Từ 1/1/2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển. Ảnh: CTV |
Những quy định mang tính đột phá Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định 11 chính sách của Nhà nước về BVMT và 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động BVMT. Đặc biệt, Luật có những quy định mới mang tính đột phá, đó là:
Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường;
Lần đầu tiên, Luật quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, phân cấp triệt để cho địa phương; quy định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp;
Luật cũng đưa công cụ mới để quản lý nguồn thải, từ quản lý theo quy chuẩn nước thải đầu ra sang quản lý dựa trên thải lượng và sức chịu tải của môi trường. Đây là công cụ cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, kiểm soát được các nguồn nước mặt trên địa bàn quản lý, từ đó có biện pháp phân bổ hạn ngạch xả thải, phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo không có nguồn nước nào bị tiếp nhận thêm nước thải khi đã không còn sức chịu tải;
Luật đưa ra quy định về việc không cấp giấy phép môi trường để xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải, phù hợp với thực tiễn. Luật đưa quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia góp phần đẩy mạnh hoạt động quan trắc môi trường, nâng cao hiệu quả việc đầu tư cho mạng lưới quan trắc môi trường, tránh chồng chéo, lãng phí trong việc đầu tư các trạm quan trắc môi trường giữa cơ quan Trung ương và các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng số liệu quan trắc môi trường;
Luật bổ sung cơ chế đặt cọc, hoàn trả bao bì sản phẩm, quy định cho phép chủ thể này được bổ sung chi phí thu hồi vào giá sản phẩm để tái sử dụng hoặc tái chế bao bì đóng gói, người dân trả lại bao bì sản phẩm được nhận lại khoản tiền này. Việc này sẽ thúc đẩy người dân trả lại các bao bì sản phẩm sau sử dụng, tăng tỷ lệ bao bì, sản phẩm được tái chế và làm thay đổi hành vi trong tiêu dùng;
Các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường cácbon trong nước được cụ thể hóa; hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là nội dung mới được đưa vào Luật BVMT năm 2020. Theo đó hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định.
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo các loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Việc thực hiện phân lại chất thải rắn sinh hoạt phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
Để thực hiện hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, nhiều địa phương đã xác định phải tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội các cấp để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng, gắn với hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn; tăng cường sự giám sát của các tổ chức cơ sở cũng như chính người dân trong việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, theo nhận định, việc triển khai quy định về xử lý, phân loại chất thải rắn tại nguồn trong thực tiễn, sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi nguồn lực và cơ sở vật chất để đáp ứng cho việc này còn nhiều hạn chế. Các hướng dẫn về phương thức tổ chức phân loại chất thải rắn tại nguồn hiện chưa ban hành.