Tin tức - Hoạt động

Noi gương khiêm nhường của Thiên Chúa trở thành trẻ thơ

Cập nhật lúc 08:24 29/12/2016
Giáng sinh là dịp để mọi tín hữu cảm nhận vẻ đẹp của Chúa Giêsu Hài Đồng cùng khởi đầu công cuộc cứu chuộc nhân loại. Đức Thánh Cha Phanxicô, dịp này nhắc tới lòng tôn sùng Chúa Hài đồng.


       Ngài mời gọi noi gương khiêm nhường của Thiên Chúa trở thành trẻ thơ để cứu rỗi loài người. Đức Thánh Cha đã khích lệ mọi người học hỏi nơi Chúa Giêsu cung cách sống bằng cách nhìn cuộc sống của các trẻ em, từ bỏ yêu sách tự lập và tiếp nhận sự tự do đích thực là hiểu biết Đấng chúng ta có trước mặt và phục vụ Ngài, là Con Thiên Chúa đến cứu độ chúng ta. Đức Thánh Cha nói, trong các ngày lễ Giáng sinh này Chúa Giêsu Hài Đồng được đặt trước chúng ta. Trong các nhà của chúng ta vẫn còn có biết bao gia đình đã làm hang đá máng cỏ, tiếp tục truyền thống tốt đẹp này đã bắt đầu với thánh Phanxicô thành Assisi, và duy trì sống động trong con tim chúng ta mầu nhiệm của Thiên Chúa làm người. Lòng tôn sùng Chúa Hài Đồng rất phổ biến. Biết bao nhiêu vị thánh nam nữ đã vun trồng lòng tôn sùng ấy trong lời cầu nguyện thường ngày của các vị, và đã ước mong nhào nặn cuộc sống của mình theo cuộc sống của Chúa Giêsu Hài Đồng. Đức Thánh cha nói Ngài, nghĩ tới thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu và của Nhan Thánh. Bà cũng là tiến sĩ Giáo hội đã biết sống và làm chứng cho “con đường thơ ấu thiêng liêng”, mà bà thấm nhuần bằng cách theo học trường của Mẹ Maria suy gẫm về sự khiêm nhường của Thiên Chúa đã trở nên bé nhỏ vì chúng ta. Đây là một mầu nhiệm cao cả, Thiên Chúa khiêm nhường! Chúng ta là những người kiêu căng, tràn đầy khoe khoang, và tin  mình  là cái gì vĩ đại, nhưng chúng ta không là gì cả. Chúa là Đấng cao cả, khiêm tốn và trở thành trẻ thơ. Đây quả là một mầu nhiệm đích thật! Thiên Chúa khiêm nhường. Điều này thật đẹp! Đã có một thời, trong đó nơi Bản Vị Thiên Chúa - Con Người của Chúa Kitô, Thiên Chúa đã là một trẻ thơ, và điều này phải có một ý nghĩa đặc biệt đối với đức tin của chúng ta. Có đúng thật là cái chết trên Thập giá và sự sống lại của Ngài diễn tả tột đỉnh tình yêu cứu độ của Ngài, nhưng chúng ta không được quên rằng tất cả cuộc đời dương thế của Ngài là mạc khải và giáo huấn. Trong Mùa Giáng sinh chúng ta nhớ tới cuộc sống thơ ấu của Ngài. Để lớn lên trong đức tin chúng ta cần chiêm ngưỡng Chúa Giêsu Hài Đồng thường xuyên hơn. Chắc chắn là chúng ta không biết gì về giai đoạn thơ ấu này của Ngài. Các chỉ dẫn hiếm hoi mà chúng ta có nói tới việc đặt tên cho Ngài tám ngày sau khi sinh ra, và việc dâng Ngài vào Đền Thánh (x. Lc 2l,21-28); ngoài ra còn có cuộc viếng thăm của ba Đạo sĩ với hậu quả là việc chạy trốn sang Ai Cập (c. Mt 2,1-23). Thế rồi, có một bước nhảy vọt cho tới năm lên 12 tuổi, khi Chúa Giêsu cùng Mẹ Maria và cha thánh Giuse đi hành hương lên Giêrusalem dịp lễ Vượt Qua, và thay vì trở về nhà với cha mẹ, thì Ngài ở lại trong Đền thờ đàm đạo với các tiến sĩ luật. Như vậy chúng ta biết ít về Chúa Giêsu Hài Đồng, nhưng chúng ta có thể học hiểu nhiều từ Ngài, nếu chúng ta nhìn cuộc sống của các trẻ em. Đây là một thói quen đẹp mà  các cha mẹ, các ông bà có, đó là nhìn trẻ em, nhìn những điều chúng làm.Trước hết, chúng ta khám phá ra rằng các trẻ em muốn sự chú ý của chúng ta. Chúng phải là trung tâm, tại sao? Tại vì chúng kiêu căng? Không, tại vì chúng cần cảm thấy được che chở. Chúng ta cũng cần để Chúa Giêsu vào trung tâm cuộc sống chúng ta và biết rằng chúng ta có trách nhiệm che chở Ngài, cả khi xem ra có thể là mâu thuẫn. Ngài muốn ở trên cánh tay chúng ta, Ngài ước mong được nâng niu và gắn chặt cái nhìn của Ngài trên cái nhìn của chúng ta. Ngoài ra, đó là để làm cho Chúa Hài Nhi mỉm cười hầu chứng tỏ với ngài tình yêu và niềm vui của chúng ta, bởi vì Ngài sống giữa chúng ta. Nụ cười của Ngài là dấu chỉ của tình yêu trao ban cho chúng ta sự chắc chắn biết mình được yêu.

       Các trẻ em thường thích chơi đùa. Tuy nhiên làm cho một trẻ em chơi đùa có nghĩa là từ bỏ cái luận lý của chúng ta để bước vào cái luận lý của nó. Nếu chúng ta muốn rằng các trẻ em vui đùa, cần phải hiểu chúng thích cái gì và không ích kỷ khiến cho chúng làm những gì chúng ta ưa thích. Đây là một giáo huấn cho chúng ta. Trước Chúa Giêsu chúng ta được mời gọi từ bỏ yêu sách tự lập của chúng ta – đây là cốt lõi của vấn đề: yêu sách tự lập -  để tiếp nhận hình thức đích thực của sự tự do, hệ tại việc hiểu biết chúng ta có ai trước mặt và phục vụ Ngài. Ngài, trẻ thơ là Con Thiên Chúa đến để cứu rỗi chúng ta. Ngài đã đến giữa chúng ta để cho chúng ta thấy gương mặt của Thiên Chúa Cha giầu tình yêu và lòng thương xót. Vì thế, chúng ta hãy ôm chặt Hài Nhi Giêsu trong vòng tay, và phục vụ Ngài: Ngài là suối nguồn tình yêu và sự thanh thản. Và sẽ là một điều tốt đẹp hôm nay, khi chúng ta trở về nhà, đến gần hang đá, hôn Chúa Hài Đồng Giêsu và nói: “Lậy Chúa Giêsu con muốn khiêm nhường như Chúa, khiêm nhường như Thiên Chúa”, và xin Chúa ơn này.

 
TC
Thông tin khác:
Phó Thủ tướng Chính phủ chúc Giáng Sinh Đức Tổng GM Phaolô Bùi Văn Đọc (29/12/2016)
Hội nghị thường niên Liên hiệp Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam 2016 (28/12/2016)
Một chuyến lên Tây Bắc (28/12/2016)
Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh: Tĩnh tâm Mùa Vọng (26/12/2016)
Cây Noel (26/12/2016)
Giao ban UBĐKCG khu vực miền Trung - Tây Nguyên (26/12/2016)
Giao ban công tác thi đua cụm Miền Bắc (26/12/2016)
Thư chúc mừng Giáng sinh của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân (23/12/2016)
Hãy nhân niềm vui Giáng sinh ra khắp nơi (23/12/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log