Tin tức - Hoạt động

Người Công giáo miền Nam sau sự kiện 30/4/1975

Cập nhật lúc 15:58 24/04/2024
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị của thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam.
Ngày nay, nhìn lại đường hướng “Hội nhập - Canh tân - Hoà giải” của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình trong những thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước, chúng ta thấy vẫn còn nguyên giá trị, cần phải coi đó vừa là một đòi hỏi của đất nước, dân tộc, đồng thời cũng là đòi hỏi của Tin Mừng.

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975)
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975)
Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình dâng thánh lễ tại nông trường Lô 6 (Củ Chi).
Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình dâng thánh lễ tại nông trường Lô 6 (Củ Chi).
Nỗi hoang mang lo sợ
Sài Gòn lúc gần trưa 30/4/1975, tiếng súng đã im. Từ bốn phía, quân giải phóng tiến về hướng trung tâm Sài Gòn trước những cặp mắt kinh hoàng của người này, hay giữa những tràng pháo tay hoan hô của những người khác. Chuông của một số chùa ngân vang, hoà với những lời reo hò của một bộ phận dân chúng. Nhưng chuông các nhà thờ thì im lặng. Từ bốn tháng nay, phần đông người Công giáo miền Nam sống trong sợ hãi. Bước tiến của của quân giải phóng càng tăng thêm những đồn đoán về một “cuộc tắm máu”, lời đồn đoán được nuôi dưỡng ngày này qua ngày khác bởi các luận điệu tuyên truyền “rùm beng” ở trong nước cũng như ngoài nước.
Một bộ phận bị lôi cuốn vào làn sóng di tản đó, nhiều người Công giáo đã lên những chiếc thuyền mỏng manh, hy vọng khi ra khơi họ sẽ gặp được tàu của Mỹ cứu vớt, và chở họ tới các nước có đạo, để họ gìn giữ được đức tin. Đằng sau cơn hoảng hốt đó là hậu quả của những tin đồn thất thiệt “Cộng sản sẽ giết hết người Công giáo gốc di cư 1954” hoặc “trong các vùng giải phóng, nhiều linh mục bị tàn sát, các nữ tu bị hãm hiếp, các nhà thờ bị triệt hạ”.
Trước ngày 30/4/1975, giữa những lời đồn đại “Tòa Thánh và hàng giáo phẩm đứng ra tổ chức di cư toàn bộ người Công giáo”. Đứng trước hoàn cảnh đó, Đức Tổng Giám mục Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình đã lên tiếng cải chính trong lời kêu gọi ngày 8/4/1975 sau khi đã nói rõ với báo chí: “Hàng giáo phẩm không tổ chức di cư giáo dân và Giám mục đều ở lại tại chỗ”, “Không bao giờ Giáo hội ủng hộ việc di tản người Công giáo ra nước ngoài”. Tiếp đến, ngài khuyên nhủ các linh mục và tu sĩ đừng để bị lôi cuốn vào sự hoang mang, phải chứng tỏ sự can đảm và tinh thần hy sinh cho tới cả trường hợp phải tử vì đạo: “Chúng ta phải sẵn sàng, trong một tinh thần hoàn toàn trông cậy vào Chúa: “Kẻ chăn tốt dâng mạng sống mình vì đàn chiên (Yn 10,11) và gương lành của Người: “Đức Kitô đã ban sự sống Người cho chúng ta, chúng ta cũng phải dâng mạng sống vì anh em” (Yn 3,1).
Khi đọc những dòng trên, người ta có thể hiểu được bầu không khí sợ hãi và lo âu trong đồng bào Công giáo. Dẫu có những lời kêu gọi kể trên, hơn 110 linh mục và 250 tu sĩ nam nữ người Việt đã di tản.
Thực ra, trước biến cố này, ngày 01/4/1975, Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền đã có tâm thư, trong đó đã có những câu nói nổi tiếng như thế này: “Chiến tranh đã chấm dứt trên giáo phận Huế. Đó là điều chúng ta mong ước và cầu nguyện từ 30 năm nay. Thời gian sống trong hãi hùng, lo âu qua rồi…. Giờ đây đã đến lúc chúng ta hoan hỷ sẵn sàng và hăng say cộng tác với mọi người thiện chí dưới sự chỉ đạo của Chính phủ cách mạng để xây dựng quê hương”.
Giữa bộn bề công việc, khi đường phố Sài Gòn còn ngổn ngang, nhiều góc phố chưa tan hết mùi thuốc súng, tâm trạng hoang mang, chộn rộn của không ít người Công giáo muốn trốn chạy khỏi những băn khoăn rắc rối của thời cuộc và ràng buộc bởi ý thức hệ, giữa lúc dòng người Công giáo hoảng hốt tìm cách di tản đang tăng lên. Chính ở thời điểm đặc biệt nhạy cảm và phức tạp đó, ở Sài Gòn đã nổi lên vai trò của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, người có thể coi là bậc “tiên tri” về sự hoà giải và hòa hợp dân tộc sau chiến tranh, về sự thiết kế đường hướng đồng hành với cuộc sống mới của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ngày 5/5/1975, ngài đã kịp thời ra Thư chung gửi linh mục, tu sĩ, giáo dân. Bức thư lịch sử có lời kêu gọi tha thiết: “Từ ngày 30/4/1975 vừa qua, chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã lập lại trên đất nước thân yêu của chúng ta. Từ nay không còn bom đạn, tang tóc, hận thù, phân lý… Tất cả những tai họa đó đã thuộc về dĩ vãng. Đây là một niềm vui chung của cả dân tộc và với cái nhìn theo đức tin của tín hữu, đây cũng chính là một hồng ân của Thiên Chúa”.
Trái lại, không như nhiều người suy nghĩ, sau biến cố mùa xuân 1975, đa số linh mục, tu sĩ và giáo dân tại miền Nam tự nguyện ở lại vùng giải phóng, không di tản (lúc bấy giờ ở miền Nam có tới 25 Giám mục trong đó có 15 vị tại tòa, khoảng 2.000 linh mục và gần 7.500 tu sĩ nam nữ tất cả là người Việt). Trước đó, vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, Đức TGM Huế và Sài Gòn đã lên tiếng kêu gọi người Công giáo hãy ở lại Việt Nam xây dựng quê hương và Giáo hội. Nhiều người cũng hiểu rằng ở thời điểm 30/4, chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc quyết định sai lầm nào đều có thể xảy ra những chuyện đáng tiếc như hồi 1954 tại miền Bắc. 
Đối với người Công giáo miền Nam ít nhiều cũng tạo sự đứt gãy các cấu trúc, đặc biệt là các cấu trúc văn hoá. Thực vậy! Chiến tranh và cách mạng đã làm biến đổi đi tính liên tục các thói quen văn hoá, các thói quen sinh hoạt của đời sống Công giáo miền Nam. Cần có thời gian để điều chỉnh các “đứt gãy”, giữa Công giáo hai miền, Công giáo miền Nam và chính quyền cách mạng, giữa hàng giáo phẩm với giáo dân… trong lộ trình tiến tới thống nhất và hoà hợp hai miền Nam Bắc. Sự điều chỉnh những gì khác biệt với tâm lý, thói quen truyền thống của đại bộ phận người Công giáo sẽ gây nên những xáo trộn bước đầu.
Thăm giáo dân Cầu Đất, GP Đà Lạt
Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình thăm giáo dân Cầu Đất, GP Đà Lạt

Cộng tác để xây dựng xã hội mới
Bốn tháng sau, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình biểu lộ sự vui mừng về hòa bình đã được lập lại và kêu gọi giáo dân tham gia tái thiết đất nước. Trong Thư chung đề ngày 31/8 nhân lễ mừng ngày Độc Lập, ngài nói rõ suy nghĩ của mình: Đây không còn là vấn đề cộng tác với những người cách mạng, mà phải làm cách mạng, lời lẽ của ngài còn tỏ ra thuyết phục hơn: “Sự thống nhất đất nước có lẽ là cơ hội cho Đức Kitô đến giữa chúng ta”.
Sự tin tưởng vào chính sách cởi mở của chính phủ và kêu gọi giáo dân hãy cùng nhau nắm tay mà tiến trên con đường xây dựng cuộc sống mới, thực thi công bằng và chia sẻ. Nhiều Giám mục, linh mục nhân ngày lễ Giáng sinh, đã nhắc lại cho giáo dân: Tin Mừng Đức Kitô là giải phóng những người bị áp bức, xây dựng một xã hội trong đó không còn cảnh người bóc lột người nữa, dấn thân phục vụ đồng bào để xây dựng nước Chúa và một xã hội trần thế ngày càng tốt đẹp. “Tin Mừng của Chúa là một động lực thúc đẩy giáo dân sống theo tinh thần xã hội chủ nghĩa”.
Trong thư Mục vụ đề ngày 16/7/1976, Hội đồng Giám mục các giáo phận Sài Gòn và Huế (trước kia là miền Nam) còn lặp lại rằng, đức tin chẳng phải là bức tường ngăn cách tín hữu với người không tín ngưỡng, cũng chẳng phải là thứ thuốc phiện đưa người tín hữu xa lánh thực tại trần gian và tìm cách đáp ứng mục tiêu của những con người bảo thủ. “Người Công giáo kề vai chung sức với mọi người để xây dựng đất nước và làm những gì đem lại lợi ích chung cho cộng đồng dân tộc mà không nghịch với đức tin và lương tâm Kitô giáo”. 
Trong dịp tiếp kiến Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đức TGM Philípphê Nguyễn Kim Điền, TGM Huế (1/9/1976), Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, TGM Sài Gòn cùng với Đức Giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Giám mục giáo phận Cần Thơ (22/9/1976) lần lượt xác tín lại lòng tin tưởng của mình đối với Chính phủ và hứa làm cho giáo dân cộng tác với toàn dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tích cực dấn thân
Thư chung Hội nghị Giám mục miền Nam 1976, có đoạn viết: “Trong chiều hướng đó, chúng tôi xin anh chị em hãy nhận thức đặc biệt giá trị lao động. Thật vậy, nhờ lao động con người theo lệ thường nuôi sống mình và gia đình, liên kết với anh em và phục vụ họ, có thể thực thi bác ái đích thực và góp công vào việc kiện toàn cuộc sống sáng tạo của Thiên Chúa…. Trong hoàn cảnh hiện tại, lao động sản xuất còn là chính sách cần thiết để xây dựng một nền kinh tế tự túc, đảm bảo nền độc lập, tự do của dân tộc”. Đạo chúng ta là đạo cứu thế qua việc dấn thân phục vụ. Chính Chúa Kitô đã đến làm người ở giữa chúng ta và sống trọn vẹn thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Cộng đồng Kitô hữu Việt Nam, vì thế, không thể đứng ngoài những thay đổi diễn ra trong lòng dân tộc… Giáo hội ở đây cũng phải “đồng tiến” với xã hội loài người và cùng nhau chia sẻ mọi số phận trần thế với đồng bào.
Đọc qua tài liệu của các Giám mục, người ta nhận thấy cách mạng tôn trọng sự tự do của tín hữu và chưa bao giờ giá trị Tin Mừng và tinh thần Công đồng Vatican II lại thổi mạnh vào Giáo hội Việt Nam như thế. Chỉ có một năm rưỡi, nhưng chặng đường đã đi được khá xa.
Thực hành dấn thân đầu tiên của Giáo hội, khi quyết định hiến tất cả các trường tư thục Công giáo để lo việc giáo dục miễn phí cho tất cả con em được đến trường. Đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, không thể xây dựng một nền kinh tế độc lập, nếu mọi người không bắt tay vào kiến quốc. Giáo hội muốn đem Tin Mừng cho người nghèo, bắt đầu hiểu rằng mình phải sống cuộc sống của nhân dân, nghĩa là sống khó nghèo, dùng mồ hôi đổi lấy cơm gạo, chứ không phải cứ trông nhờ viện trợ và bố thí. Nhiều hợp tác xã sản xuất đã được hình thành tại nhiều tu viện và chủng viện, thực hành phương châm của thánh Biển Đức: “Tâm nguyện, Lực hành”.
Sau ngày giải phóng, Chính phủ Cách mạng phải đương đầu với một số vấn đề xã hội: dân số quá đông tại các đô thị, nhất là Sài Gòn có tới 70% số người chưa có việc làm ổn định. Muốn giải quyết vấn đề này, cũng như muốn khai khẩn các vùng đất đã bị hoang hóa vì chiến tranh, Chính phủ phải lập ra các vùng kinh tế mới. Nhưng Chính phủ lại không muốn cưỡng bức phân tán những thành phần thất nghiệp tại đô thị hay các vùng nông thôn. Đứng trước thực tại xã hội trần thế, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng Giám mục miền Nam đã lên tiếng hưởng ứng chương trình các vùng kinh tế mới.  Ngài cùng với 195 linh mục, 136 nữ tu lấy ba tháng, từ tháng 5 đến tháng 7/1976 cùng nhau đi “lao động xã hội chủ nghĩa”, đào mương, đắp đê làm thủy lợi và dựng nhà cho người dân. Người Công giáo thành phố Hồ Chí Minh chắc hẳn ai cũng nhớ về những chứng từ dấn thân của ngài lúc đó như quyết định cho thành lập các ban “mục vụ kinh tế mới” và “lao động sản xuất” ngay tại Tòa Tổng Giám mục, bản thân ngài đã nhiều lần tham gia các đợt lao động tại Củ Chi cùng với linh mục, tu sĩ, giáo dân của mình. Thậm chí, ngài cũng không e ngại khuyết khích đàn chiên của mình học tập chính trị, hăng say lao động sản xuất, thậm chí khuyên nhủ các linh mục nên học thêm… một nghề lao động để kiếm sống khi cần thiết…”. 
Việc dấn thân tham gia hành động cách mạng cuối cùng rồi người Kitô hữu khám phá ra các giá trị “cách mạng của Tin Mừng”.
Trên lĩnh vực thông tin, các tờ tạp chí xuất bản gần như “trái phép” tại Sài Gòn từ 1965 (Sống Đạo, Đối Diện, Chọn), nhờ việc này gây “ý thức” qua những gì thực tế của một xã hội đầy bất ổn, các nhóm Thánh Lao Công, Thanh Sinh Công, các chiến sĩ Kitô hữu dấn thân đấu tranh cho hòa bình và đòi thả tù chính trị; tích cực tham gia đấu tranh chống sự can thiệp của nước ngoài và chống cuộc thánh chiến chống cộng. Người ta gọi họ là “cấp tiến” và nhiều người trong số họ đã “nếm mùi” nhà tù và tra tấn.
Trường Công giáo không còn, bệnh viện, cô nhi viện, ngân hàng Công giáo không còn, nhưng trong tất cả các phường, giáo dân Công giáo nghèo lại được hưởng sự phục vụ của các nhà trẻ bình dân, những lớp học bình dân, những lớp học miễn phí, những bệnh viện nhân dân, những phòng khám bệnh khu vực,v.v... Sự phân biệt căn cứ trên tiền bạc cũng dần mất đi, nhường chỗ cho tình đoàn kết không phân biệt tôn giáo.
Ngay cả trước khi có lời mời gọi của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, có những anh chị em tín hữu thuộc mọi lứa tuổi đã đi lao động tại các vùng kinh tế mới, không mang một “nhãn hiệu” Công giáo, mà lại hãnh diện vì thấy khi mình lao động như thế là sống Tin Mừng Đức Kitô cách chân thực. 
Từ những hoa trái đầu mùa đó, người Công giáo miền Nam khám phá ra cuộc sống mới của mình hơn, biết dấn thấn phục vụ con người theo gương Chúa Kitô đi loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi.
Nguyễn Văn Thuyên
Thông tin khác:
Chúng ta luôn thể hiện Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến trong khi chờ đợi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha (24/04/2024)
Yêu mến “người nhà Chúa” (24/04/2024)
Tri ân công đức tổ tiên, giữ bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ (17/04/2024)
Sâu lắng Điện Biên (17/04/2024)
Gặp mặt, tri ân những nhân chứng sống làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (17/04/2024)
Chuyến thăm của tình yêu thương và thúc đẩy quan hệ tốt đẹp Việt Nam- Tòa Thánh Vatican (14/04/2024)
Nhóm Hà Nội Xanh - Những chiến binh giải cứu những “dòng sông chết” (15/04/2024)
Đoàn đại biểu cấp cao Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Lào (12/04/2024)
Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher và phái đoàn Ngoại giao Tòa Thánh đến Tổng Giáo phận Huế (12/04/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log