Thứ trưởng Bộ Y tế trao tặng bằng khen cho 17 giáo sư, bác sĩ có công lao đặt nền móng cho sự nghiệp ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy |
Giọng ca của “ông hoàng cải lương” - Nghệ sĩ nhân dân Minh Vương cất lên tại lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy làm người nghe xúc động. 11 năm trước ông nằm trong số bệnh nhân suy thận được may mắn ghép thận.
"Nếu kiếp này tôi không trả được thì xin hẹn kiếp sau tôi trả nợ ân tình" - nghệ sĩ nhân dân Minh Vương cất cao ca từ trên sân khấu buổi lễ kỷ niệm 30 năm
ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 16-3.
Điều giữ lại cho cuộc đời giọng ca vang danh này chính là "món quà vô giá" mà chàng trai 34 tuổi chết não đã hiến tặng. "Cho Minh Vương xin biết ơn tất cả" - giọng nghệ sĩ năm nay bước sang tuổi 73 xúc động nói.
Nghệ sĩ Minh Vương trình bày ca khúc cải lương: "Nợ ân tình hẹn trả lại kiếp sau" |
Năm 2012, Minh Vương bị suy thận khiến chân sưng, việc tiểu tiện càng trở nên khó khăn. Những ngày ấy ông phải chạy thận, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng rất lớn tới
hoạt động nghệ thuật.
Thế rồi ông đã đăng ký vào danh sách chờ ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy và may mắn ông được một chàng trai 34 tuổi, chết não hiến thận.
"Đến nay nhiều năm trôi qua, sức khỏe tôi khá tốt, có thể cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật cải lương. Tôi là một người được hiến thận và nhận thấy hiến
ghép tạng là một việc làm đáng quý, đáng trân trọng" - Minh Vương trải lòng.
Và ông nói rằng còn sức, còn sống vẫn còn cất cao tiếng hát của mình để "trả nợ ân tình" với cuộc đời này.
Ngoài nghệ sĩ Minh Vương, buổi kỷ niệm của
Bệnh viện Chợ Rẫy còn có sự tham dự của nhiều "chứng nhân lịch sử" - những người từng may mắn được ghép tạng. Đó là bà Võ Thị Thượng (quê Long An) ghép năm 1992; ông Nguyễn Hải Đăng (ngụ TP.HCM) được ghép năm 2017 và linh mục Phêrô Vũ Huy Hùng - chánh xứ Nhà thờ Vườn Xoài - ghép vào năm 2002.
Linh mục Phêrô Vũ Huy Hùng - chánh xứ Nhà thờ Vườn Xoài: "Khi đón nhận sự sống, tôi luôn tâm niệm phải làm sao lan tỏa những điều tốt đẹp để sự hồi sinh có ý nghĩa" |
Đặc biệt trong số những người được nhận "món quà vô giá" ấy, có cả ông Nguyễn Văn Thoan (TP.HCM), người từng được ghép tim ngừng đập đầu tiên vào năm 2015; chị Lê Thị Ánh Hồng (quê Kiên Giang) - ca ghép đổi chéo đầu tiên năm 2017 và ông Vi Văn Biết (quê Bến Tre) - ca ghép không tương hợp nhóm máu đầu tiên vào năm 2021.
Theo giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức, những sự kiện này là "kỳ tích", góp phần đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của ghép thận nói riêng và lĩnh vực ghép tạng nói chung tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Linh mục Phêrô Vũ Huy Hùng, chánh xứ Nhà thờ Vườn Xoài - người được ghép thận cách đây hơn 20 năm, xúc động nói hết lòng tri ân và trân trọng những người giúp ông có được cuộc sống.
"Khi đón nhận sự sống mới, chúng tôi sẽ phải nỗ lực làm những gì đó thật ý nghĩa cho cuộc đời, cũng như dành nhiều thời gian lan tỏa
những điều tốt đẹp nhất để sự hồi sinh ấy có ý nghĩa" - linh mục gửi gắm.