Thực hành lần hạt Mân Côi một việc đạo đức đã được giáo dân trên toàn thế giới dâng kính Đức Maria qua bao thời đại, và theo truyền thống từ lâu Tràng hạt Mân Côi kính Đức Maria gồm 150 kinh Kính Mừng, chia ra làm 3 chuỗi tương ứng với mười lăm sự qua ba mùa: Vui, Thương, Mừng. Đến thời điểm tháng Mân Côi năm 2002, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng thêm vào Mùa Sáng. Nay chúng ta cùng tìm hiểu về những sự kiện quan trọng này.
I. ĐÔI NÉT LIÊN QUAN ĐẾN CHUỖI MÂN CÔI Theo dòng lịch sử, khi phải đối đầu giao tranh với quân Hồi hùng mạnh tại vịnh Lepanto vào ngày 7/10/1571, người Công giáo đã tin tưởng và nhờ vào phép lần hạt Mân Côi mà chiến thắng vẻ vang. Để tạ ơn, Thánh Giáo hoàng Piô V (1566-1572) đã thiết lập lễ Đức Mẹ Thắng trận, mừng hằng năm vào chính ngày ấy. Đồng thời ngày 15/9/1569 qua Tông thư “Consueverunt Romani Pontifices” Ngài đã cấu trúc tiêu chuẩn hóa cho tràng hạt Mân Côi có 3 phần: một là 5 sự Mùa Vui, hai là 5 sự Mùa Thương, và ba là 5 sự Mùa Mừng, đươc phổ biền rộng rãi và giáo hữu khắp nơi nồng nhiệt đón nhận để tôn kính Mẹ Maria.
Tiếp đến thời Đức Giáo hoàng Gregoriô XIII (1572-1585) đổi tên lễ Đức Mẹ thắng trận thành lễ Đức Mẹ Mân Côi có thể mừng vào đầu tháng 10 qua Tông thư “Monete Apostolos” ngày 1/4/1573 nhấn mạnh “Kinh Mân Côi là Thánh Thi của Đức Trinh Nữ Rất Thánh, mà chúng ta cần cầu nguyện để Thiên Chúa thứ tha và khẩn xin sự cầu bầu của Đức Mẹ...”
Để kỷ niệm 400 năm ngày kinh Mân Côi được Giáo hội chấp nhận (1569-1969) Đức Thánh Cha Phaolô VI (1963-1978) trong Tông huấn “Recurrens Mensis October” ban hành 7/10/1969, đã nhiệt liệt cổ vũ và kêu gọi mọi người hãy canh tân việc cầu nguyện kinh Mân Côi, hầu đạt được nhiều thành quả thiêng liêng, và Ngài cũng ban ơn Đại xá cho những ai lần hạt Mân Côi chung trong gia đình, tu hội, hiệp hội vào các dịp này.
II. TÌM HIỂU VỀ NĂM SỰ SÁNG Mở đầu những năm đầu thiên niên kỷ XXI, khoảnh khắc hồng ân mang tính lịch sử. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 29/9/2002 Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích lý do ngài thêm 5 mầu nhiệm sự Sáng vào bộ 15 mầu nhiệm Mân Côi như sau: “Để bản tổng hợp Phúc Âm này được trọn vẹn, cũng như để thêm khởi sắc, trong Tông thư kinh Mân Côi của Đức Trinh nữ Maria, tôi đề ra năm mầu nhiệm khác nữa, thêm vào những mầu nhiệm vốn được suy niệm trong kinh Mân Côi, và tôi gọi 5 mầu nhiệm mới này là‘các mầu nhiệm ánh sáng’. Các mầu nhiệm ánh sáng bao gồm đời sống công khai của Đấng Cứu Thế, từ biến cố phép rửa ở sông Giođan cho đến khi bắt đầu Cuộc Khổ Nạn…”
Vào tháng Mân Côi, ngày 16/10/2002, Thánh Gioan Phaolô II đã long trọng công bố văn kiện quan trọng: “Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria, Rosarium Virginis Mariae” chính thức đưa 5 mầu nhiệm Sự Sáng vào suy gẫm dưới đây:
1. Thứ nhất: “Khi Đức Giêsu chịu phép Rửa xong, có tiếng từ trời phán: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3:16-17).
SUY GẪM: Đức Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Giodan.
– Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.
2. Thứ hai: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự” (Ga 2: 1-2).
SUY GẪM: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana.
- Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.
3. Thứ ba: “Đức Giêsu nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’.” (Mc 1: 15)
SUY GẪM: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối.
- Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.
4. Thứ bốn: “Từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”. (Lc 9: 35).
SUY GẪM: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi.
- Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
5. Thứ năm: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13: 1).
SUY GẪM: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể.
– Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.
Để cổ võ phép lần hạt 4 mùa: Vui, Sáng, Thương, Mừng, Đức Thánh Cha còn dạy: “Kinh Mân Côi đơn sơ nhưng thật sâusắc, lời kinh có ý nghĩalớn lao và mang lại nhiều hoa quả thánh thiện...Một lời kinh thật giản dị mà thật phong phú! Tôi thành tâm kêu gọi mọi người hãy cầu nguyện bằng lời kinh này”.
III. ƠN ÍCH CỦA VIỆC LẦN HẠT MÂN CÔI Trong các lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, và đặc biệt tại Fatima, Mẹ hằng khuyên nhủ và dạy chúng ta: “Hãy cầu nguyện kinh Mân Côi mỗi ngày, để cầu cho hòa bình thế giới... và dâng nhiều hy sinh để cầu cho các tội nhân... Chỉ có Mẹ mới có thể cứu giúp các con.”
Thánh Giáo hoàng Piô X (1903-1914) thường nhắc đi nhắc lại rằng: “Sau thánh lễ thì không có lời cầu nguyện nào hữu hiệu cho bằng lời kinh Mân Côi”. Ngoài ra Đức Thánh Cha Piô XII (1939-1958) còn cho biết thêm: “Không có phương thế nào chắc chắn để cầu xin ơn Chúa, trào đổ xuống trên các gia đình, cho bằng việc cầu nguyện kinh Mân Côi hằng ngày”.
Ước chi chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Mẹ Maria, của Giáo hội nơi các Đức Thánh Cha hướng dẫn, tín hữu cùng dâng lên Mẹ lời kinh Mân Côi, để thế giới sớm được hòa bình, tránh được tai ương bệnh dịch, gia đình luôn hạnh phúc, ấm no, và tâm hồn mỗi người tìm được sự bình an đích thực.