Tin tức - Hoạt động

Sóc Trăng ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật lúc 08:44 25/08/2023
Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng.
Bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số, tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường Dân tộc nội trú. Trường trung học cơ sở Dân tộc nội trú Long Phú, huyện Long Phú là một trong 5 trường xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học với 10 phòng ký túc xá được xây mới, 25 phòng ký túc xá cũ được cải tạo, đáp ứng 100% học sinh của trường đều được ở nội trú thay vì 70% như trước đây. Ngoài ra, trường còn xây mới khu hành chính, cải tạo 8 phòng học, khu vực nhà ăn, nhà vệ sinh, giúp học sinh ăn ở nội trú, sinh hoạt, học tập được đảm bảo, tiện nghi hơn, góp phần rất lớn trong nâng cao chất lượng dạy và học của trường trong năm học mới.
Trường tiểu học Phú Mỹ C sẽ đón hơn 400 học sinh là con em đồng bào Khmer trong năm học 2023-2024. Ảnh: Thạch Hồng
Trường tiểu học Phú Mỹ C sẽ đón hơn 400 học sinh là con em đồng bào Khmer trong năm học 2023-2024. Ảnh: Thạch Hồng

Tại huyện Mỹ Tú, một địa bàn đông học sinh là con em đồng bào dân tôc Khmer, đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để sửa chữa nhiều điểm trường, mua sắm thêm trang thiết bị, máy tính, bàn ghế, tivi để phục vụ cho công tác dạy và học. Đồng thời, xây mới hai ngôi trường Tiểu học Phú Mỹ C và Tiểu học Thuận Hưng A với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trường Trung học cơ sở Thuận Hưng đang được đầu tư xây dựng mới. Ngôi trường này đã hoàn thành khối công trình chức năng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 9/2023; phòng học sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2024.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú cho biết: Từ nguồn ngân sách của địa phương và tranh thủ nguồn kinh phí của cấp trên đầu tư, huyện đã từng bước thực hiện kiên cố hóa trường lớp. Huyện ủy, ủy ban đã chỉ đạo ngành giáo dục tiến hành rà soát lại mạng lưới trường lớp để sửa chữa kịp thời đảm bảo cho năm học mới, công trình xây dựng mới cũng đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng kịp thời.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, đến cuối năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 10 trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) với 102 lớp, 3.352 học sinh; toàn tỉnh có 98.480 học sinh DTTS, chủ yếu là dân tộc Khmer và dân tộc Hoa được huy động đến lớp từ mầm non đến THPT, chiếm tỷ lệ 37,23% số học sinh toàn tỉnh. Sở đã hướng dẫn và khuyến khích các đơn vị trường thường xuyên tổ chức chuyên đề theo cụm trường, chuyên đề cấp huyện, tỉnh; sinh hoạt chuyên môn liên trường trong hệ thông các trường PTDTNT để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác dạy và học. Hầu hết các đơn vị đều tích cực tham gia các hoạt động này và mang lại hiệu quả thiết thực.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết: Chăm lo giáo dục vùng đồng bào DTTS, trong đó có hệ thống các trường dân tộc nội trú được tỉnh và ngành Giáo dục xác định là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung. 
Năm học 2023-2024, Sóc Trăng tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS, vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng DTTS, vùng nông thôn với khu vực thành thị; bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững góp phần ổn định chính trị vùng dân tộc. Đồng thời, ưu tiên đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dạy và học các trường PTDTNT và các cơ sở giáo dục vùng DTTS, vùng nông thôn; tổ chức và quản lí tốt việc dạy học tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục theo quy định; tiếp tục tăng cường công tác quản lí giáo dục dân tộc.

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, ngành giáo dục và đào tạo Sóc Trăng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm biên soạn sách giáo khoa tiếng Khmer lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4 kịp thời đầu năm học 2023-2024; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các trường PTDTNT theo hướng đạt chuẩn quốc gia, mở rộng quy mô trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc được học ở các trường PTDTNT ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS cho các địa phương có dạy chữ dân tộc. Đặc biệt là đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc có trình độ đại học; cung cấp trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc dạy học tiếng dân tộc vì các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn cho việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy tiếng dân tộc; sớm ban hành chương trình giảng dạy tiếng Hoa tại các trường phổ thông có nhu cầu học tiếng Hoa; đồng thời mở lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng Hoa phục vụ các địa phương theo đúng quy định./

 
Xuân Long
Thông tin khác:
Biểu dương người có uy tín, trưởng thôn và điển hình tiên tiến tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn (23/08/2023)
Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Thanh Hóa (22/08/2023)
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hương Khê phát triển kinh tế, cải thiện đời sống (21/08/2023)
Lo trọn việc đạo, chung tay việc đời (21/08/2023)
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (19/08/2023)
Nghệ An chậm giải ngân Chương trình Mục tiêu quốc gia (18/08/2023)
Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài (18/08/2023)
Cách mạng Tháng Tám và tầm nhìn của Hồ Chí Minh (18/08/2023)
Nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho tôn giáo các tỉnh Tây Nam bộ (18/08/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log