Linh mục Đaminh Đinh Ngọc Lễ
“Đáp lời Chúa gọi ...”
Cha Đaminh Đinh Ngọc Lễ năm nay 73 tuổi, 48 năm linh mục. Sinh quán là một miền quê thuộc làng Phú Nhai, Xuân Trường, tỉnh Nam Định, song gần hết cuộc đời, cha gắn bó và phục vụ ở giáo phận TPHCM. Năm 1950, khi mới 8 tuổi, cha bắt đầu rời gia đình tìm hiểu ơn gọi và nhập học Trường tập Ninh Cường rồi học lên trung học tại trường Hồ Ngọc Cẩn (Bùi Chu). Vàao Nam năm 1954, sau đó ít năm, cha nhập học tại Đại chủng viện Bùi Chu rồi Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Cha lãnh nhận chức linh mục năm 1967 khi mới 25 tuổi. Đây là bước chuyển tiếp trọng đại cho một lựa chọn vốn đã vững vàng từ thuở thiếu thời. Cha chia sẻ cuộc đời tận hiến đã bắt đầu một cách đơn giản từ khi:“Tôi đáp lại Lời Chúa gọi và thực thi những gì được Ngài giao phó ...”.
Trước khi là linh mục, cha đậu Cử nhân Triết học Tây Phương tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Sau khi chịu chức, cha lại tiếp tục trải qua thời sinh viên tại trường Đại học Đà Lạt. Trở về Sài Gòn, cha làm giáo sư giảng dạy tại trường Nguyễn Bá Tòng. Từ 1972-1975, cha đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng trường Nguyễn Bá Tòng 2 với hơn 1.000 học sinh và gần trăm giáo sư. Làm Hiệu trưởng một trường lớn kiêm giáo sư giảng dạy các môn triết học, vật lý, sinh vật... khi tuổi còn khá trẻ và trong một giai đoạn có nhiều chuyển biến của thời cuộc, đối với cha, quả là một thử thách không nhỏ. Điều này đòi hỏi sự tháo vát và một tinh thần vững chắc. Bù lại, cha có được sự quý mến của nhiều học trò và đồng nghiệp. Những học trò của “thầy” Lễ khi đó cho đến tận bây giờ dù sống ở nước ngoài, hay ở ngoài TPHCM vẫn giữ mối liên lạc và luôn sẵn lòng hỗ trợ cha trong các hoạt động bác ái.
Hồi tưởng về những chặng đường trong quá khứ và dù giấc mộng đi du học để về quê hương Việt Nam mở trường Đại học Công giáo bất thành, vị linh mục già vẫn luôn tỏ lộ một cái nhìn lạc quan, đầy phó thác: “Đó là một thời đẹp đẽ đầy hăng say của tuổi trẻ nên khi ngôi trường đóng cửa, tôi có nhiều nỗi buồn. Nhưng tôi luôn nghĩ bài học hay của cuộc đời lại đến từ những biến cố. Chính khi đó tôi nhận ra ý nghĩa mới của đời tận hiến và sáng hơn trong suy nghĩ và hành động trong công việc mục vụ sau này...”. Từ giã môi trường giáo dục, cha bắt đầu phục vụ tại các họ đạo - 10 năm làm cha phó Bùi Phát và nối tiếp là 28 năm quản xứ Hà Nội.
Ở nơi nào hay trong trọng trách nào, cha cũng hết tâm sức với công việc và với tấm lòng yêu thương. Với các anh chị em trong gia đình cũng vậy. Ông Đinh Ngọc Chiến, một trong những em trai của cha, cho biết khoảng thời gian cha gần gũi với gia đình rất ít. Thời còn là chủng sinh, ngay cả các dịp hè, cha cũng chỉ tạt qua nhà vài hôm rồi lại mất bóng theo giúp việc ở các xứ. Tuy nhiên, trách nhiệm làm anh lại có phần chu toàn đặc biệt hơn.“Cách làm anh của cha là làm gương chứ không phải lý thuyết suông”- ông Chiến nhận xét gãy gọn về anh trai mình. Và đây cũng là suy nghĩ của nhiều người trong các cộng đoàn giáo xứ mà cha từng phục vụ.
Ông cha “bày đầu”
Về nhận giáo xứ Hà Nội ở vùng Xóm Mới vào thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới, công việc của cha trong những ngày đầu khá ngổn ngang. Vốn lạc quan lại xốc vác, nhiều sáng kiến, chẳng ngại dấn thân nên các “công trình” của cha đã góp phần thăng tiến đời sống đạo đời của người giáo dân trong xứ chỉ sau một thời gian ngắn. Thế nhưng, khi nói về những công việc vì cộng đồng của mình, cha chỉ cười xuề xòa và nhận mình chỉ là người “bày đầu”, còn thành quả chính là nhờ công sức âm thầm của nhiều người trong một tập thể đồng lòng.
Một trong những nghĩa cử cao đẹp, sau này thành truyền thống nổi trội của giáo xứ Hà Nội, chính là việc tham gia hiến máu nhân đạo được khơi nguồn từ cha. Ngài cũng thuộc số ít linh mục tiên phong trong thành phố khơi mở ra hoạt động đầy ý nghĩa này và luôn là người hiến máu đầu tiên trong các đợt hiến máu tại xứ. Phong trào hiến máu lúc bấy giờ được nhen nhóm từ những giáo xứ rồi đến bệnh viện với đội ngũ bác sĩ Công giáo rồi dần lan rộng hơn. Mọi chuyện bắt nguồn từ một duyên cớ giản đơn theo lời kể của cha: “Tôi được một cha làm bác sĩ ở xứ Cầu Kho khi ấy rủ rê cho máu cứu một bệnh nhân. Đơn giản lúc đó chỉ nghĩ rằng có máu mình bệnh nhân sẽ qua cơn khốn khó. Sau vì thấy rõ lợi ích cứu người của hành động này cũng như thực tế thiếu nguồn máu cấp cứu ở các bệnh viện nên tôi bắt đầu kêu gọi những người trẻ khỏe tham gia. Có ai ngờ sau này hoạt động hiến máu trở nên phổ biến”.
Cùng với nhiều giáo dân trong giáo xứ, vào hai mùa Vọng và mùa Chay, cha lại hiến tặng những giọt máu của mình. Hiện tại, cha đã ngừng hiến máu nhân đạo do quá tuổi quy định nhưng giáo xứ Hà Nội, hơn 20 năm nay luôn là điểm sáng của quận Gò Vấp vì hành động thiện nguyện quý giá này.
Trao quà từ thiện tại giáo xứ Hà Nội
Gần 30 năm phục vụ, cha để lại nhiều dấu ấn khó phai trong giáo xứ cũng như nơi vùng Xóm Mới. Trong kỷ yếu của giáo xứ, các lá thư thi thoảng gởi về từ những giáo dân đã chuyển xứ hay sinh sống tại hải ngoại gói ghém rất nhiều tâm tình cảm mến vị mục tử luôn hết lòng vì giáo dân. Thiếu nhi cũng có những tâm tình cùng cha khi được mời gọi sẻ chia cảm xúc, suy nghĩ cá nhân qua các hoạt động khuyến khích nói, khuyến khích viết mà cha xây dựng cho giáo xứ. Tất cả những lời thật lòng này đều được cha gìn giữ, lưu lại như một tài sản quý. Cũng vì có “máu” giáo dục, ưa chuyện học hành nên cha hết lòng chú trọng đến các việc tổ chức các hoạt động khuyến học, sinh hoạt cho thiếu nhi và giới trẻ ở giáo xứ. Gần đây, vào những dịp Ngày của mẹ, Ngày của cha, giáo xứ đã tổ chức cho các em hướng vọng về bậc sinh thành qua các bài viết. Sau đó, cha tổng hợp, biên tập và lựa chọn để in thành sách dành tặng các bậc phụ huynh. Bầu khí yêu thương vì thế dần được lan tỏa hơn trong xứ đạo.
Những chương trình từ thiện nơi vùng sâu vùng xa, cấp phát học bổng, khuyến học hay tặng quà, phát gạo... cũng được giáo xứ thực hiện hoặc phối hợp với địa phương cách thường xuyên. Ngoài ra, cha có những cách thức điều hành cũng như chăm lo nhân sự cộng tác với giáo xứ rất thiết thực lại sát với mong ước của nhiều người như việc mua Bảo hiểm Y tế cho người tham gia Hội đồng giáo xứ và người nghèo. Cách làm này vừa khích lệ những người dấn thân cho việc chung vừa mang lại lợi ích cần thiết cho người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, giáo xứ đã mua bảo hiểm cho gần 100 người.
Nhà xứ Hà Nội hay được gọi vui là “nhà mở”. Số là, không như thường thấy ở các xứ khác là cha xứ tiếp khách có giờ giấc, cha xứ Hà Nội quan niệm mình là chủ chăn, khi bà con cần mới tìm đến. Vì vậy, mọi người có thể đến gặp cha bất kỳ lúc nào trong ngày, kể cả giờ ăn hay lúc cha đang tập thể dục vòng quanh nhà thờ. Cha giải thích: “Nhiều anh em công nhân hay buôn bán không chủ động được thời gian, tranh thủ ghé đến nhà thờ xin hướng dẫn những vướng mắc tinh thần là đã rất đáng quý, do đó không nên câu nệ giờ giấc...”.
Để chu toàn mọi sự trong xứ đạo, mỗi ngày với cha vẫn là những bận rộn sớm khuya. Gần gũi, quảng giao nên với bất cứ ai hỏi vị linh mục tuổi đã ngoài thất thập này khi nào dừng chân ngơi nghỉ thì sẽ nhận từ cha câu trả lời vui vẻ bằng giọng nói sang sảng, kèm nụ cười ồn ã: “Đến khi Chúa muốn...”.
Minh Hải