Tin tức - Hoạt động

Người Công giáo Việt Nam tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (*)

Cập nhật lúc 10:33 09/09/2022
LTS: Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 30/8/2022.
Nhân dịp này, Báo Người Công giáo Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
 
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh trong lần đi thăm hỏi hỗ trợ người dân bị lũ lụt.
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh trong lần đi thăm hỏi hỗ trợ người dân bị lũ lụt.

Bất kỳ tôn giáo nào cũng lấy yêu thương làm nền tảng, không có ranh giới nào để phân biệt đẳng cấp, thành phần trong xã hội, mà hướng tới mọi đối tượng để đưa tình yêu đến với mọi người. Đồng bào Công giáo cũng vậy, tiếp nối truyền thống yêu nước, thực thi đường hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào... Quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”. 

Hơn bảy triệu người Công giáo cũng chính là hơn bảy triệu người công dân Việt Nam nhận thức rõ: từ bản Hiến pháp đầu tiên đến nay Nhà nước ta luôn quan tâm, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Bởi thế, chúng tôi càng ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước. Trước hết là ý thức chấp hành pháp luật Việt Nam. Chỉ khi sống và làm việc theo pháp luật, người Kitô hữu mới được tự do nuôi dưỡng tình yêu quê hương, yêu giống nòi, yêu thiên nhiên, yêu môi trường sống của mình và chuyển hóa thành hành động, thành việc làm cụ thể. 

Chúng tôi đã sống như thế, cống hiến hết mình như thế trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã và đang vận động đồng bào Công giáo tích cực tham gia xây dựng đất nước theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo phát triển dung hòa 3 lĩnh vực: kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường. Tôi xin điểm qua một vài nét đáng chú ý trong đóng góp của đồng bào Công giáo.

1. Đồng bào Công giáo đổi mới tư duy để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Trước đây đa phần người Công giáo sống bằng nghề thuần nông, một nắng hai sương với cây lúa, củ khoai... Nay nhờ chính sách mới của Đảng, Nhà nước, đồng bào Công giáo hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng với thâm canh cây lúa, hoa màu, cây dược liệu; nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người Công giáo thành lập công ty, mở xưởng sản xuất, phát triển nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp; chủ động tìm kiếm thị trường, liên doanh, liên kết tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định như: ông Võ Văn Hoàng giáo xứ Nam Thiên chuyển đổi 1,5 ha cà phê sang trồng cây măng cụt cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, hơn 100 hộ tại giáo xứ Chi Lăng (Đắk Lắk) làm nghề miến gạo tạo việc làm cho hơn 300 lao động tại địa phương; anh Trương Văn Trị (Thái Bình) nghiên cứu nuôi và nhân giống cá vược trong môi trường nước ngọt; linh mục Ngô Văn Hậu, giáo xứ Quy Hậu (Nghệ An) đã vận động bà con lương giáo hiến gần 4 ha đất, đóng góp nguyên vật liệu, ngày công xây dựng tuyến đường Bê tông nối từ đường Hồ Chí Minh sang đường 15B dài 980m; đồng bào Công giáo Tân Yên, Việt Yên (Bắc Giang) đào đắp 1.752m3 thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương phục vụ tưới tiêu đạt 5.750m… còn rất nhiều điển hình tiêu biểu ngày ngày cần mẫn đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
 
Tình nguyện viên tôn giáo đăng ký tham gia phục vụ phòng chống dịch COVID-19.
Tình nguyện viên tôn giáo đăng ký tham gia phục vụ phòng chống dịch COVID-19.

2. Đồng bào Công giáo tín thác niềm tin để dấn thân phục vụ

Thực hiện lời dạy của Thiên Chúa “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như thế” (Dt, 13-16) đồng bào Công giáo chung tay chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế cùng với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, bác ái. Nhiều dòng nữ tu đầy ắp tình yêu trẻ đã mở trường mầm non tư thục được các bậc phụ huynh tin tưởng yêu mến. Nhiều cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật đón nhận những số phận bị bỏ rơi, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Tiêu biểu như dòng Khiết Tâm Đức Mẹ (Nha Trang) đầu tư 7 tỷ đồng xây dựng cơ sở nuôi dạy trẻ em khuyết tật; các hội dòng, cộng đoàn dòng tu ở Bà Rịa - Vũng Tàu năm qua đã trợ giúp 7.130 lượt người với kinh phí hơn 15 tỷ đồng... Hiện nay, cả nước có 635 cơ sở hoạt động từ thiện xã hội, bảo trợ xã hội do người Công giáo đảm nhận. 

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid 19”, đồng bào Công giáo đã chung tay phòng chống dịch Covid 19 bằng những hoạt động thiết thực nhất gửi yêu thương tiếp sức cho người dân vùng dịch như tuân thủ 5K, linh hoạt trong sinh hoạt tôn giáo; tích cực ủng hộ “Quỹ  vắc xin, phòng chống dịch Covid 19” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Riêng Tòa Giám mục Đà Lạt ủng hộ 50 triệu cho quỹ cấp tỉnh; 5 triệu cho quỹ cấp phường; nhiều linh mục trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch như: linh mục Hoàng Văn Tình, linh mục Nguyễn Chấn Hưng, Mai Văn Sơn (Lâm Đồng)… Và còn biết bao tấm gương người Công giáo yêu nước nữa. Thật mến phục biết bao!

Đáp lại nghĩa cử cao đẹp ấy, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski - Đại diện không thường trú của Tòa Thánh  tại Việt Nam - đã nhận định “Giáo hội Việt Nam đã đọc được dấu chỉ thời đại và mau mắn hiện diện khi cần thiết”.
 
Bà con lương - giáo xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) đồng lòng hiến đất mở đường.
Bà con lương - giáo xã Kỳ Tân (Tân Kỳ) đồng lòng hiến đất mở đường.

3. Đồng bào Công giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm quản trị toàn thể vạn vật để giúp muôn loài sinh sôi nẩy nở và phát triển hài hòa, vì thế không có lý do gì mà người Công giáo lại đứng ngoài cuộc khi cả thế giới đang tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Các vị linh mục, Ban hành giáo và bà con cùng với cộng đồng dân cư chung tay dọn dẹp vệ sinh nhà ở và khu phố, ấp, làng, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Tiêu biểu như mô hình tiếng kẻng vệ sinh môi trường; khu dân cư không khói thuốc lá, thu gom rác, xử lý nước thải bằng bể lắng lọc ở hộ gia đình trước khi thải ra hệ thống công cộng, ở Lâm Thao, Việt Trì (Phú Thọ).

Ngoài việc phòng, chống tệ nạn xã hội, tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, người Công giáo đã xây dựng và thực hiện tốt nội quy, quy ước, hương ước phù hợp với chuẩn mực văn hóa dân tộc và tinh thần của Giáo luật.

Tham gia xây dựng chính quyền, đóng góp ý kiến, phản ánh tâm tư nguyện vọng, trực tiếp tham gia các tổ chức đoàn hội. Nhiều linh mục và giáo dân được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. 

Chúng tôi luôn mong muốn góp sức của mình vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Nhiều vị trong Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tận dụng thời cơ, mọi diễn đàn trên báo chí, hội thảo khoa học, hội nghị để trình bày đường hướng hoạt động của Ủy ban và phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo. Những hoạt động này không chỉ nhằm xoá đi mặc cảm, định kiến với tổ chức và phong trào yêu nước nơi người Công giáo mà còn góp phần minh chứng rằng con đường đồng hành cùng dân tộc là xu thế tất yếu của người Công giáo.

Là người đại diện tổ chức, tôi ý thức được vai trò và trách nhiệm đối với phong trào. Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền và đặc biệt là ngài Thủ tướng Chính phủ, đồng bào Công giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp bước truyền thống yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.
___________
(*) Đầu đề do báo NCGVN đặt                    

                  
Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh
Thông tin khác:
Chung tay xây những niềm vui nơi họ đạo (05/09/2022)
Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (02/09/2022)
Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám (1945-2022): Độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân là đôi cánh nâng đất nước bay cao, bay xa (02/09/2022)
Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trong tình hình mới (02/09/2022)
Người đầy tớ trung thành và những nén bạc Chúa trao (01/09/2022)
Phổ biến pháp luật về tôn giáo và công tác tôn giáo năm 2022 (25/08/2022)
Hưng Yên: Biểu dương 86 đồng bào Công giáo tiêu biểu (25/08/2022)
Vững tin vào Đức Mẹ (25/08/2022)
Người Công giáo Yên Thành thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước (25/08/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log