Đường vào Thọ Xuân hôm nay (ảnh: CTV).
Huyện Thọ Xuân luôn xác định công tác vận động đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tập hợp, vận động, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với xây dựng khu dân cư “Sống tốt đời, đẹp đạo” trong vùng đồng bào Công giáo và tích cực triển khai thực hiện chỉ thị số 11/CT-BNV, ngày 7/6/1994 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Về đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào Công giáo. Tuy còn gặp phải nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, song, nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện, huyện, các ban, ngành, đoàn thể xã hội và lực lượng công an luôn đóng vai trò nòng cốt trong việc đẩy mạnh công tác an ninh trật tự (ANTT), nên nhìn chung đồng bào Công giáo huyện Thọ Xuân luôn chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của địa phương. Do vậy, các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục được phát huy, tình tình ANTT luôn được được giữ vững, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong toàn huyện.
Có được kết quả trên, là do huyện Thọ Xuân đã phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên MTTQ và các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, vận động, làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng. Đồng bào Công giáo luôn được quán triệt những nội dung cơ bản về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; các hoạt động trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào Công giáo; hoạt động từ thiện nhân đạo…, thông qua công tác phổ biến, vận động của các ủy viên MTTQ các cấp, các vị chức sắc, chánh trương, trùm trưởng và trong mọi thành viên của Ban Đoàn kết Công giáo huyện. MTTQ còn phối hợp với Ban Tôn giáo tỉnh và các ban, ngành liên quan mở các lớp tập huấn cho các chức sắc, chức việc, giáo dân tiêu biểu về giáo dục an ninh quốc phòng và các nội dung của: Nghị quyết Hội nghị TW 7 (phần 2) khóa IX Về công tác tôn giáo, Nghị định số 92/2005/NĐ-CP của Chính phủ Hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời phối kết hợp tổ chức hai hội nghị biểu dương điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn: 2005 -2010, 2010-2015”; thành lập Ban Đoàn kết Công giáo huyện (vào năm 2010). Huyện Thọ Xuân còn lập hồ sơ, xây dựng cốt cán trong đồng bào Công giáo, phối hợp với MTTQ xã quản lý, thăm hỏi, động viên chức sắc, giáo dân nhân các dịp lễ trọng và phát huy vai trò cốt cán, giúp MTTQ huyện chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của giáo dân. Tranh thủ sự chỉ đạo và giúp đỡ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, đánh giá những việc đã làm được, chưa được về tình hình thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; các vấn đề liên quan đến công tác tôn giáo; phối hợp, rà soát, chấn chỉnh các hoạt động về quản lý đất đai, tu bổ, xây dựng cơ sở thờ tự của đạo Công giáo… Thông qua việc thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân dịp các ngày lễ trọng, Tết cổ truyền đối với các chức sắc, cốt cán các cấp MTTQ đã nắm bắt tình hình tư trưởng, những tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào Công giáo để đề xuất với Đảng, chính quyền giải quyết các vụ việc thấu tình, đạt lý, đúng quy định của pháp luật nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư.
Huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Chỉ thị số 10, Đề án 375 của UBND tỉnh, với cụ thể hóa 07 nội dung tốt đời, đẹp đạo và 05 tiêu chí về xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT theo Thông tư 23 của Bộ Công an và thực hiện 19 tiêu chí về ANTT trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện nghiêm việc bình xét các danh hiệu thi đua theo 05 tiêu chuẩn đăng ký “Giáo xứ, giáo họ tiên tiến” hàng năm ở khu dân cư và Ban Công tác Mặt trận và xem xét khu dân cư an toàn về ANTT… Trên cơ sở đó, UBND huyện Thọ Xuân xem xét công nhận khu dân cư văn hóa hàng năm đối với đồng bào Công giáo tại địa phương. Huyện còn tổ chức xây dựng điểm tại các xã, thị trấn có đồng bào Công giáo về khu dân cư an toàn giao thông tại thị trấn Thọ Xuân, câu lạc bộ đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Xuân Sơn; khu dân cư phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tại các xã: Thọ Diên, Xuân Tín, Xuân Bái, Thọ Xương; khu dân cư không có cờ bạc, số đề ở xã Quảng Phú… đồng thời, tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện đề án số 01/138 về phong trào “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội, quản lý cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”.
MTTQ và cơ quan chức năng còn phối hợp và thông qua các linh mục trên địa bàn huyện để tuyên truyền lồng ghép các buổi giảng lễ tại nhà thờ về các nội dung như: phát tờ rơi và phối hợp ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông đến các hộ giáo dân, cam kết xây dựng khu dân cư Công giáo không có tội phạm và tệ nạn xã hội, không có người vi phạm pháp luật. Đã có trên 10.000 lượt hộ dân vùng giáo ký cam kết tự phòng ngừa tệ nạn xã hội và tham gia có hiệu quả hội thi về ANTT…
Trong thời gian qua, MTTQ huyện Thọ Xuân tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền xét cấp đất và hỗ trợ kinh phí làm mới 246 nhà đại đoàn kết cho đồng bào Công giáo nghèo sinh sống trên sông, riêng năm 2011 - 2014, huyện đã làm được 36 nhà, trị giá 2 tỷ đồng. Các linh mục trong huyện còn hưởng ứng cuộc vận động “quỹ vì người nghèo” đã quyên góp, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ làm được 11 căn nhà cho người nghèo với giá trị gần 500 triệu đồng, cùng 2.000 áo khoác ấm các loại, đồng thời hỗ trợ cho đồng bào bị thiên tai bão lũ 400 triệu đồng và 5 con bò cho các hộ dân có người bị chất độc da cam (lương cũng như giáo) mỗi hộ một con, trị giá mỗi con từ 15 đến 20 triệu đồng. Với tinh thần “Đạo lý Việt Nam” các chị Dòng tu nhận nuôi dưỡng 06 người tàn tật không nơi nương tựa, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người, trị giá hàng trăm triệu đồng…
Mấy năm qua, huyện Thọ Xuân còn đẩy mạnh công tác phối hợp giám sát và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; duy trì “Hòm thư góp ý”, để phát hiện, tố giác tội phạm trong từng khu dân cư, từng giáo họ đến giáo xứ và động viên bà con tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới. Đã có 161 hộ Công giáo hiến đất mở rộng đường liên thôn 3,5 mét, dài 1km, mương tiêu hai bên lề đường 2km, đường ra nghĩa trang dài 0,5km, bê tông toàn bộ và một số công trình phúc lợi khác,… trị giá gần 2,1 tỷ đồng; tu sửa lại nhà văn hóa thôn với số tiền gần 100 triệu đồng/nhà, bình quân mỗi khẩu đóng góp 600.000đồng. Điển hình là trong giáo xứ Hữu Lễ thuộc xã Thọ Xương và giáo họ Lê Trạch xã Xuân Giang, đã có 32 hộ đồng bào Công giáo hiến đất thổ cư, đất vườn, dỡ bỏ tường rào, công trình phụ trợ của gia đình để mở đường liên thôn dài 2km, mỗi bên rộng thêm 1,5 – 2m, có cống rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, hai bên đường xây ô trồng cây bóng mát và tu sửa lại nhà thờ. Có nhiều tập thể, cá nhân đã đóng góp và ủng hộ tiền, nguyên vật liệu trị giá từ 1-30 triệu đồng, bình quân mỗi khẩu đóng góp 2 triệu đồng để tham gia làm các công trình trên. Đồng bào Công giáo 2 xã Thọ Xương, Xuân Giang còn tham gia đóng góp cùng nhân dân địa phương xây dựng và nâng cấp trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế và hội trường trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể khang trang, sạch đẹp, góp phần vào thành công xây dựng nông thôn, xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013.
Cùng tích cực hưởng ứng tham gia có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống đạo của người Công giáo trong huyện Thọ Xuân nói chung và giáo xứ, giáo họ nói riêng ngày được phồn vinh và phát triển. Hiện nay, huyện Thọ Xuân có 52 tổ chức hội đoàn giáo xứ, giáo họ với tổng số hội viên gần 10.000 người. Đặc biệt là được sự quan tâm của chính quyền các cấp, có 05/05 giáo xứ, 13 nhà thờ và nhà nguyện đã được trùng tu, tôn tạo, xây dựng lại thánh đường, nhà giáo lý. Riêng năm 2013-2014, đã xây dựng mới 01 nhà thờ xứ và 02 nhà thờ họ ở giáo xứ Hữu Lễ trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Đồng thời, bà con Công giáo tham gia góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và chính sách đối với hộ nghèo, người cao tuổi, người có công, trong quản lý ngân sách, đất đai, xây dựng cơ bản… không để phát sinh phức tạp. Từ các hoạt động phối hợp trên, đã góp phần xây dựng cộng đoàn giáo xứ, giáo họ gắn với khu dân cư không có hoặc không phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội và nhiều giáo xứ, giáo họ đã đạt chuẩn về ANTT luôn được giữ trong những năm gần đây.
Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thực hiện có hiệu quả hơn nữa các phong trào: xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào Công giáo trong năm 2017 và các năm tiếp theo, MTTQVN và các ban, ngành, đoàn thể huyện Thọ Xuân tiếp tục triển khai tốt các việc sau đây:
Thứ nhất, là tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo và toàn dân đoàn kết thực hiện tốt các phong trào thi đua do MTTQVN, chính quyền các cấp, đoàn thể phat động, nâng cao tinh thần trách nhiệm và gương mẫu của đội ngũ các bộ, đảng viên, cốt cán trong đồng bào Công giáo; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là tuyên truyền thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…, là Công giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Thứ hai là phối hợp với chi bộ, đảng bộ các địa phương, khu dân cư bộ và Ban công tác MTTQ, tổ bảo vệ ANTT, tổ hòa giải và các tổ an ninh xã hội để xây dựng khu dân cư không có người vi phạm pháp luật, không có tội phạm và tệ nạn xã hội vào một trong các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng khu dân cư “Sống tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu.
Thứ ba là tạo sự đồng thuận về chính trị, tư tưởng thông qua gặp mặt, trao đổi thông tin thời sự về diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương đến các vị chức sắc, chức việc, cốt cán và đồng bào Công giáo ở địa phương.
Thứ tư là cần có chính sách hỗ trợ, động viên đối với đội ngũ cán bộ và cốt cán là người Công giáo; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ và cốt cán; có chế độ phụ cấp, thăm hỏi, động viên; về chế độ thông tin, sách báo thường xuyên…
Diệu Thanh