Tin tức - Hoạt động

Quảng Nam: Nhiều quyết sách phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật lúc 17:06 26/10/2022
Tỉnh Quảng Nam có hơn 80% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là vùng miền núi, đây là địa bàn cư trú từ lâu đời của các dân tộc thiểu số với hơn 25 tộc người định cư sinh sống.
 Theo số liệu điều tra 1/4/2019 thì tổng dân số: 1.495.812 người; trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số là 1.355.222 người (chiếm 90,6%), các dân tộc thiểu số khác có 140.590 người (chiếm 9,4%). Trong số các dân tộc thiểu số, 4 dân tộc định cư lâu đời có tổng số dân lên đến 132.060 người, chiếm 93,9% tổng số người dân tộc thiểu số toàn tỉnh, gồm: dân tộc Cơ Tu (55.091 người), Xơ Đăng (47.268 người), Gié - Triêng (23.222 người) và dân tộc Co (6.479 người). Phần lớn các dân tộc thiểu số sinh sống ở 9 huyện vùng trung du và miền núi phía Tây với hơn 136 nghìn người, chiếm 80,78% tổng số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, ở nhiều huyện tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 70% dân số, như: Tây Giang (91,4%), Nam Trà My (91,1%), Đông Giang (80,2%), Phước Sơn (72,1%).
Trong những năm qua, nhiều lĩnh vực ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu kém, khó khăn, đã, đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đồng bộ, bền vững kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, môi trường sinh thái vùng miền núi của tỉnh như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhất là địa hình hiểm trở, độ dốc lớn khó tổ chức sản xuất theo hướng tập trung để chuyển dịch cơ cấu theo hướng kinh tế hàng hoá và gây khó khăn trong đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, phúc lợi tuyến cơ sở xã, thôn; đặc biệt là đối với địa bàn các xã vùng cao, biên giới. Ở vùng cao phương thức sản xuất vẫn còn lạc hậu, chất lượng lao động thấp, đại bộ phận người dân còn sản xuất nương rẫy và trình độ dân trí thấp, khó chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nên năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, ngành nghề thấp, bấp bênh.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ đã đã giao cho Quảng Nam hơn hơn 1.300 tỷ đồng để phát triển 10 dự án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Đại biểu thảo luận chính sách đặc thù hỗ trợ, phát triển dân tộc thiểu số ở Quảng Nam.
Đại biểu thảo luận chính sách đặc thù hỗ trợ, phát triển dân tộc thiểu số ở Quảng Nam.
Các dự án trên, cùng với những chính sách của tỉnh, đến nay tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản ổn định, các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã triển khai thực hiện đảm bảo nội dung theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội và cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn 6 huyện nghèo của tỉnh còn rất cao, tỷ lệ 52.83%; tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra.Công tác giải phóng mặt bằng ở miền núi chưa đạt tiến độ đề ra. Tình hình nợ vốn đối ứng các chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn. Tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 chậm phê duyệt, chậm vốn giai đoạn 2021 – 2025. Để khắc phục những hạn chế này, được biết thời gian tới, các sở ngành và địa phương sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt các nội dung  thuộc Đề án Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 như: Thành lập Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia, tham mưu phân bổ vốn, xây dựng kế hoạch vốn năm 2023 …
Bên cạnh đó, để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, cấp ủy các cấp và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 15/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025 đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết đề ra. Trong đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có bước trưởng thành về mọi mặt; tinh thần, trách nhiệm, lề lối làm việc, kỹ năng lãnh đạo, xử lý tình huống được nâng lên; hầu hết cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia công tác trong hệ thống chính trị và được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng cao, công tác tuyển dụng được quan tâm; công tác quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số được chú trọng, đảm bảo yêu cầu về tỷ lệ và cơ cấu; công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển ngày càng đi vào nề nếp, góp phần tích cực trong việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số có chất lượng. Chính sách đối với cán bộ người dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo động lực để cán bộ người dân tộc thiểu số yên tâm công tác.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở 06 huyện miền núi cao của tỉnh và các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là mục tiêu chung cần hướng đến của Tỉnh uỷ Quảng Nam tại Nghị quyết số 21/NQ-TU ngày 10/02/2022 ; trong đó, đến năm 2025, phải duy trì tỷ lệ 9,43% cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy tỉnh; Trên 03% tổng số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ các chức danh giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành và tương đương; Phấn đấu đạt 30% trở lên công chức người dân tộc thiểu số công tác tại Ban Dân tộc tỉnh; Tại các huyện miền núi cao, phấn đấu 50% cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy cấp huyện; 50% cán bộ, công chức của huyện là người dân tộc thiểu số; Có từ 35% trở lên cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng người dân tộc thiểu số; Phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện người dân tộc thiểu số; Có 50% công chức người dân tộc thiểu số công tác tại phòng dân tộc cấp huyện… Đến năm 2030, Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy các cấp, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Cấp tỉnh: Từ 10% trở lên trên tổng số Tỉnh ủy viên. Cấp huyện: Từ 50% trở lên trên tổng số cấp ủy cấp huyện. Cấp xã: Duy trì tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy như nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia ban thường vụ cấp ủy các cấp, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Cấp tỉnh: Cơ cấu có cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Ngày 20/7/2022 Sở Nội vụ đã ban hành kế hoạch 447/KH-SNV để triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 10/02/2022 của BanThường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 đạt kết quả.
Bùi An
Thông tin khác:
Sắp diễn ra Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ (25/10/2022)
Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Quảng Bình lần thứ II (23/10/2022)
Mừng 105 năm Đức Mẹ Fatima (21/10/2022)
Chung tay vì người nghèo bằng sự sẻ chia và cảm thông sâu sắc nhất (21/10/2022)
Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu (20/10/2022)
Xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (20/10/2022)
Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thành phố Hải Phòng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027 (19/10/2022)
Đại hội Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII thành công tốt đẹp (19/10/2022)
Gia Lai: Công tác dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị (18/10/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log