Tin tức - Hoạt động

Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Phú Thọ

Cập nhật lúc 15:08 24/11/2023
Huyện Tân Sơn, Phú Thọ có dân số trên 88 nghìn người, trong đó 32 dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm 83,5%. Nhờ sự chung tay, góp sức của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, những năm gần đây, nhận thức của bà con đã thay đổi rõ rệt, nạn tảo hôn đã giảm.

Cháu Chảo Thị Sênh, ở khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn năm nay mới 15 tuổi nhưng lấy chồng đã hơn một năm. Cũng có lúc Sênh ước thời gian quay ngược trở lại để được đến trường cùng các bạn. Sênh chia sẻ, em lấy chồng sớm, có con sớm nên kinh tế gia đình rất khó khăn.

Thông tin từ đơn vị chức năng huyện Tân Sơn cho thấy: Trước năm 2015, trung bình một năm trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ có đến 20 cặp vợ chồng tảo hôn. Nguyên nhân do quan niệm lạc hậu trong hôn nhân, những hủ tục như hứa hôn vẫn còn tồn tại cùng các quan niệm mang tính duy tâm đã dẫn đến nhiều gia đình dựng vợ, gả chồng cho con em mình khi chưa đến tuổi kết hôn. Nhiều trường hợp có vợ, có chồng sớm với tâm lý để có thêm người lao động trong gia đình. Sự thiếu hiểu biết do trình độ học vấn thấp cùng nhiều yếu tố khác đã dẫn đến tình trạng tảo hôn. Cũng có gia đình buông lỏng quản lý con cái nên dẫn tới tình trạng mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học dẫn đến tảo hôn.

sinh hoạt ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên tại một trường THCS xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn nhằm nâng cao nhận thức về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
sinh hoạt ngoại khóa về sức khỏe sinh sản vị thành niên tại một trường THCS xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn nhằm nâng cao nhận thức về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Lãnh đạo huyện Tân Sơn cho biết, toàn huyện có dân số trên 88 nghìn người, trong đó 32 dân tộc, dân tộc thiểu số chiếm 83,5%. Nhờ sự chung tay, góp sức của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, những năm gần đây, nhận thức của bà con đã thay đổi rõ rệt, nạn tảo hôn đã giảm. Cụ thể: Từ năm 2021 đến hết tháng 6/2023, tổng số cặp kết hôn trên địa bàn huyện là 1.392 cặp; có 9 cặp tảo hôn, chiếm 0,7%, giảm 5 cặp so với giai đoạn 2019 - 2020. Chủ yếu là tảo hôn ở nữ giới với lứa tuổi tảo hôn từ 16 đến dưới 18 tuổi.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết: Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Phú Thọ sẽ giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao; đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện tỉnh đang thực hiện Đề án ”Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025", theo đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm thay đổi nhận thức theo hướng tích cực để giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được chú trọng.Các cơ quan chức năng đã phối hợp đưa các nội dung giáo dục giới tính, các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình; tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền, giáo dục trong các trường Trung học Phổ thông và trường Dân tộc nội trú nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình cho học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số.

 

Truyền thông về lĩnh vực Y tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ góp phần giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Truyền thông về lĩnh vực Y tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ góp phần giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, tỉnh đã tổ chức 17 hội nghị với trên 2.100 lượt người tham gia, trong đó đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ cơ sở tham gia tuyên truyền; các tổ chức đoàn thể; già làng, Bí thư Chi bộ, trưởng khu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân vùng dân tộc thiểu số về pháp luật dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình.

Nhờ nỗ lực triển khai các giải pháp, nhận thức của đồng bào đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhận thức được những hệ luỵ, tác hại của việc cho con em kết hôn khi chưa đủ tuổi nên tình trạng hôn nhân cận huyến thống đã không còn, tảo hôn đã giảm đáng kể. Toàn tỉnh có 50 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 17,15%, đông nhất là dân tộc Mường 14,92%. Qua điều tra, tại thời điểm năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, hôn nhân cận huyết thống là 0,13%. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 16 cặp tảo hôn, tập trung là hai huyện Thanh Sơn và Tân Sơn; trong đó, huyện Tân Sơn có 9 cặp, huyện Thanh Sơn 7 cặp. Các huyện Đoan Hùng, Thanh Thủy, Yên Lập từ năm 2021 đến nay không còn tình trạng tảo hôn./

 

V Anh
Thông tin khác:
Nhịp cầu đưa nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số ra thị trường (24/11/2023)
Để đồng bào dân tộc thiểu số không nghèo thông tin (24/11/2023)
Cuốn cẩm nang lịch sử về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc (24/11/2023)
Thái Nguyên bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số (22/11/2023)
Phát triển kinh tế để thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số (22/11/2023)
Bạc Liêu đánh thức giá trị của văn hóa truyền thống (21/11/2023)
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số: Khởi sắc nhưng vẫn nhiều hạn chế (21/11/2023)
Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) toàn quốc khu vực 1 (21/11/2023)
Bình Phước: Liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số (19/11/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log