Tin tức - Hoạt động

Một chuyến lên Tây Bắc

Cập nhật lúc 09:19 28/12/2016
Theo chương trình chuyến thăm mục vụ và làm việc với chính quyền các tỉnh vùng Tây Bắc lần này của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam có Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa; cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, thông dịch viên cho đoàn.
      Được biết, sau khi dâng thánh lễ tạ ơn mừng Ngân khánh Giám mục của Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục giáo phận Hà Nội tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Đức TGM và đoàn đã lên đường theo chương trình viếng thăm mục vụ tại giáo phận Hưng Hóa.

      Tới giáo xứ Sapa, sau khoảng 6 tiếng xe chạy tuy hơi muộn nhưng vẫn kịp giờ lễ lúc 19g00. Đức cha Anphong chủ tế và chia sẻ thánh lễ Chúa nhật II Mùa Vọng. Đồng tế với ngài, có Đức TGM, cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, cha quản xứ Lào Cai, cha Phêrô Phạm Thanh Bình quản xứ Sapa và hai cha phó: Đaminh Hoàng Thế Bằng và Giuse Đỗ Tiến Quyền. Hôm nay cũng là ngày giáo xứ Sapa chia tay cha Giuse Quyền sau hơn hai năm gắn bó trong chức vụ phó xứ. Thật là hân hạnh cho giáo xứ và cha Giuse vì có sự hiện diện của hai Đức Giám mục và các linh mục.

      Chia sẻ trong thánh lễ, Đức cha Anphong làm nổi bật ý nghĩa của Mùa Vọng qua phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa nhật. Thánh Gioan Tẩy giả là tấm gương cho việc chuẩn bị đón Chúa đến: “Hãy sửa đường Chúa”, nghĩa là hãy hoán cải  tâm hồn đón chờ Chúa đến. Mùa Vọng chỉ có ý nghĩa khi chúng ta thành thật thay đổi tâm hồn để mời Chúa đến và chính chúng ta là đền thờ của Chúa.

      Nhân dịp này, Đức TGM đã chia sẻ đôi điều ngày lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo không biết mệt mỏi. Ngài cũng chúc cha Giuse nên giống thánh Phanxicô Xaviê để nhiều người trở về với Chúa nhờ sự nhiệt huyết của cha. Đức cha Anphong cũng nói lên lời cám ơn của Đức cha giáo phận và của chính ngài.

      Sau thánh lễ, Đức TGM dùng bữa tối với gia đình giáo xứ Sapa trong tinh thần hiệp nhất tình cha con. Ngài còn hỏi thăm về đời sống và việc làm của người dân trong vùng, nhất là người dân tộc thiểu số.

      Sau một đêm nghỉ bình yên tại nhà xứ Sapa, Đức Tổng Giám mục và đoàn thức dậy lúc 6g00 trong tâm tình tạ ơn và chúc tụng. Lạy Chúa, ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa. Ngài dùng bữa sáng rất đơn giản với bánh mỳ, pho mát, sữa và càphê theo kiểu phương Tây. Bữa ăn ngắn ngủi như vậy nhưng ngài vẫn dành thời gian hỏi thăm tới hết mọi người có mặt về giấc ngủ, về sức khỏe.

      Đúng 7g00, đoàn bắt đầu lên đường từ nhà xứ Sapa. Trời lạnh và nhiều sương mù tạo nên một Sapa hết sức thơ mộng và quyến rũ. Những đám sương quyện lấy từng người như muốn nói rằng Sapa nơi gặp gỡ đất trời, nơi gặp gỡ con người. Đi cùng đoàn cũng có giáo dân giáo xứ Sapa tiễn cha Giuse Đỗ Tiến Quyền tới giáo xứ mới. Tòa Giám mục bổ nhiệm cha Giuse làm phó xứ Lai Châu từ tháng 5 năm 2015 nhưng vì nhu cầu Năm Thánh cha đã ở lại giáo xứ Sapa giúp các đoàn hành hương. Vì thế, niềm vui giáo xứ Lai Châu hôm nay được nhân lên gấp bội. Có thể gọi là “song hỷ”: đón Đức TGM Leopoldo Girelli và đón cha phó.

      Đúng 9g00, ĐTGM và đoàn đến trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lai Châu để chào thăm. Đoàn được ông Lê Xuân Quảng, Phó chủ tịch UBND và đại diện các sở ban ngành: Công an, sở Nội vụ, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc  tiếp đón cách trọng thị. Đức TGM ngỏ lời chào thăm và gửi lời chào thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô đến ông Phó chủ tịch và nhân dân tỉnh Lai Châu. Đức TGM cũng cám ơn ông Phó chủ tịch và đoàn tiếp ngài ngày Chúa nhật, ngày nghỉ việc cơ quan. Đây là lần thứ hai ngài tới Lai Châu.

      Đức TGM không quên nói lên sự phát triển của Việt Nam nói chung và của Lai Châu nói riêng, ngài cũng nói lên tiến trình đàm phán về tự do tôn giáo qua Nhóm làm việc chung giữa Việt Nam và Tòa Thánh tại Hà Nội ngày càng hiệu quả hơn và đã đưa ra một thông cáo chung. Gần đây Chủ tịch nước cũng có tới thăm Vatican và gặp gỡ Đức Giáo hoàng.

      Ông Lê Xuân Quảng, Phó chủ tịch UBND  ngỏ lời cám ơn Đức TGM và các thành viên trong đoàn và nói về sự tôn trọng đến sinh hoạt tôn giáo của chính quyền địa phương nhưng để bình thường sinh hoạt cách ổn định thì cần có thời gian.

      Nhân dịp này, Đức TGM cũng đề cập tới 3 vấn đề chính liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tại tỉnh Lai Châu. Đó là thành lập giáo xứ Lai Châu, xây dựng cơ sở thờ tự cho các cộng đoàn và giáo dân sinh hoạt đạo cách bình thường tại các nơi chưa được công nhận. Ông Lê Xuân Quảng cũng ghi nhận để thảo luận với UBND rồi đưa đến những kết luận sau. Ông cũng yêu cầu Sở Nội vụ cần nghiên cứu cách cụ thể hơn về chính sách tôn giáo. Cuộc trao đổi giữa hai bên diễn ra cách cởi mở và thẳng thắn. Chúng ta cần chờ đợi những tín hiệu tích cực sẽ sinh hoa kết trái trong tương lai gần.

      Đoàn lên đường trở về giáo xứ Lai Châu, người già, trẻ em mỗi người đều cầm hoa trên tay để chào đón Đức TGM. Ai cũng thấy ngỡ ngàng vì sự phát triển mau chóng của cộng đoàn. Nào là đội trống, nào là con hoa, nào là ca đoàn, nào là đội kèn làm cho giáo xứ sinh động và ấm cúng.

      Tưởng cũng nên nhắc đến, giáo xứ Lai Châu gồm toàn tỉnh Lai Châu. Số giáo dân là hơn hai ngàn sống rải rác trong 15 cộng đoàn. Điều cần chú ý là trong số 15 cộng đoàn này mới chỉ có cộng đoàn Xéo Sin Chải, xã Sàng Thàng, trụ sở của giáo xứ Lai Châu được công nhận điểm sinh hoạt. Cha Phêrô Phan Kim Huấn làm cha xứ mới được 6 tháng và hôm nay có thêm cha Giuse Đỗ Tiến Quyền cộng tác. Cha xứ Phêrô đã có lời cám ơn Đức TGM và Đức cha phụ tá Anphong qua việc nói lên đức tin và lòng trung thành của giáo dân Lai Châu.

      Đức TGM đáp từ với lời cám ơn và chúc cho cha xứ, cha phó, giáo xứ Lai Châu ngày một phát triển. Ngài cũng nhắc tới cuộc đối thoại với chính quyền cấp tỉnh vừa qua được diễn ra tốt đẹp và khuyên anh chị em cần chờ đợi để ý Chúa được thể hiện.

      Tiếp đó, thánh lễ Chúa nhật II Mùa Vọng được cử hành lúc 10g30 do Đức TGM đồng chủ tế với Đức cha Anphong và chia sẻ. Đức TGM chia sẻ Lời Chúa trong phụng vụ với ba bài đọc. Hãy tỉnh thức và chờ đợi là những từ được nhắc nhiều trong Mùa Vọng và trong Chúa nhật hôm nay. Tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Chúa. Chờ đợi để đón chờ Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Đức TGM nhấn mạnh đến việc Chúa đến 3 lần: hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Ngài đã đến trần gian làm người như chúng ta. Ngài còn đến trong các Bí tích mà Giáo hội cử hành, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể. Ngài còn đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

      Thánh lễ kết thúc 12g00 trong vui mừng và cảm động của cộng đoàn dân Chúa. Đức TGM và Đức cha Anphong ở lại chụp hình lưu niệm với từng hội đoàn và nhiều cá nhân. Được biết, sau bữa ăn trưa tại đây, Đức TGM và đoàn sẽ đi 200 cây số đường rừng để đến giáo xứ Điện Biên thăm và dâng lễ tại đó. Xin Chúa chúc lành cho sự cố gắng vì dân Chúa và công cuộc tìm kiếm chiên lạc của Đức TGM và giáo phận Hưng Hóa.

      Sau cơm trưa tại Lai Châu, chúng tôi lên đường đi Điện Biên ngay. Sở dĩ thế vì đoạn đường khá dài, hơn 200 cây số. Bà con chia tay Đức Tổng cách bịn rịn, quyến luyến. Ngài như muốn nói với họ: “Cha còn nhiều cộng đoàn phải thăm viếng để nâng đỡ họ”. Giờ chỉ còn lại mỗi chiếc xe của Đức Tổng Leopoldo, có Đức cha Anphong và cha Tiến cùng đi, các xe khác thì quay về Sapa, Lào Cai.

      Quang cảnh hai bên đường giống hệt bức tranh, đẹp và quyến rũ, với đồi núi trùng điệp, bầu trời trong xanh điểm những áng mây lững lờ. Du khách tha hồ ngắm những căn nhà vắt vẻo bên nương ngô đến khe suối uốn lượn dọc theo thung lũng. Ở đây độ cao phải hơn ngàn mét. Thấp thoáng bóng những cô gái H’mông xanh, Thái trắng, Dao đỏ trong y phục sặc sỡ. Các cô vừa giữ con, vừa trông chừng bò, tay thoăn thoắt thêu những miếng thổ cẩm. Hình ảnh này chẳng còn thấy nơi người Kinh nữa.

      Ngang qua thị trấn Mường Lay, đoàn dừng chân ít phút để thăm bà con vừa tan lễ Chúa nhật. Cha Ngoạn và thầy Tuấn chiều qua đã vượt 140 cây số từ Điện Biên đến Tủa Chùa làm lễ, rồi trưa nay lại từ Tủa Chùa đi Mường Lay xa gần trăm cây số, để dâng lễ cho vỏn vẹn năm chục người Công giáo. Đức Tổng vui vẻ thăm hỏi mọi người, khích lệ họ sống tinh thần tin yêu của Mùa Vọng, rồi ngài cầu nguyện và chúc lành cho họ. Bấy nhiêu thôi, nhưng có thể nhận thấy niềm vui tỏa rạng trên khuôn mặt những người con Chúa. Thật “đẹp thay bước chân người đi khắp núi đồi loan báo TIN MỪNG, công bố bình an, loan tin hạnh phúc, ơn cứu độ” (Is 52,7). Chúng tôi cảm phục sự dấn thân của các cha các thầy, và của Đức Tổng nữa, chẳng quản xa xôi, lặn lội đến với anh chị em giáo dân nơi vùng ngoại vi này, vừa chăm sóc chiên trong đàn, vừa đi tìm con lạc ! Rời Mường Lay, đoàn đi thêm 100 cây số nữa mới đến thành phố Điện Biên Phủ.

      Khi xe dừng bánh trước nhà nguyện ở Bản Phủ thì trời đã tối, bầu không khí se lạnh mùa đông, giáo dân Kinh-H’mông sắp hàng từ lúc nào chờ đón Đức Tổng. Mọi người ngạc nhiên và mừng vui khi thấy có cả Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Hưng Hóa từ 2003-2011. Mười một năm trước, ngày 27/12/2005 đã đi vào lịch sử của cộng đoàn Công giáo Điện Biên. Khi ấy, mảnh vườn còn hoang sơ, đầy cỏ dại, chỉ có vài chục bông hoa không hề được chăm sóc, nhưng vẫn mọc lên giữa đá sỏi và gai góc. Khi hay tin giáo xứ Điện Biên được thành lập, Đức cha hẹn sẽ trở lại thăm. Và hôm nay, ngài từ Đà Lạt đến với bà con, có cha Phêrô Lê Quốc Hưng tháp tùng, dù chỉ một ngày đêm, để chia sẻ niềm vui với họ.

      Đức cha gặp lại nhiều khuôn mặt thân thương trìu mến, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là chú bé Vinhsơn Nguyễn Hải Đăng, con ông Đaminh Dương và bà Maria Nữ. Gia đình này còn giữ được tấm hình kỷ niệm Đức cha ghé thăm, khi ấy Đăng mới chào đời được mấy tháng, Đức cha bế trong lòng như cụ già Simêon ẵm Chúa Hài Đồng xưa. Hôm nay, chú đã lên mười, trông thông minh dĩnh ngộ, sung sướng được ngồi cạnh Đức cha. Biết đâu sau này chú sẽ được Chúa kêu gọi làm linh mục và trở nên ngọn đèn (Đăng), không phải để chiếu rọi thuyền bè ngoài biển cả (Hải Đăng) mà là cho bà con H’mông trên rừng núi Tây Bắc này, thế thì phải đổi tên là Sơn Đăng, như Simon được Chúa cải tên là Phêrô. 

      Sau khi chầu Thánh Thể, cha quản xứ Điện Biên chào mừng các Đức cha và giới thiệu đôi nét về sự hình thành giáo xứ. Đức Tổng, hai Đức cha Antôn và Anphong cũng lần lượt có lời chào thăm cộng đoàn.
      
      Đây là lần thứ ba Đức Tổng Leopoldo đến Điện Biên. Hai lần trước vào năm 2012 và 2015. Mỗi lần ngài đều gặp gỡ chính quyền tỉnh để trao đổi về vấn đề tôn giáo.

      Thánh lễ ấm cúng tối hôm nay ở Điện Biên hẳn làm cho nhiều giáo xứ khác phải thèm: Ba Giám mục cùng dâng lễ tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho giáo xứ Điện Biên út ít nhỏ bé. Đúng vậy, Điện Biên là giáo xứ thứ 117 của giáo phận Hưng Hóa tính đến thời điểm này. Con số khiến người ta nghĩ ngay đến 117 thánh Tử đạo Việt Nam. Giáo hội hoàn vũ và Đức Thánh Cha Phanxicô như đang hiện diện sống động qua Đức Tổng Leopoldo, vào lúc này, ở nơi đây, nơi xa tít của Giáo hội Việt Nam và giáo phận Hưng Hóa.

Quý Đức cha v quý cha đồng tế thnh lễ​ chụp ảnh lưu niệm với Ban hành giáo​ Điện Biên
 
      Vì cơ sở nhỏ bé chật chội, không có phòng khách, nên dù muốn dù không, chúng tôi phải nghỉ đêm ở khách sạn. Ban Hành giáo và cha xứ đã chu đáo lo cho chúng tôi được giấc ngủ ngon tại khách sạn A1 nằm bên sườn đồi nơi diễn ra trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Cái tên như muốn khoe mình là khách sạn đẳng cấp của Điện Biên, vừa đứng đầu 24 chữ cái, vừa đứng đầu dãy số thập phân!

      9 giờ sáng thứ hai ngày 05/12: Cuộc gặp gỡ giữa chính quyền tỉnh Điện Biên và phái đoàn.

      Cuộc trao đổi diễn ra trong bầu khí cởi mở, thân thiện, lắng nghe và tôn trọng. Mọi người kỳ vọng tiếng nói của Đức Tổng sẽ sớm đem lại kết quả tốt đẹp hơn nữa cho người Công giáo tại Điện Biên.

      Khi chào các vị lãnh đạo tỉnh ra về thì cũng là lúc chúng tôi nói lời tạm biệt nhau. Đức cha Antôn và cha Hưng đáp máy bay trở về Hà Nội, hai cha Ngoạn và Hùng cùng hai vị trong Hội đồng giáo xứ trở về Bản Phủ, còn Đức Tổng, Đức cha Anphong và cha Tiến cũng lên xe trở về Hà Nội.

Lưu niệm với Chính quyền tỉnh Điện Biên.
 
      Kết thúc chuyến đi này, chúng tôi muốn nói lên tâm tình cảm mến biết ơn đối với Đức Tổng Leopoldo Girelli. Ngài quan tâm biết là ngần nào đối với giáo phận Hưng Hóa, khi đây là lần thứ mười ngài thăm viếng mục vụ tại giáo phận này. Những nơi xa xôi nhất, nhiều khó khăn nhất, đáng thương yêu nhất thì ngài đều đến, không chỉ một lần, mà ba lần.
BT
Thông tin khác:
Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh: Tĩnh tâm Mùa Vọng (26/12/2016)
Cây Noel (26/12/2016)
Giao ban UBĐKCG khu vực miền Trung - Tây Nguyên (26/12/2016)
Giao ban công tác thi đua cụm Miền Bắc (26/12/2016)
Thư chúc mừng Giáng sinh của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân (23/12/2016)
Hãy nhân niềm vui Giáng sinh ra khắp nơi (23/12/2016)
Bí thư Đinh La Thăng chúc mừng lễ Chúa Giáng Sinh Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (22/12/2016)
Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ đại diện các tôn giáo (22/12/2016)
Mùa Giáng sinh NƠI VÙNG SÔNG HƯƠNG NÚI NGỰ (22/12/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log