Toàn cảnh nhà thờ giáo xứ Vinh Hòa (GP. Ban Mê Thuột). Ảnh: CTV |
Hai cháu vui mừng kể cho nghe chuyện làm ăn ngày một phát đạt của bà con xứ Nghệ trong 30 năm vào đây định cư. Hai cháu còn kể cả hai giáo xứ Vinh Hòa và Tân Hòa thuộc giáo phận Ban Mê Thuột kề nhau đều có điện - đường - trường - trạm và chợ theo tiêu chuẩn “nông thôn mới”, không ít gia đình xây nhà kiểu biệt thự giữa khuôn viên đầy hoa trái. Qua mắt mình chứng kiến cộng thêm lời cháu kể, tôi vui mừng trước cảnh đổi đời của những người dân xa quê biết tận tâm tận lực làm giàu tại vùng đất hứa này.
Tiếp đến cả gia đình chuyển sang những câu chuyện xoay quanh chủ đề lễ Giáng sinh. Nào chỉ còn nửa tháng là đến Noen. Nào Noen sắp đến, nhưng không khí Noen đã bao trùm cao nguyên nửa năm nay, kể từ “Đêm diễn nguyện, mừng kim khánh giáo phận Ban Mê Thuột 50 năm hình thành và phát triển” (21/7/2017). Vợ cháu nắm tay bà nhà tôi, nói: “Ngày ấy, chúng cháu rất mong được đón bác vào đây chơi, để chung vui”. Tôi gật đầu cảm ơn: Bác có theo dõi “Đêm diễn nguyện” ấy qua tin tức, hai cháu ạ. Đông đảo giáo dân bày tỏ tri ân các thế hệ Giám mục, linh mục, giáo dân trước đây đã đóng góp nhiều công sức và trí tuệ xây dựng giáo phận, đồng thời biểu thị sự nỗ lực của mình xây dựng cuộc sống tốt đẹp hiện tại, và hướng tới tương lai ngập tràn hy vọng”. Tôi kể thêm: “Đêm diễn nguyện” càng cuốn hút, bằng sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM. Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhiều Đức Giám mục, linh mục từ các giáo phận Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Kon Tum. Trong lời phát biểu khai mạc đêm hội, Đức Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột Vinhsơn Nguyễn Văn Bản dành nhiều lời ngợi ca cộng đoàn dân Chúa trên địa bàn. Các đội kèn, các ca đoàn, các đội thiêu nhi biểu diễn một chương trình văn nghệ đặc sắc, minh họa sinh động diễn tiến của 50 năm giáo phận hình thành và phát triển... Đúng như lời các cháu nhận xét, không khí Noen năm nay đã được bắt đầu từ giữa năm.
Nghe tôi tường thuật lại, vợ chồng cháu thêm hưng phấn, thay nhau kể về không khí lễ Giáng sinh các năm trước. Khi màn đêm buông xuống là lúc không khí mùa Noen rộn ràng hơn. Cổng nhà thờ Chính tòa đèn điện chiếu sáng. Trong nhà thờ, “Hang đá và máng cỏ Giáng sinh”, có đủ hình tượng Chúa Giêsu, Mẹ Maria, thánh Giuse, các thiên sứ, mục đồng cùng các gia súc như bò, lừa... kể lại sự tích Chúa ra đời. Phía trên có ngôi sao, biểu trưng ánh sáng dẫn đường cho các đạo sĩ đến diện kiến Chúa Giáng sinh. “Thưa hai bác - vợ cháu kể thêm - Không khí trang nghiệm và rộn ràng của đêm Noen không chỉ diễn ra ở nhà thờ Chính tòa. Mẹ con cháu dự lễ ở giáo xứ Vinh Hòa cũng ngập trong màu sắc Noen ạ. Mọi biểu tượng Giáng sinh đều có cả. Nào “Vòng lá Mùa Vọng”, “Cây Giáng sinh”, “Chợ Giáng sinh”, “Thiệp Giáng sinh”, “Quà Giáng sinh”. “Ông già Noen”.
Thế là bác cháu chúng tôi lại say sưa với truyền thuyết “Ông già Noen” và “Quà Giáng sinh” vừa ấm áp, vừa nên thơ. Tôi kể: “Có sách viết “Ông già Noen” là người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông rất giàu có và tốt bụng, đã theo lời Thiên Chúa đem hết của cải tặng người nghèo, rồi được nên thánh Nicholas. Lại có sách kể ông xuất hiện ở khu vực Bắc Âu và thường ngồi trên những cỗ xe tuần lộc, nên có thêm tên là “Ông già tuyết”. Hình ảnh ông xuất hiện lần đầu trong bài thơ và bức họa: “A visit from Saint Nicholas” (Chuyến thăm của thánh Nicholas) được xuất bản ở Pháp giữa thế kỷ XIX, miêu tả trong đêm Noen, ông mặc quần áo đỏ, đội mũ đỏ viền trắng, thắt lưng đen và đi dày đen, tóc bạc phơ, râu trắng như tuyết, khuôn mặt hiền từ, nụ cười thân thiện, đến từng nhà phát quà cho trẻ nhỏ và người nghèo, gieo vào lòng họ niềm vui bất ngờ”.
Còn vợ chồng cháu thì kể về những “Ông gìa Noen” mà mình đã gặp ở cao nguyên. Như tu sĩ của “Dòng Ảnh Phép Lạ” trong 70 năm qua đón nhận, bao bọc, nuôi dương rất nhiều trẻ mồ côi, tạo hành trang cho các cháu vững tin bước vào đời. Như các vị đại diện các tổ chức từ thiện khắp nơi đến với các bệnh nhân ở trại cùi cứu chữa, chăm sóc và tặng quà. Như các sơ Y Lanh, Y Vân, Hiệp sĩ đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh... một lòng một dạ giúp bao người vượt qua khó khăn trong cộc sống...
Vui thay, trong hành lý vào Tây Nguyên, tôi có đem theo mấy số “Tuần báo Người Công giáo Việt Nam”, làm quà tặng vợ chồng người cháu. Bắt gặp “Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vận động quyên góp ủng hộ đồng bào khắc phụ thiệt hại do cơn bão 12 gây ra” và “Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi cầu nguyện và cộng tác cứu trợ nạn nhân bị lũ lụt”, cháu tôi đọc rành rọt: “Hội đồng Giám mục kêu gọi mọi thành phần dân Chúa trong nước cũng như ở hải ngoại cùng cộng tác giúp đỡ bà con vượt qua những khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống. Sự chia sẻ của anh chị em vừa thực hiện giáo huấn yêu thương của Chúa, vừa thể hiện truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam. Cùng với những người đang gánh chịu hậu quả của bão lụt, chúng tôi cảm ơn nghĩa cử quảng đại bác ái của anh chị em. Nguyện xin Chúa nhân lành trả công bội hậu cho anh chị em”. Bác cháu chúng tôi coi đây là những tin mừng trong dịp lễ Giáng sinh 2017 này. “Ông già Noen” ắt mang “Quà Giáng sinh” tới mọi vùng quê, góp thêm niềm vui và sự ấm áp cho cộng đồng dân Chúa nói riêng và toàn dân nói chung tại các vùng gặp thiên tai.