Tin tức - Hoạt động

Ngãi Điền

Cập nhật lúc 12:21 28/02/2022
Ngãi Điền là một sở họ với 300 giáo dân, dưới chân núi chia cắt Trung Kỳ với miền thượng du, ở tỉnh Bình Định
Nhà thờ Ngãi Điền tôn nghiêm trong vùng thung lũng với bạt ngàn rừng keo xanh rợp. Anh: Û CTV
Nhà thờ Ngãi Điền tôn nghiêm trong vùng thung lũng với bạt ngàn rừng keo xanh rợp. Anh: CTV

Từ họ chính là Đồng Quả đến Ngãi Điền mất một giờ đi ngựa, băng qua những thung lũng hẹp, màu mỡ, sung túc, nơi người ta trồng lúa luân canh với cây dâu tằm và mía đường. Một con sông đẹp chảy ở giữa. Phải băng qua sông đến bảy lần mới đến được Ngãi Điền. Vào mùa hè thì đây chỉ như một trò chơi, nhưng nó dễ dàng trở thành bài tập nguy hiểm vào mùa mưa, khi con sông biến thành dòng thác, cuốn trôi tất cả trên đường đi. Trên đường lơ thơ mấy khóm nhà. Vài mảnh vườn lẻ loi rải rác giữa những cánh đồng, và trên những gò đất phủ đầy cây cối là một ngôi chùa nhỏ, nằm dưới bóng cây đa cổ thụ. Khắp miền này có một vẻ đẹp hoang sơ nơi mà sự thinh lặng tôn nghiêm của những dãy núi cao cây cối dày đặc chỉ bị làm phiền bởi những con suối đổ xống như thác hay tiếng kêu thét của con hoẵng.

Ta hoàn toàn ngạc nhiên khi vừa mới đi ra khỏi những thung lũng hoang vắng này thì chợt nhìn thấy một cao nguyên nhỏ nhô lên trên dòng sông và những mảnh ruộng vô số những căn nhà xinh xắn của xứ Ngãi Điền.

Nói chung giáo dân ở đây vẫn còn nghèo, họ sống chật vật nhờ mảnh ruộng của mình hay buôn bán với những người thượng mà làng mạc của họ thì ở gần ngay bên, ghim vào sườn núi, lơ lửng giữa trời và đất. Nhà nào nhà nấy ép sát vào nhau quanh một nhà thờ mà cho đến những năm gần đây nó cũng chỉ là một căn nhà đơn sơ như những căn nhà mái tranh vách đất khác ở chung quanh. Ngoài mảnh vườn, mỗi căn nhà có một cái sân ở trước nhà nơi những đứa trẻ, chó, heo và gà cũng nhau nô đùa, thân thiện đến mủi lòng.

Chỉ có nhà ông Trùm cả là khác thường. Nằm sâu trong một khu vườn, ẩn mình dưới vô số cây cau và dừa để tránh những tia nắng mặt trời thiêu đốt. Chủ nhân là một cụ già tên Viên, đồng thời cũng là người tôi tớ tốt lành của Thiên Chúa. Phần lớn Ngãi Điền ngày nay có được cũng nhờ ông.

Thật vậy, vào năm 1885 phong trào Văn thân nổi dậy, họ đạo này khá phát triển với khoảng 200 giáo dân. Nhưng cơn bão loạn đi qua đã quét đi tất cả. Nhiều người bị đâm bằng giáo, thiêu sống hay ném xuống giếng sâu. Nhiều người chạy thoát được đã trốn lên núi nơi cái đói và cọp dữ biến họ thành những nạn nhân mới.

Vào thời ấy, Viên hãy còn là một chàng trai trẻ, anh đã thoát nạn và sống trong vòng hai năm trên núi, cuộc sống gian khổ của những người bị đầy biệt xứ. Đêm đến, anh lợi dụng bóng tối để xuống đồng bằng, đến nhà bạn bè để xin vài nắm gạo. Những những cuộc đi đêm này không phải là không nguy hiểm vì anh phải tránh cọp dữ cũng như những kẻ phản bội, những người còn kinh khủng hơn cọp dữ nhiều. Bắt chước anh, nhiều người cũng đã theo xuống núi, nhưng kém may mắn hơn, họ đã không bao giờ quay trở lại! Một số lớn những người bất hạnh này bằng lòng với những rễ cây và trái rừng làm lương thực.

Sau chiến tranh, Viên quay về Ngãi Điền. Họ hàng thân thuộc đều mất hết. Căn nhà của anh và những anh em khác trong đức tin đã bị san bằng, và thay thế cho địa sở là những cánh đồng mía do những lương dân quanh vùng canh tác.

Với sự kiên nhẫn và khéo léo, anh đã lấy lại hết những của cải đã bị đánh cắp. Anh kêu gọi những người sống sót vẫn còn chưa dám lộ diện, xây một nhà nguyện nhỏ, và như trong quá khứ, lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa đã được hát lên sáng chiều, trong nơi hoang dã này. Họ đạo đã hồi phục từ đống tro tàn, rất khiêm tốn lúc khởi đầu nhưng rồi phát triển dần dần. Trong số những người bách hại cũ, nhiều người đã học đạo Chúa Trời và con số tín hữu gia tăng. Hiển nhiên, Viên trở thành linh hồn của họ đạo mới. Chính anh có vinh dự được chủ tọa những buổi đọc kinh hằng ngày tại nhà thờ, và ngày Chúa nhật, sau khi lần chuỗi, anh rao lịch trong tuần. Những người bị hại hay kiện cáo gì thì đều nhờ anh xét xử. Thiếu vắng linh mục, anh khuyên nhủ bệnh nhân kiên nhẫn. Anh lấy làm vinh dự được làm trọn bổn phận mình. Dầu có thế giá như vậy, ngay với lương dân, song anh luôn khiêm nhường, chỉ cốt mở mang và đem lại danh thơm tiếng tốt cho đạo thánh của chúng ta. Thiên Chúa đã thưởng công cho lòng nhiệt thành phục vụ của anh bằng cách cho anh thấy một sở họ mới thịnh vượng hơn xưa. Hơn nữa, cách đây hai năm, căn nhà đơn sơ dùng làm nhà thờ đã được thay thế bằng ngôi nhà khác to lớn hơn, theo như lời người Annam nói thì nó đẹp nhất trong miền.

Ngày nay, nếu xét theo số gia đình thì Ngãi Điền là một hạt ngọc trong số các sở họ trong tỉnh. Rủi thay, số trẻ em tử vong quá lớn vì sốt hay dịch bệnh định kỳ đã ngăn cản sự gia tăng dân số như một vài nơi khác. Thế nhưng xét theo vị trí, điều mà sở họ này mất đi trong tương quan mật độ dân số thì nó lại được xét theo quan điểm tinh thần chính là vì nó nằm lẻ loi sâu trong thung lũng này.

Thật vậy, nằm xa cách trung tâm chính trị và những ngôi chợ lớn, tinh thần của những con người ở đây mạnh mẽ hơn, đơn sơ hơn những nơi khác. Cuộc sống bình lặng và cần cù của họ được chia sẻ giữa nhà thờ, mái nhà, cánh đồng và núi rừng của họ. Những việc trọng đại của đất nước làm họ ít bận tâm hơn là sản lượng của đồng ruộng mình. Thêm vào đó, tụ họp lại thành một khối cách xa lương dân, họ không có khuynh hướng tham gia vào các trò mê tín của những người này. Nhà thờ là nơi tụ tập duy nhất của họ. Họ đến đấy để tán dương và cầu xin “Chúa tể đất trời”.

Từ năm giờ sáng trước rạng đông, “ông từ” nhà thờ trải chiếu ra, đánh thức hai ba người canh nhà thờ là những người Annam tốt, họ đã chọn một góc nào đó để ngủ yên lành. Rồi ông dùng dùi đánh trống thay cho chuông. Đó là lời kêu gọi cho buổi kinh sáng. Trong nháy mắt, người ta tuôn đến, những đứa bé còn ngái ngủ bên hông mẹ trên ngựa hoặc được những đứa anh lớn hơn chúng một chút cõng trên lưng. Họ đi vào nhà thờ, đàn ông một bên, đàn bà một bên, trẻ con ở đằng trước. Một cây Thánh giá đặt trên bàn thờ giữa hai cây nến. Dưới sự điều khiển của ông trùm, người ta đọc kinh, khi thì mọi người cùng đọc, khi thì chia làm hai bên. Đến đoạn cuối, tiếng mấy đứa trẻ gào lên, hãnh diện để chứng tỏ rằng chúng cũng thuộc kinh như mấy người lớn, nghe rất chói tai, cao hơn hẳn những câu kinh cầu trịnh trọng…

Buổi tối, sau khi đọc kinh, trong khi người lớn ngồi dưới hiên trước nhà thờ, trò chuyện về những sự kiện trong ngày và nhai mẻ trầu cuối cùng trước khi về nhà thì mấy đứa trẻ tụ họp quanh nhà thờ, trẻ nam bên phải, trẻ nữ bên trái.

Cuối giờ, những tiếng nói càng lúc càng yếu đi: chúng hầu như hòa lẫn vào tiếng xào xạc của những cành lá dừa khi cơn gió nhẹ mơn trớn qua. Chẳng mấy chốc, người ta chỉ còn nghe tiếng thở khò khè của mấy đứa bé mà vì ở xa hay vì sợ cọp mà đã ngủ lại đó dưới bầu trời đầy sao, nằm dài trên sân đất nện hay trong nhà thờ cùng với mấy người giữ nhà thờ.

Chúa nhật thật là ngày hội đối với dân Ngãi Điền. Từ sáng sớm, tất cả giáo dân chia thành những nhóm nhỏ đi đến Đồng Quả để tham dự thánh lễ. Từ Đồng Quả, người ta thấy họ đổ ra từ những đường ruộng khác nhau, đi nối đuôi, đàn ông đầu chít khăn đen, đàn bà tay cầm nón lá, chân trần và mặc bộ đồ đẹp nhất của mình.

Ngày hôm nay, trước Thiên Chúa chúng ta trong nhà tạm và lạc mất trong đám đông những giáo dân nơi khác của địa sở, họ cầu kinh và xin Thiên Chúa sức mạnh cũng như sự kiên trì cho tuần lễ sắp đến.
 
Lm Phaolô Nguyễn Minh Chính
Thông tin khác:
Đảng Cộng sản Việt nam mãi mãi là "Sao sáng dẫn đường" (16/02/2022)
Nhiều quy định mới mang tính đột phá tại luật bảo vệ môi tường 2020 (15/02/2022)
Thấy gì từ những trụ bê tông trên đường làng (15/02/2022)
Cởi mở, sẵn sàng hội nhập với thế giới (14/02/2022)
Bám sát nhiệm vụ trọng tâm, chuẩn bị chu đáo cho hoạt động của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (13/02/2022)
Niềm vui từ những ngôi nhà nhân ái (12/02/2022)
Quảng Trị: Xuân về trong những ngôi nhà Đại đoàn kết (12/02/2022)
Trưởng ban Công tác Mặt trận dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để chăm lo đời sống của nhân dân (13/02/2022)
"Ngôi làng Phanxicô" nơi chung sống trong tình huynh đệ và ý thức bảo vệ môi trường (11/02/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log