“Anh là lãnh đạo trong cơ quan thì phải đi sớm về muộn, làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, không tư lợi cá nhân, đặt lợi ích tập thể lên trên quyền lợi của mình thì mới thu phục được nhân tâm”. Đó là ý kiến đóng góp trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2024) của linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh- Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh hiện là Chính xứ Phúc Lãng (Quảng Trường, Quảng Xương, Thanh Hóa).
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với đồng bào Công giáo tại giáo xứ Phúc Lãng (Quảng Xương, Thanh Hóa). Ảnh: Mạnh Cường |
Mặt trận là nơi lắng nghe nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh cho rằng, chúng ta cần tiếp tục phát huy những việc đã làm được nhưng cũng nên quan tâm nhiều hơn nữa những ý kiến của người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Theo linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Mặt trận cần đề xuất, tham mưu cả những nguyện vọng ít ai nói ra như những vụ án oan sai nhưng do người dân còn hạn chế về kiến thức pháp luật, không biết tìm tới đâu để kêu cứu, đây là vấn đề Mặt trận cần phải đặc biệt quan tâm. Mặt trận nên đi sâu, đi sát vào quần chúng, “xuống tận đội, lội đến tận đồng; xuống tận ngõ, gõ từng người dân”.
Hơn thế, nguyện vọng của quần chúng thì nhiều nhưng phải xem xét nguyện vọng nào thực sự hợp với lòng dân, không nên nói chung chung mà cần cụ thể hoá.
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh chia sẻ: “Vừa đây, tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hoá, có ý kiến cho rằng: Kỳ họp nào cũng thấy Mặt trận đề xuất bao nhiêu nguyện vọng, mỗi lần cứ thêm vào”. Tuy nhiên, theo tôi thì đang còn ít. Bởi chúng ta chưa làm được nhiều để nhân dân thực sự yên lòng nên họ mới đề xuất, kiến nghị”.
Chúng ta hô hào, phát động phong trào, song phát động thì dễ nhưng để duy trì phong trào như thế nào là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kỹ càng hơn. Đơn cử như cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khi phát động thì mạnh lắm và cũng đã có tổng kết, đánh giá, song chắc chắn vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Thực tế cho thấy, có không ít người đứng đầu ở các đơn vị, cơ quan, đoàn thể hô hào cho người khác dùng hàng Việt Nam nhưng bản thân họ lại dùng toàn đồ hàng hiệu. Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh kể: “Có lần tôi nói, chúng ta phát biểu thì hay, song đâu lại vào đó. Ta cứ hô cho người khác làm, bản thân thì chất lên vai gánh nặng. Chính mình và gia đình không “nhúng tay lay thử””.
Nói về chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện của tổ chức Mặt trận, linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh đưa ra quan điểm rằng: Vấn đề giám sát, phản biện mới đúng nghĩa ở cấp thượng tầng. “Tôi họp ở trung ương, nhận thấy công việc giám sát, phản biện rất tốt. Nhưng khi xuống tới tỉnh kém một tí, xuống huyện kém thêm chút nữa, còn xuống tới xã thì việc này còn rất nhiều hạn chế, yếu kém, công tác giám sát cộng đồng chưa thực sự hiệu quả. “Tôi cho rằng, để công tác giám sát, phản biện đạt được hiệu quả thì ngành nào cũng phải gương mẫu, Mặt trận càng phải gương mẫu hơn”.
Đảng và Nhà nước đang thu gọn lại bộ máy cán bộ từ trung ương xuống tới địa phương. Nhưng ngoài mệnh lệnh hành chính, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì chính bản thân của mỗi cán bộ, công chức phải tự giác làm việc.
Tôi thấy, trong khi các doanh nghiệp không chỉ tăng ca, thêm giờ mà công nhân nghỉ phút nào bị trừ tiền phút đó. Ngược lại, còn không ít cán bộ, công chức đang làm việc theo kiểu đối phó, tối ngày đầy công.
Ở đây, theo tôi muốn nói đến câu chuyện nêu gương. Cha mẹ phải nêu gương cho con cái, lãnh đạo nêu gương cho cán bộ, công chức, viên chức. Như việc bố mẹ không đội mũ bảo hiểm, dùng chất kích thích, vi phạm đèn tín hiệu... khi tham gia giao thông thì chắc chắn không thể bắt con đội được, không nói được con. Tương tự, anh là lãnh đạo trong cơ quan thì phải đi sớm về muộn, làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, không tư lợi cá nhân, đặt lợi ích tập thể lên trên quyền lợi của mình thì mới thu phục được nhân tâm, anh em cấp dưới mới nể và làm việc hiệu quả. Làm lãnh đạo cần biết lắng nghe ý kiến của anh em cấp dưới, ai góp ý đúng, kể cả trái chiều thì mình lĩnh hội chứ đừng để bụng, chấp vặt.
Tổ chức Mặt trận cần đi đầu và phát động các phong trào thực hiện việc cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư. Nêu gương là học tập theo Bác Hồ, tự giác, nghiêm khắc với chính bản thân, đại lượng với người khác, phê bình và tự phê bình nghiêm túc.
Có câu “tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”, cán bộ mà lệch lạc thì hiệu quả công việc không cao. Không được đặt cái tôi lên trên, nặng cái tôi thành tội. Mặt trận cần khơi dậy tinh thần tự giác của mỗi cán bộ để họ loại bỏ tính ích kỷ, nêu gương cá nhân và gia đình.
“Chiến thắng bản thân khó lắm, lớn lắm. Phải lấy dân làm gốc nhưng phải thật chất, công bằng. Cùng một lỗi, người dân thì bị xử lý còn cán bộ thì xin xỏ, chạy chọt... Cha mẹ sai tai hại cho con cái, cán bộ sai sẽ làm giảm lòng tin trong nhân dân”- Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh khẳng định.
Bác Hồ từng viết:...“dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”, bản thân từng người phải chịu khó học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức, về hưu rồi vẫn phải học.
Chúng ta học từ em nhỏ, học người già, học trong sách vở, học ở đời sống sinh hoạt hàng ngày, học yêu thiên nhiên, yêu đất nước. Nói như vậy để thấy rằng, để ước nguyện của Bác Hồ trở thành hiện thực, chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều.
“Có thể thấy, vai trò của Mặt trận rất quan trọng và đã được nâng cao nhưng thực tế để tiếng nói của Mặt trận có trọng lượng cần được cấp uỷ, chính quyền nhìn nhận một cách khách quan. Cuối cùng, tôi mong muốn, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, những người được hiệp thương vào UBTƯ MTTQ Việt Nam phải phát huy được khả năng của mình” - Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh nhấn mạnh.