Mô hình “Giám sát của cộng đồng” hiện đang được nhân rộng tại Bắc Kạn, được người dân đồng tình hưởng ứng. Mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước và Nhân dân đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhằm góp phần đổi mới phương thức giám sát của Mặt trận có sự tham gia giám sát của người dân Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã ban hành các Kế hoạch số 316/KH-MTTQ-BTT ngày 10/10/2022 về triển khai xây dựng mô hình điểm “Giám sát của cộng đồng” trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc xây dựng và triển khai mô hình này gồm 5 bước, cụ thể như sau:
Bước 1. Khảo sát, nắm tình hình hoạt động giám sát tại các xã theo lộ trình: Khảo sát các nội dung về một số đặc điểm chung về tình hình kinh tế - xã hội của xã; nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ; các chương trình, dự án được đầu tư trên địa bàn xã; Thực trạng tổ chức triển khai hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, sự vào cuộc của người dân trong tham gia giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương; hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và một số các nội dung khác liên quan.
Bước 2: Lựa chọn địa điểm, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng mô hình: Ban chuyên môn tham mưu cho Ban Thường trực tổng hợp nội dung khảo sát, đề xuất trình Ban Thường trực thống nhất lựa chọn 02 xã để xây dựng mô hình điểm “Giám sát của cộng đồng” tại các xã Hà Hiệu (huyện Ba Bể), xã Trần Phú (huyện Na Rì); chuẩn bị các điều kiện để tổ chức lễ ra mắt mô hình điểm.
Bước 3: Tổ chức lễ ra mắt mô hình: Tổ chức ra mắt mô hình; ký cam kết thực hiện mô hình; tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của cộng đồng, cho trên 600 người dân tham dự.
Bước 4: Duy trì hoạt động của mô hình: Tổ chức chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, quy trình giám sát của cộng đồng… (cầm tay chỉ việc) cho các thành viên tham gia mô hình; Tổ chức kiểm tra tại các mô hình điểm trong việc thực hiện giám sát cộng đồng tại địa phương.
Bước 5. Tổ chức sơ kết thực hiện mô hình điểm: Tổ chức sơ kết đánh giá việc triển khai, thực hiện mô hình điểm để rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt mô hình trong thời gian tiếp theo. Người dân thôn Khuổi A (xã Trần Phú, huyện Na Rì) chung sức xây dựng Nhà Văn hóa thôn. (Nguồn: báo Bắc Kạn) |
Theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 316/KH-MTTQ-BTT của Ban Thường trực MTTQ Việt Nam tỉnh, MTTQ Việt Nam xã Trần Phú, huyện Na Rì đã phối hợp thực hiện triển khai mô hình, huy động được bà con nhân dân cùng tham gia giám sát, Ban chủ nhiệm hoạt động theo quy chế đã được thông qua trong lễ ra mắt mô hình. Ngay sau khi được thành lập Ban “Giám sát của cộng đồng” đã xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch hoạt động năm, kế hoạch theo từng chương trình dự án với các nội dung, yêu cầu cụ thể để thực hiện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban phụ trách các khu dân cư; lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế, tiến độ đầu tư của dự án và tổ chức giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ giám sát cho các thành viên Ban chủ nhiệm mô hình “Giám sát của cộng đồng”. Hướng dẫn Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp. Yêu cầu các chủ đầu tư công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn cung cấp hồ sơ bản vẽ trước khi thi công cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, công khai thông tin, tài liệu liên quan đến dự án, tạo điều kiện để Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng hoạt động theo đúng thẩm quyền quy định. Trong quá trình thực hiện luôn quan tâm thu thập ý kiến góp ý của cán bộ đảng viên, chi bộ, chi đoàn, chi hội các đoàn thể và các ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân.
Từ năm 2022 đến nay, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã Trần Phú đã thực hiện được 8 cuộc giám sát đối với các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó chủ yếu là các lĩnh vực: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nội dung giám sát tập trung vào việc tổ chức triển khai, thực hiện, việc xác định đối tượng thụ hưởng, việc phân bổ nguồn vốn thực hiện; công tác chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư; việc triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ; việc nghiệm thu, bàn giao sử dụng công trình; việc thanh quyết toán các dự án và hiệu quả việc triển khai thực hiện công trình trên địa bàn đối với các công trình như: Công trình đường liên thôn Pá phấy - Nà Noong; Công trình xây nhà văn hoá thôn Pá Phấy; Công trình đổ bê tông đường liên thôn Khau Móoc - Nà Mới; Công trình đổ bê tông đường sản xuất Soong Sáo; Công trình đổ bê tông đường sản xuất Phiêng Pụt; Công trình xây rãnh thoát nước đường liên thôn Khau Móoc - Phiêng Pụt…
Theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, mô hình “Giám sát của cộng đồng” tại các xã đang được người dân đồng tình hưởng ứng, người dân tham gia mô hình giám sát đã cam kết thực hiện tốt các qui định về giám sát, không để những việc làm ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng, những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường sinh sống của nhân dân; kịp thời nắm bắt tình hình và phản ánh những kiến nghị của nhân dân về các công trình, dự án đang thi công để đề xuất biện pháp giải quyết đối với các cấp chính quyền theo quy định.
Năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo duy trì hoạt động của các mô hình đã xây dựng, chỉ đạo triển khai nhân rộng thêm 8 mô hình “Giám sát của cộng đồng” tại các xã Sỹ Bình (huyện Bạch Thông), xã Đồng Thắng, xã Yên Thượng, xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn), xã Yên Hân (huyện Chợ Mới), xã Xuân Dương, xã Cường Lợi, xã Cư Lễ (huyện Na Rì). Hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động giám sát tại cơ sở, tăng cường phối hợp triển khai thực hiện tốt mô hình Ban “Giám sát của cộng đồng” tại các xã có mô hình.../ Trần Phú là một xã vùng cao của huyện Na Rì cách trung tâm huyện 21 km, có tổng diện tích tự nhiên là 4.701 ha gồm 734 hộ và 3.173 nhân khẩu với 5 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chí cùng sinh sống. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ 2021-2025 được triển khai tại địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, đồng thời thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung cả nước.
Bảo Anh
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com