Mô hình dịch vụ chạy thuyền chở khách, chụp ảnh, bán hàng lưu niệm tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình vùng giáo. Ảnh: Hoàng Hải |
Tiếp tục quán triệt và thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở các địa bàn nói chung, trong đó có vùng đông đồng bào Công giáo nói riêng, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ở các giáo họ, giáo xứ ngày càng khởi sắc.
Cùng với việc phát huy tinh thần đoàn kết trong Giáo hội, đoàn kết với đồng bào không có tôn giáo, đồng bào Công giáo nhiều nơi trên địa bàn Quảng Bình đã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, sống “Tốt đời đẹp đạo”, đóng góp quan trọng vào sự phát triển đi lên của tỉnh nhà.
Điểm nổi bật trong phong trào tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa bàn Công giáo, là bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ về vay vốn, tập huấn về kỹ thuật sản xuất do ngành Khuyến nông, khuyến ngư và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thực hiện, với khát vọng và quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, nhiều gia đình Công giáo ở các giáo họ, giáo xứ đã biết khắc phục khó khăn, xây dựng thành công được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Trong thời gian qua, nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội như chương trình 135, chương trình đánh bắt xa bờ, các chương trình phát triển kinh tế gò đồi, kinh tế vườn - rừng, phát triển chăn nuôi, trồng trọt,... được triển khai thực hiện tại nhiều địa bàn Công giáo (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa; các xã Phúc Trạch, Sơn Trạch, Liên Trạch,...huyện Bố Trạch,...) đã góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống, thu nhập cho đồng bào các tôn giáo.
Một trong những mô hình kinh tế, giảm nghèo phát huy hiệu quả, tạo việc làm và đưa lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình Công giáo, đó là mô hình dịch vụ chạy thuyền chở khách, chụp ảnh, bán hàng lưu niệm tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng do Trung tâm Du lịch Phong Nha phối hợp với chính quyền xã Sơn Trạch hỗ trợ giáo dân thôn Na, Hà Lời, Phong Nha, Xuân Tiến (Sơn Trạch, Bố Trạch) thành lập, thu hút khoảng khoảng 800 lao động tham gia, đóng góp quan trọng vào việc hoàn hiện các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn. Mô hình tổ hợp tác trồng nấm linh chi và nấm sò của bà con giáo dân giáo xứ Khe Ngang, xã Phúc Trạch (Bố Trạch), thu hút nhiều hộ gia đình tham gia.
Nhiều mô hình xuất khẩu lao động hiệu quả ở các thôn, tổ dân phố thu hút đông đảo người lao động là tín đồ các tôn giáo tham gia, tiêu biểu như ở các thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch); các xã Phúc Trạch, Thanh Trạch (huyện Bố Trạch); các phường Quảng Phúc, Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn). Riêng giáo họ Thanh Hải, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, nhờ vào xuất khẩu lao động ra nước ngoài, hiện nay có gần 90 hộ giàu và khá giả trở lên.
Về cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi, một trong những gia đình giáo dân tiêu biểu trong phong trào đã được đồng bào Công giáo và nhiều tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Tuyên Hóa ghi nhận, đánh giá cao, đó chính là hộ ông Hà Văn Thú ở thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Vừa hướng dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, ông Hà Văn Thú phấn khởi cho biết, được sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương và các chức sắc, chức việc trên địa bàn, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo quy mô trang trại, mỗi năm xuất chuồng hàng trăm con, phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật và kinh doanh vật liệu xây dựng, mỗi năm đem lại nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng.
Với những thành tích xuất sắc trong các phong trào, nhiều năm, bản thân ông Hà Văn Thú đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng do các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở ở Quảng Bình trao tặng.
Ở địa bàn thị xã Ba Đồn, một trong những hộ giáo dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã được nhiều người Công giáo ở Quảng Bình ghi nhận, đánh giá cao, đó là ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh, ở giáo xứ Tân Mỹ, Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn với mô hình đóng mới 03 tàu đánh cá có công suất lớn, trị giá gần 20 tỷ đồng, thường xuyên tham gia đánh bắt ở nhiều ngư trường lớn ở các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, vừa tạo việc làm cho 34 lao động với thu nhâp bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trên địa bàn huyện Bố Trạch cũng có nhiều gia đình Công giáo ở các xã Sơn Trạch, Thanh Trạch, Phúc Trạch đã năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đầu tư xây dựng được nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn rừng trên 100 con mỗi lứa của gia đình giáo dân Nguyễn Văn Bảy ở giáo xứ Khe Ngang, xã Phúc Trạch, hằng năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp của gia đình giáo dân Nguyễn Thị Nguyện, ở giáo xứ Troóc, xã Phúc Trạch với quy mô trồng gần 1.000 gốc tiêu, thả nuôi 60 con lợn thịt và trên 300 con gà mỗi năm, đưa lại thu nhập gần 200 triệu đồng.
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm vượt khó của đồng bào các tôn giáo, tỷ lệ hộ giàu, hộ khá trong tín đồ các tôn giáo trên địa bàn Quảng Bình ngày càng tăng cao, hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm đáng kể. Nếu như năm 2008, mới có 40% gia đình nông dân vùng Công giáo có kinh tế đạt khá trở lên, hộ nghèo còn 18,5%; đến nay, tỷ lệ hộ trung bình, hộ khá, hộ giàu tăng lên gần 90 %, hộ nghèo còn khoảng 11%.
Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào có đạo đã được đa số các chức sắc và bà con giáo dân hưởng ứng, có nhiều đóng góp cả về vật chất, công sức để chung tay thực hiện. Phong trào hiến đất, tài sản, ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới của đồng bào có đạo ở một số vùng đạt được nhiều kết quả, như ở các xã Châu Hóa, Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa); các xã Quảng Hòa, Quảng Trung (thị xã Ba Đồn); các xã Quảng Thanh, Quảng Phú (huyện Quảng Trạch). Cơ sở thờ tự của các xứ, họ đạo, ngày càng khang trang.
Thời gian qua, đồng bào Công giáo huyện Tuyên Hóa đóng góp 8.928 m2 đất, phá dỡ 3.798 m2 hàng rào, gần 4.000 ngày công (khoảng 7,2 tỷ đồng) xây dựng nông thôn mới. Người Công giáo ở các xã Phúc Trạch, Hưng Trạch, Sơn Trạch (huyện Bố Trạch),... hiến 1.075 m2 đất, 200 m tường rào, trên 1.700 cây ăn quả,... xây dựng nông thôn mới. Nhiều xã có đông đồng bào theo các tôn giáo đã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đạt nhiều tiêu chí nông thôn mới, như: Quảng Hòa, Quảng Tiên, Quảng Hải (Ba Đồn); Thanh Trạch (Bố Trạch), Quảng Phương, Quảng Xuân (Quảng Trạch); Châu Hóa, Mai Hóa (Tuyên Hóa),...
Riêng trong năm 2019, đồng bào Công giáo ở thôn Phúc Đồng 1 (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) đóng góp gần 1,6 tỷ đồng làm đường bê tông gần 4 km. Giáo dân thôn 3 Khe Ngang (Phúc Trạch) đóng góp 250 triệu nâng cấp nhà văn hóa thôn. Giáo dân thôn Phúc Khê 3, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) đóng góp 250 triệu đồng nâng cấp nhà văn hóa thôn; giáo dân thôn 1 Thanh Hưng (Hưng Trạch), Bố Trạch đóng góp 150 triệu đồng xây dựng cầu bê tông.
Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống mọi mặt được nâng lên, đồng bào Công giáo tại nhiều giáo họ, giáo xứ đã đoàn kết, đồng sức, đồng lòng cùng với người dân trong tỉnh chung tay đóng góp xây dựng quê hương phát triển nhanh về bền vững.