước (?)
Cha sở Maille qua đời, cha Augustinus Baptista Gazignol (thường gọi là cha Nho; sinh năm 1843, mất năm 1917), thuộc Hội thừa sai Paris (MEP) về coi sóc Họ đạo Đầu Nước. Khi ấy, nhà thờ Cù Lao Giêng đã xuống cấp, trong khi số lượng giáo dân ngày càng tăng. Vì vậy cần xây dựng lại một ngôi nhà thờ khang trang hơn. Khoảng năm 1875, dưới triều vua Tự Đức, linh mục Augustinus Baptista Gazignol cho xây dựng một lò gạch tại Cù Lao Giêng để chuẩn bị gạch cho việc xây dựng lại nhà thờ. 4 năm sau, năm 1879, nhà thờ Cù Lao Giêng được khởi công xây dựng, và 10 năm sau (1889), dưới triều vua Đồng Khánh mới hoàn thành. Đa phần vật liệu xây dựng đều được chuyên chở từ Pháp sang. Năm 1924, thời cha sở M. Hion, nhà thờ được xây phía sau thêm 1 căn làm phòng thánh. Từ khi xây dựng đến nay, nhà thờ qua nhiều đợt trùng tu vào các năm: 1924, 1960, 1994, 2003 nên ngày càng khang trang hơn.
Nhà thờ Cù Lao Giêng được thiết kế theo mô-típ Romane, xây dựng trên diện tích 7.367m2. Tòa tháp chuông cao 35m, trên hình bầu tròn, dưới hình vuông với nhiều đường nét hoa văn chạm trổ công phu, tinh xảo. Tường vách của nhà thờ được xây dựng từ gạch đặc ruột, bản to và chắc chắn cùng với các chất kết dính như hồ ô dướt và phụ liệu. Tường nhà thờ khá dày nên bên trong nhà thờ luôn thoáng mát. Trần nhà thờ là mái vòm hình bán nguyệt cao vút với những đường viền hoa văn rất đẹp.
Phía trước mặt nhà thờ là tháp chuông cao, trong tháp chuông có hai quả chuông đồng đúc tại Pháp do gia đình ông Phaolô Lê Văn Sang kính dâng, đặt ở lầu một và lầu thượng. Lòng nhà thờ có ba căn, căn chính rộng 8m, hai căn phụ mỗi căn rộng 4m. Hiện nay hầm mộ cha Augustinus Baptista Gazignol và hai cha phó vẫn ở giữa phía dưới lối đi bên trong nhà thờ.
Tháng năm đã qua đi nhưng người dân xứ đạo Cù Lao Giêng vẫn xem đây là biểu tượng uy thiêng, là niềm tự hào chung của bản thân, gia đình, xã hội.
Hiện nay, nhà thờ Cù Lao Giêng đã và đang là điểm đến lý tưởng của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đó là chưa kể nhiều đoàn làm phim đã chọn đây làm hậu kỳ cho nhiều bộ phim.
Chiều trên đất cù lao, nhìn ngắm kỳ quan lộng lẫy trong ánh nắng của hoàng hôn, được nghe rất nhiều câu chuyện hấp dẫn về quá trình xây dựng nhà thờ trong tiếng chuông ngân dài, hỏi ai không khỏi xao xuyến tâm hồn.