Tin tức - Hoạt động

Quan hệ Việt Nam - Vatican: thực tại và triển vọng

Cập nhật lúc 15:24 31/01/2024
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italia, ngày 27/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có chuyến thăm Tòa Thánh Vatican. Đây là hoạt động tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên trong vòng 7 năm qua, là sự kiện quan trọng để hai bên trao đổi về thúc đẩy quan hệ cũng như hoạt động của cộng đồng Công giáo Việt Nam.
Bước sang một trang mới
 
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Điểm nổi bật của chuyến thăm Tòa Thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 27/7 vừa qua, hai bên đã công nhận thông qua Thoả thuận về “Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa Thánh tại Việt Nam” đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Tòa Thánh Vatican.
Đây là kết quả của quá trình gặp gỡ và trao đổi lâu dài, nhất là từ khi thành lập Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican năm 2008, với khoá họp đầu tiên ngày 16-17/2/2009. Kết quả là Tòa Thánh đã bổ nhiệm hai vị Đại diện không thường trú là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli (2011-2017) và Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski (2018-2023). Sau 14 năm với 10 khoá họp chung, nay Tòa Thánh đã bổ nhiệm một vị Đại diện thường trú tại Việt Nam. Kết quả tốt đẹp này dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua và nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt, với mục tiêu cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh Công giáo. 
Tại các cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Đức Giáo hoàng Phanxicô và Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin, hai bên bày tỏ tin tưởng Đại diện thường trú Tòa Thánh sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong Quy chế; hỗ trợ cộng đồng Công giáo Việt Nam hoạt động trên tinh thần tôn trọng pháp luật và giáo huấn của Giáo hội thực hiện đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt là công dân tốt”, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và Giáo hội; phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời thể hiện chính sách nhất quán tôn trọng và đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo của Nhà nước Việt Nam.
Để hiện thực hóa mối quan hệ sinh động này, ngay thềm Giáng sinh, ngày 23/12/2023, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Tổng Giám mục hiệu tòa Africa (nay là Tunisia) hiện đang là Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm Đại diện không thường trú tại Việt Nam, làm Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam.Việc Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski trở thành Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa Thánh tại Việt Nam, sẽ góp phần thúc đẩy mối liên kết giữa Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo Việt Nam, tăng cường hơn nữa trao đổi giữa Việt Nam và Tòa Thánh trong tương lai, tạo động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, bền vững. Trong tư cách thường trú, Đức Tổng Giám mục Đại diện Tòa Thánh sẽ là dấu chỉ hữu hình rõ nét hơn của sự hiệp thông giữa Hội Thánh Việt Nam với Đức Giáo hoàng, đồng thời ngài cũng sẽ trở thành cầu nối ngoại giao để Hội Thánh có thể phát triển các hoạt động đa dạng nhằm đáp ứng các nhu cầu trong cộng đồng xã hội. 

“Đại diện thường trú sẽ đóng góp tích cực cho quan hệ giữa Tòa Thánh và cộng đồng Công giáo Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam - Tòa Thánh”.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng 
và Đức Giáo hoàng Phanxicô nhận định

Vị Đại diện đơn giản - vui vẻ - thân tình
 
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski được bổ nhiệm làm Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam.
Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski được bổ nhiệm làm Đại diện Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam.
Việc hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao, cũng như triển khai hiệu quả cơ chế Nhóm công tác hỗn hợp, từ năm 2011 đến năm 2023, Đại diện không thường trú Tòa Thánh là Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli và Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski đã hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Nhiệm vụ của Đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam là thúc đẩy quan hệ giữa Tòa Thánh và Chính phủ, cũng như giữa Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Trong thời gian làm việc ở Việt Nam, với nhiệm kỳ ngoại giao hơn 6 năm (từ 13/01/2011 đến 13/9/2017), Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đã đi thăm hầu hết các giáo phận. Ngài đặc biệt ưu ái đến với các giáo phận vùng cao như Hưng Hóa (5 lần), Kon Tum (4 lần) và Ban Mê Thuột (3 lần)? Trong các chuyến đi, ngài đều ghé thăm nhiều giáo xứ, dòng tu, đại chủng viện, các địa điểm hành hương và đền thánh Công giáo. Đức Tổng đã dâng thánh lễ, nói chuyện với giáo dân, gặp gỡ và trao đổi với các Giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ. Dù khá bận rộn nhưng ngài luôn cố gắng tham dự các hoạt động lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam như Lễ đặt viên đá xây dựng Trung tâm Thánh Mẫu La Vang; Đại hội Thánh Mẫu La Vang toàn quốc tổ chức ba năm một lần; tham dự các Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam; dự lễ tấn phong Giám mục, lễ an táng các Đức Giám mục qua đời, cũng như đi thăm mục vụ, kinh lý khắp mọi miền. Tìm hiểu, chứng kiến và cảm nhận về cuộc sống, con người và lòng đạo của người dân bản địa, vị Đại diện Tòa Thánh từng chia sẻ: “Trong những cuộc viếng thăm này, tôi đã gặp được đức tin chân chính nơi các tín hữu và tôi đánh giá cao nhiệt tình mục vụ của các Giám mục, các linh mục, tu sĩ đang làm việc cần mẫn để phục vụ Giáo hội địa phương”. Những ai có dịp gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đều có chung một cảm nhận ngài “đơn giản - vui vẻ - thân tình”. Dù đến thăm các giáo họ, giáo xứ nằm sâu trong rừng ở giáo phận Kon Tum, hay trên những miền cao hiểm trở của núi rừng Tây Bắc, thậm chí là cả những họ đạo phải di chuyển bằng ghe xuồng mới đến được nơi miền sông nước Nam Bộ, hoặc tận ngoài đảo Cô Tô bốn bề biển cả, vị Đại diện Tòa Thánh vẫn luôn tìm cách hòa mình vào cuộc sống người dân, không kể đó là Kinh hay Thượng, H’mông hay Khmer, người khá giả hay bần cùng? Không một chút gì mang tính “khoảng cách”.Ngài cũng dành tình cảm tốt đẹp và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những giáo dân Việt Nam trong việc giữ gìn đức tin Công giáo, sốt sắng việc đạo. Đồng thời dặn dò mọi thành phần Dân Chúa tiếp tục cầu nguyện, giữ sự hiệp thông trong Giáo hội, tham gia đời sống cộng đồng, cộng tác với xã hội để phát triển đất nước. Ngài cũng khẳng định Giáo hội Công giáo sẽ luôn luôn và sẵn sàng làm hết mình vào sự phát triển chung của xã hội, của đất nước Việt Nam. Riêng với các dân tộc thiểu số, ngài luôn khuyên họ hãy giữ gìn bản sắc văn hóa của mình vì đó là phần quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam, cũng như tìm cách thể hiện những giá trị đó vào trong đời sống đạo. Ở đây đó và vào những lúc có thể, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli cũng thường trao đổi với các linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo dân về trách nhiệm của ngài, về mối quan hệ Việt Nam - Vatican, về đời tu và ơn gọi, về vị thế của giáo dân trong việc quản lý và điều hành Giáo hội... Thân tình như một người bạn, gần gũi như một người cha, Ngài đã tạo nhiều niềm cảm hứng cho giáo dân, khơi gợi trong họ những trách nhiệm và trao cho họ sự tự tin trong việc dấn thân phục vụ. Khi viếng thăm mục vụ ở đâu, ngài đều đến chào thăm chính quyền các tỉnh, thành phố sở tại, tạo được thiện cảm và đón tiếp trọng thị. 

Giai đoạn phát triển mới
 
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, gặp gỡ Hội đồng Giám mục Việt Nam
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, gặp gỡ Hội đồng Giám mục Việt Nam
Sau thành công của chuyến thăm Tòa Thánh Vatican, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, gặp gỡ Hội đồng Giám mục Việt Nam chia sẻ thân tình về tình hình đất nước, cũng như ý nghĩa thành công chuyến thăm Tòa Thánh Vatican vừa qua đối với cộng đồng Công giáo Việt Nam. Nhân dịp công nhận Thoả thuận về “Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú của Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam”, vào ngày lễ sinh nhật Đức Maria (8/9), Đức Giáo hoàng Phanxicô đã có thư gửi cộng đồng Công giáo Việt Nam, bức thư có đoạn viết: “…Hơn thế nữa, hai bên đã có thể đồng hành, lắng nghe nhau và hiểu nhau. Dù mỗi bên có sự khác biệt về lịch sử và kinh nghiệm sống, điều đó không thể ngăn cản cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”. Theo ngài, các Kitô hữu ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nên dấu ấn cuộc sống của họ là ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc, và họ sẽ thể hiện căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt. Ngày 4/10/2023, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thay mặt Giáo hội tại Việt Nam viết thư gửi Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Chúng con nhận ra niềm vui của Đức Thánh Cha khi thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt, qua đó có thể cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh… Chúng con tha thiết kính mời Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam”.
Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về từ Mông Cổ vào ngày 4/9 vừa qua, một nhà báo người Mỹ đã hỏi Đức Giáo hoàng Phanxicô rằng liệu ngài có thể đến thăm Việt Nam hay không, vì mối quan hệ tích cực giữa quốc gia này với Tòa Thánh cũng như mong muốn lớn lao của người Công giáo Việt Nam đối với ngài, ngài nói: “Việt Nam là một trong những kinh nghiệm đối thoại rất tốt mà Giáo hội có được trong thời gian gần đây. Tôi có thể nói nó giống như một tình cảm tương thân tương ái trong đối thoại. Cả hai bên đều có thiện chí hiểu nhau và tìm cách tiến tới. Đã có những vấn đề tồn tại, nhưng tại Việt Nam, tôi thấy các vấn đề sớm muộn gì cũng sẽ được khắc phục”. “Về chuyến hành trình đến Việt Nam, nếu tôi không đi, [Giáo hoàng tương lai] Đức Gioan XXIV chắc chắn sẽ đi! Thực sự sẽ có một chuyến viếng thăm vì đó là vùng đất đáng để phát triển và có tình cảm với tôi...”.
Mặc dù vậy, Đức Giáo hoàng Phanxicô không loại trừ khả năng có chuyến tông du Việt Nam trong tương lai, chung ta kỳ vọng vào một ngày, Việt Nam và Tòa Thánh chính thức có quan hệ ngoại giao, mở ra một trang sử mới cho đất nước và cho Giáo hội. Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Việt Nam - Tòa Thánh phát triển tích cực cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho sự kết nối giữa Tòa Thánh với cộng đồng Công giáo Việt Nam.
 
Nguyễn Văn thuyên
Thông tin khác:
Thảo luận nhiều nội dung quan trọng hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam (31/01/2024)
Năm Thìn nói chuyện rồng (31/01/2024)
Những chặng đường trong quan hệ Việt Nam - Vatican (29/01/2024)
Khai mạc Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 19, khóa IX (23/01/2024)
Bà Tô Thị Bích Châu được giới thiệu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (23/01/2024)
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến dự chương trình ‘Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản’ (16/01/2024)
Tập hợp nhân dân để giải quyết các vấn đề của dân (12/01/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội đánh giá hoạt động và ký giao ước thi đua (12/01/2024)
Vì một Việt Nam hùng cường thịnh vượng, người dân ấm no hạnh phúc hơn (12/01/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log