Với sự độc đáo vốn có, thế nên các lễ hội của người Khmer, Hoa đã trở thành những điểm nhấn văn hóa của đất và người Bạc Liêu.
Nhắc đến đồng bào Khmer là nhắc đến “kho tàng” văn hóa đa dạng, đầy sắc màu với nhiều lễ hội truyền thống hầu như được diễn ra tại các ngôi chùa. Đơn cử là tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây còn gọi là tết năm mới. Những ngày này, người người tề tựu về chùa để tham gia các nghi lễ như: tắm Phật, cầu siêu cho người thân đã mất… và chung vui trong các trò chơi dân gian, các điệu múa dân tộc. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, chúc phúc nhau và cầu mong những điều tốt đẹp khi bước sang năm mới.
Ngoài ra, lễ Sen Đôn-ta của người Khmer cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ để tưởng nhớ người đã khuất mà còn thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cái với ông bà, cha mẹ còn sống. Bởi thế, dù có đi làm ăn nơi xa xôi thì người Khmer đều sẽ trở về sum họp bên gia đình để giáo dục con cháu gìn giữ nét đẹp về lòng hiếu đạo.
Còn người Hoa ở Bạc Liêu cũng có nhiều lễ hội không kém phần đặc sắc như: vía Thần tài, tết Nguyên tiêu, Kỳ yên… Trong đó, lễ hội Kỳ yên diễn ra ở các đình, miếu vào tháng Giêng mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Xen kẽ với các nghi lễ, phần hội trong Kỳ yên còn có tổ chức hát tuồng cổ, các hoạt động trò chơi dân gian tạo nên bầu không khí rộn ràng, vui tươi trong những ngày xuân.
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL trao bằng công nhận chùa Xiêm Cán Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL |
Lãnh đạo ngành Văn hóa tỉnh Bạc Liêu cho biết, dưới mái nhà chung của quê hương Bạc Liêu, các dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer, Hoa cộng cư đan xen với người Kinh để tạo ra sự giao thoa, điểm tô vẻ rực rỡ cho “bức tranh” văn hóa của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay văn hóa của các DTTS luôn tiềm ẩn nguy cơ mai một, dễ bị “tổn thương” trước những tác động của xã hội hiện đại. Thấy được thực trạng này, tỉnh vừa đề xuất với Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) triển khai nhiều chương trình, hoạt động với kỳ vọng sẽ chung tay bảo tồn, đánh thức giá trị của văn hóa truyền thống, trong đó có việc gắn công tác này với phát triển du lịch. Đây cũng là nội dung trọng tâm được UBND tỉnh đề xuất Bộ VH-TT&DL để thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” (gọi tắt là dự án 6). Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi năm 2024 - 2025.
Theo đó, trong năm 2024 - 2025, tỉnh sẽ triển khai nguồn vốn thực hiện các dự án nghiên cứu, phục dựng bảo tồn lễ hội truyền thống của người Hoa và người Khmer trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là thực hiện việc lắp đặt sân khấu, khu vực trình diễn, đầu tư trang thiết bị phục vụ trình diễn, tái hiện các lễ hội Khmer tại chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Đồng thời, sản xuất ấn phẩm phim tài liệu về bảo tồn các lễ hội truyền thống của dân tộc Hoa và Khmer; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, kết nối tua, tuyến thu hút khách du lịch.
Cũng trong 2 năm này, UBND tỉnh giao cho các ngành liên quan tổ chức hoạt động khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa truyền thống của người Khmer và Hoa; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể của các DTTS. Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí cho 2 đội văn nghệ của chùa Xiêm Cán mua sắm trang phục, hoạt động để phục vụ du lịch; tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống dân tộc Khmer trong các ngày hội, liên hoan về văn hóa, thể thao của đồng bào Khmer.
Dù chỉ mới là những đề xuất và phải chờ Bộ VH-TT&DL tổng hợp đưa vào nội dung thực hiện dự án 6, tuy nhiên đây thật sự là tin vui, góp thêm nguồn lực và các bước đi thiết thực hơn cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh.