Ô nhiễm không khí - “Kẻ giết người thầm lặng”. Ảnh: CTV |
Tìm hiểu Thông điệp Khí hậu là tài sản chung của mọi người và cho mọi người. Trên bình diện toàn cầu, đó là một hệ thống phức tạp, liên hệ thật cơ bản đến cuộc sống con người. Có một sự nhất trí cao dựa theo khoa học, để xác nhận rằng hệ thống khí hậu của chúng ta đang bị đun nóng gây nhiều lo lắng. Trong những thập niên cuối cùng, việc đun nóng này làm mặt nước biển liên tục dâng cao cũng liên kết việc gia tăng sự biến động khí hậu cực đoan... Còn nhiều động lực khác (như núi lửa, sự thay đổi qui trình chuyển động của trái đất và trục trái đất, chu kỳ mặt trời), nhiều tham luận khoa học cho thấy, phần lớn việc đun nóng toàn cầu trong thập niên cuối, đều dẫn đến sự tập trung các khí thải (thán khí, Mê-tan, ôxít nitrogen và nhiều loại khí khác) do hoạt động của con người thải ra.. Nếu chúng cứ tập trung vào bầu khí quyển, sẽ ngăn chận sức nóng của các tia mặt trời phản chiếu trên mặt đất, không đi vào không gian được.(Thông điệp Laudato Si'’số 21)
Minh họa và Bình luận Theo số liệu điều tra mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước có tới 37 “làng ung thư”, nguồn nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt những “làng” này đều bị ô nhiễm nặng, trong số đó làng Mẫn Xá (xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đứng thứ 3 về báo động tình trạng ô nhiễm. Hiện làng Mẫn Xá được coi là điểm chuyên thu gom và tái chế nhôm phế thải nguy hại lớn nhất trong nước. Anh Nguyễn Văn Tuấn, một người dân ở Mẫn Xá, phản ánh: “Khách qua đường còn cảm thấy sợ hãi, chúng tôi đã nhiều đời chịu sống chung với nỗi ác mộng này rồi ! Không khí hôi hám, ngột ngạt bởi khói bụi. Lúc đỉnh điểm, cả làng nổi lò, khói phủ một vùng, còn không nhìn thấy mặt nhau nữa. Mùa hè oi bức chúng tôi không thở nổi. Mùa mưa, ruộng đồng, kênh mương nhuộm một màu đen thui, mùi hôi thối bốc lên, ngột ngạt. Thậm chí, có những đêm nằm trong nhà phải đeo khẩu trang mà không thể ngủ được”. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Duy – Trưởng trạm Y tế xã Văn Môn, quá trình các lò nấu, tái chế nhôm thải sinh ra một số loại khí thải đặc biệt nguy hại như: SO2, NH3, CO2... Những khí thải độc hại này được xả thẳng ra môi trường mà không hề qua xử lý, khiến hàm lượng chì trong môi trường luôn cao gấp vài chục lần so với tiêu chuẩn cho phép. Môi trường đang ở mức “báo động đỏ”, bằng chứng là cây cối cằn cỗi, không lớn được, hồ ao nuôi thả con gì cũng chết. Qua theo dõi những năm gần đây, số người chết vì ung thư ở đây ngày một tăng: năm 2010 có 3 trường hợp, năm 2012 có 6 trường hợp, năm 2013 có 8 trường hợp, năm 2014 có 12 trường hợp tử vong... Hầu hết họ bị ung thư phổi và gan. “Những năm gần đây, chúng tôi liên tục phát hiện rất nhiều trường hợp mắc các bệnh đường hô hấp, lao phổi”.
Báo Thanh Niên 18/5/2015 (btv Đình Sơn): Khói bụi “đầu độc” khu dân cư – Theo phản ánh của người dân tại khu vực P.Tân Thới Nhất (Q.12, Tp.HCM), nhiều năm nay họ phải sống trong tình trạng ô nhiễm, hít khói độc từ nhà máy của Công ty CP may Phương Đông gây ra. Gia đình anh Đỗ Trung Dũng bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường không khí và cả tiếng ồn bởi nhà máy lớn, hoạt động liên tục ngày đêm. Hằng ngày gia đình anh không chỉ bị tra tấn vì tiếng ồn mà còn vì khí thải công ty xả ra. Còn ông Lê Huy Khôi, Tổ phó tổ 49 (Kp.3, P.Tân Thới Nhất) cho biết ngoài việc xả khói thì những ngày mưa, hệ thống nước thải cũng trở nên đục hơn, rất có thể do nhiều công ty trong khu vực lợi dụng trời mưa để xả thải ra môi trường. “Công ty nhiều lần bị kiểm tra nhưng không hiểu vì sao tình trạng xả khói vẫn chưa được khắc phục”, ông Khôi cho hay. Cũng trên địa bàn Q.12, ở các khu phố 4, 5 của P.Đông Hưng Thuận, trước đây có 42 cơ sở hoạt động thuộc các ngành nghề gây ô nhiễm như dệt nhuộm, sản xuất giấy, bao bì... Người dân vô cùng bức xúc vì hằng ngày phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm, những cột khói đen ngòm được xả ra vào các buổi sáng, tối khiến người già và trẻ em gặp vấn đề nghiêm trọng về đường hô hấp.
Báo Thanh Niên 6/6/15 (btv Hiển Cừ): Đình chỉ hoạt động nhà máy chế biến bột cá gây ô nhiễm – Theo phản ánh của các hộ dân sống gần khu vực nhà máy, trong quá trình sản xuất, mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy này khiến nguồn không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của đồng bào.
Báo Thanh Niên 27/4/2016 (btv Mai Hà, Chí Nhân, Lê Quân): Phương pháp luyện thép tiêu thụ nhiều than và sinh ra xỉ (than), khí dioxide carbon và bụi, phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường. Quặng sắt cũng chứa nhiều hóa chất độc hại như chì, thạch tín, lưu huỳnh, phốt pho.