Một chung cư người dân căng băng rôn yêu cầu tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại Ban quản trị. |
Mặc dù các cách quản lý chung cư ở Việt Nam hiện nay đã được điều chỉnh và một số nơi tham khảo với các mô hình hiện đại từ các nước phát triển, nhưng những ý kiến trái chiều giữa cư dân sinh sống tại đây và ban quản lý, ban quản trị vẫn tiếp tục gia tăng và trở nên phức tạp. Điều này cho thấy các yếu tố hiện đại đôi khi vẫn không giải quyết triệt để các vấn đề thuộc về thói quen văn hóa, tâm lý và lối sống.
Dễ thấy thỉnh thoảng chúng ta lại thấy các cửa số của nhiều căn hộ ở chung cư tại Hà Nội đều thống nhất một loại biểu ngữ ghi trên băng rôn như: “Không được biến sân chơi chung thành bãi gửi xe” hay “hãy trả lại không gian xanh cho tòa nhà” vv… Tình trạng này thường là phản ứng của cư dân với chủ đầu tư hoặc ban quản lý đã biến một số không gian công thành nơi cung cấp dịch vụ có thu phí. Điều này làm ảnh hưởng đến các sinh hoạt, cảnh quan, nơi tập thể dục, vui chơi của trẻ con trong các tòa nhà. Về nguyên nhân các bất đồng có thể thấy ở một số lý do sau:
Thứ nhất đó là sự hiểu lầm về vai trò của ban quản trị. Ban quản trị là mô hình dân bầu ra đại diện cho tiếng nói của cư dân và ban quản trị ký các hợp đồng với ban quản lý để đảm bảo mọi hoạt động vận hành của nhà chung cư diễn ra bình thường. Khi ban quản trị quá đề cao vai trò của mình có thể dẫn đến lạm quyền, ảnh hưởng đến không gian công của chung cư. Thứ hai đó là tình trạng ngược lại, người dân thờ ơ và xem nhẹ vai trò của ban quản trị. Họ thường tham gia bầu ban quản trị, góp ý kiến một cách lơ là, đặt ít quan tâm đến công việc của ban quản trị. Nhưng đôi khi họ đòi hỏi những dịch vụ chất lượng cao mà không đóng góp đủ, tạo ra áp lực lớn cho quản lý phí chung cư. Thứ ba chính là vấn đề quản lý phí chung cư thiếu minh bạch. Các khoản chi lớn hoặc đột xuất như sửa chữa lớn hoặc hư hỏng đột xuất thường khó để xác định chất lượng và chi phí, gây ra tranh cãi giữa cư dân và người thực hiện. Một số khác thì lợi dụng để đẩy giá dịch vụ chung cư và bắt dân đóng góp, dẫn đến bất đồng, tranh luận.
Những tranh cãi, bất đồng giữa cư dân và ban quản trị chung cư tại Việt Nam không chỉ đang gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng sự ổn định của cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, cần phải tập trung vào việc xác định rõ vai trò, quyền hạn, và trách nhiệm của ban quản trị, đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của cư dân và đảm bảo mô hình quản lý chung cư hoạt động hiệu quả. Việc cải thiện quản lý chung cư không chỉ tạo ra môi trường sống tốt hơn cho cư dân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả xã hội.
Để mô hình này hoạt động hiệu quả, cần có sự tham gia tích cực của cư dân và cơ chế tài chính hợp lý cần xác định rõ việc trả công cho thành viên ban quản trị, thay vì chỉ dựa vào tinh thần tình nguyện. Cần có cơ chế giám sát hợp lý và tham gia tích cực của đa số cư dân để ngăn chặn tham nhũng và lợi dụng quản lý phí chung cư. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là cần thay đổi tập quán và quan niệm của cộng đồng về việc tham gia có trách nhiệm vào quản lý chung cư.