Tin tức - Hoạt động

Mở lối qua biển mây

Cập nhật lúc 11:47 03/04/2021
Bản Sim San của người Dao ở xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) lọt thỏm giữa rừng núi trập trùng, quanh năm sương mù bủa vây mịt mùng
Bản làng Y Tý như chìm trong dòng sông mây. Ảnh: Lê Quang
Bản làng Y Tý như chìm trong dòng sông mây. Ảnh: Lê Quang
Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại…

Một điểm trường tiểu học xinh xắn và mấy bể cá tầm bên sân trường là hai “công trình” đầu tiên được làm bằng gạch với xi-măng ở bản. Đó cũng là những “viên gạch” đầu tiên “xây” lối mở đường qua biển mây mờ, tìm đến ánh sáng và ấm no…

Xa xôi Sim San

Từ trung tâm xã Y Tý vào bản Sim San khoảng 18 km đường “khủng”. Chiếc xe máy của chúng tôi dò dẫm qua từng khúc cua tay áo khi bánh xe cận kề mép vực, rồi lại gầm rú nhảy chồm chồm trên đống đá hộc trơn tuột. Có đoạn dốc quá, ngồi trên xe mà như muốn ngã ngửa ra sau, dù xe về số một, ga thốc, hai tay ghì chặt vào tay lái, có sự giúp sức của đồng nghiệp, tôi mới điều khiển chiếc xe nhích từng tí một. Một chàng trai người Dao dẫn đường an ủi: “Có đường như thế này là may đấy, trước đây nó chỉ là lối mòn, dành cho bàn chân ngựa thồ tõe ra bám vào đá thôi. Chỉ thương mấy thầy, cô giáo mỗi lần vào bản dạy học phải đi bộ mất cả ngày trời đấy!”. Nguy hiểm nhất là mấy dòng suối chảy vắt qua con đường mòn hiểm trở này. Mùa khô còn đỡ, chứ vào mùa mưa, nước lũ tràn về tung bọt trắng xóa, không ai dám ra khỏi bản. Sau hơn 3 giờ “đánh vật” với con đường “đau khổ” và nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Sim San.

Bản Sim San có 49 hộ người Dao, sống trong những căn nhà trình tường nằm rải rác ven bờ suối. Những dãy núi sừng sững dài dằng dặc như thành lũy ngăn cách bản với bên ngoài. Núi cao quây kín đến nỗi mây khó”thoát” nổi, khiến ở đây quanh năm ẩm ướt, mù mịt. Khi thành phố Lào Cai lạnh khoảng 100C thì ở Sim San nhiệt độ đã…về 00C. Sự tách biệt, giao thông cách trở, thiếu thốn mọi bề khiến đói nghèo và hủ tục kéo dài triền miên. Phân hiệu Trường tiểu học Sim San nằm khuất dưới lòng thung gồm 2 gian nhà cấp 4 cũ kỹ được xây dựng nhờ nguồn hỗ trợ của một tổ chức cách đây 10 năm. Đối diện đó là căn nhà tạm, vách gỗ nằm liêu xiêu trong gió - nơi trú ngụ của 6 thầy, cô giáo “cắm bản”. Xác định phải kiên gan bám trụ mới có thể giúp bà con nâng cao tri thức, thầy, cô giáo ở điểm trường này cũng như biết bao giáo viên “cắm bản” ở vùng cao khác đã cống hiến tuổi thanh xuân cho vùng đất khó. Nhiều năm đằng đẵng sống xa gia đình, ngoài giờ lên lớp, các thầy, cô giáo chỉ biết quanh quẩn trong ngôi nhà tranh, bếp củi.

Ngày ở vùng cao thật ngắn. Nắng đang rực rỡ bỗng nhiên vụt tắt bởi những dãy núi sừng sững, gió ù ù thổi kéo theo màn sương mỏng loang dần xuống khoảng sân nhỏ, trời trở lạnh và sầm tối nhanh chóng.

Từ nấu rượu thóc đến nuôi cá tầm

“Học cái chữ rồi mới thấy, mặc dù bản mình còn khó khăn nhưng vẫn có tiềm năng đấy” - anh Tẩn Phù Tìn, Trưởng bản Sim San nói chắc nịch. Ở vùng cao, lớp học “cắm bản” không chỉ đón trẻ em, mà còn “rộng cửa” mời cả thanh niên và các người già tới học. Chính cái chữ giúp người Dao nghĩ sáng hơn, nhìn thấy lợi thế từ sản vật quê nhà. Từ lâu, người vùng cao thường nấu rượu bằng mầm thóc ủ men lá, nhưng nhờ dòng suối mát trong veo, cộng với mây mù quanh năm, nên Sim San mới nấu được loại rượu mầm thóc đặc biệt thơm ngon. Rượu Sim San nặng hơn 40 độ mà vị rất dịu, hương thơm nồng, từ lâu nổi tiếng khắp vùng. Vợ chồng anh Tẩn Phù Tìn có 3 bếp nấu rượu và là hộ đầu tiên trong bản đưa loại rượu đặc sản này ra thị trường. Anh Tìn còn vận động được hầu hết các hộ trong bản tận dụng thời gian nông nhàn nấu rượu bán để tăng thu nhập. 

Bản Sim San thêm hướng làm ăn mới, khi những bể nuôi cá tầm đầu tiên được xây dựng, góp phần hiện thực hóa chủ trương nuôi cá nước lạnh ở Bát Xát. Dòng nước mát lành đã làm nên hương vị đặc biệt của rượu thóc, nay lại được dẫn về cho đàn cá tung tăng. Xác định nuôi thủy sản là mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Bát Xát đã chuyển đổi hơn 10 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá, trong đó, xã Y Tý và Dền Sáng triển khai nuôi gần 2 ha cá hồi, cá tầm; năng suất bình quân 37,5 tấn/ha. Bên cạnh Sim San, các bản trên núi cao cùng xã Y Tý như Trung Chải, bản Nhìu Cù San cũng được coi là “địa chỉ đỏ” về nuôi cá nước lạnh.

Ươm thêm mầm xanh!

Một cách hữu ý, khu bể nuôi cá tầm ở Sim San được xây dựng ngay bên sân trường ngày ngày líu lo tiếng trẻ. Không chỉ các thầy, cô giáo ra đây thư giãn sau giờ lên lớp, mà dân bản cũng thường qua lại trầm trồ. Chỉ là những bể ximăng hình tròn với đàn cá “lạ mắt” nhưng có thể cho thu nhập tiền tỷ, ngỡ là “chuyện trên trời”, nay đã ở ngay trước mắt người Dao, thắp lên hy vọng đổi đời. Cả cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga, người có nhiều năm gắn bó với sự học nơi vùng cao này cũng chưa bao giờ thấy “công trình hiện đại” như thế cạnh các điểm trường. Dọc đường từ xã vào bản, những hàng cột đã mọc lên, hy vọng thời gian gần nhất sẽ có điện sáng trong bản. Ở Sim San, dù giáo viên còn phải ở nhà lá, nhưng ít nhất lớp học cũng được xây bằng gạch, quan trọng hơn là lũ trẻ đã quen đến trường, hứng thú học chữ. Bấy nhiêu đó cũng đã phải đổi bằng công sức bao năm ròng của các thầy, cô giáo khi phải lần lượt đến từng nhà, thuyết phục bà con bỏ hủ tục, cho con em họ đến lớp với hy vọng cuộc đời chúng sau này sẽ bớt cơ cực hơn ông cha.
 
Cô và trò ở Sim San mong có một cây cầu qua suối. Ảnh: TK
Cô và trò ở Sim San mong có một cây cầu qua suối. Ảnh: TK

Vùng cao muôn sự đều thiếu, nhưng cái gì cần nhất? Nghe tôi hỏi vậy, cô giáo Hằng Nga đáp ngay: “Một cây cầu treo anh ạ! Con suối chảy qua giữa bản, ngày thường hiền hòa thế, nhưng mưa xuống là nước dâng lên chảy xiết ghê lắm. Ngày nào bọn em cũng phải dậy từ mờ sáng, dắt học sinh qua suối, không dám để các em vượt suối một mình. Nhiều hôm nước lớn, lũ về cuồn cuộn, cô trò chỉ biết đứng hai bên bờ nhìn nhau, rồi đành cho các em nghỉ học”.
 
TRUNG KIÊN
Thông tin khác:
Thánh Giuse người cha âm thầm (02/04/2021)
Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ Quy chế phối hợp công tác (01/04/2021)
Hà Nội mở cửa đón khách trở lại (30/03/2021)
Máy đào hầm thần tốc (30/03/2021)
Con đường nhỏ của tình yêu (29/03/2021)
Cây Thánh giá hòa bình tại Maryland - Hoa Kỳ (29/03/2021)
Đức Tổng Giám mục Huế thăm mục vụ và khánh thành tượng đài thánh cả Giuse (28/03/2021)
Sau 400 năm, thành UR, quê hương tổ phụ Abraham được chiếu sáng (27/03/2021)
Tình yêu và tình liên đới với thiên nhiên (27/03/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log