Quang cảnh hội nghị. |
Các hoạt động đã được xây dựng như vận động các chức sắc, tín đồ cam kết tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo. Vận động các tín đồ tôn giáo và nhân dân không sử dụng vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại hay thực hiện quy trình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tăng cường độ biến đổi khí hậu. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại, bị cấm trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm. Phân loại, thu gom rác thải từ nguồn và tổ chức nhiều hoạt động cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lũ...
Cũng theo Phó Chủ tịch Hoàng công Thuỷ, Hội nghị tập huấn này nhằm cung cấp những kiến thức pháp luật hiện hành mới nhất về bảo vệ môi trường; những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam hiện nay và tiếp tục phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch Hoàng công Thuỷ phát biểu tại hội nghị. |
Hội nghị cũng là dịp để trao đổi, thống nhất phương pháp, cách làm và bổ sung những kinh nghiệm thực tiễn giữa các địa phương, các tôn giáo để làm tốt hơn Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026. Góp phần thực hiện được mục tiêu mà Chiến lược quốc gia đã đề ra là đến năm 2030 sẽ ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học. Nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
“Tôi đề nghị các vị đại biểu, các vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc tham gia lớp tập huấn, tập trung tiếp thu, nghiên cứu tài liệu, tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại địa phương, tại tổ chức tôn giáo mình để các giảng viên giải đáp, chia sẻ để Hội nghị đạt được mục tiêu đã đề ra”, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thuỷ phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam giới thiệu, phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Các vấn đề về đa dạng sinh học, tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi phát biểu tại hội nghị. |
Cũng tại Hội nghị, Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam triển khai Chương trình phối hợp Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố và các tôn giáo chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp, xây dựng mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và các giải pháp. Đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị để tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian tới.
Trước đó, năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức tại thành phố Huế, lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020) với 5 nội dung và 7 mục tiêu, giải pháp.
Năm 2022, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tổ chức tại TP HCM, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBTƯ MTTQ Việt Nam và lãnh đạo của 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo tại Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2022-2026).