Tin tức - Hoạt động

Rác thải thời Covid

Cập nhật lúc 15:23 05/06/2022
Nan giải bài toán rác thải sinh hoạt đô thị. Ảnh: CTV
Nan giải bài toán rác thải sinh hoạt đô thị. Ảnh: CTV
Hai năm qua dịch COVID-19 đã làm lượng rác thải y tế tăng nhanh. Đặc biệt là các vật dụng liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 như vỏ kit xét nghiệm, khẩu trang y tế, các vỏ dung dịch sát khuẩn, kim tiêm, ống truyền… Nhìn chung COVID-19 đã tạo ra một hệ thống rác thải nhựa từ các đồ dùng y tế khá nhiều dẫn đến áp lực trong thu gom và có thể gây ra bội nhiễm. Mặc dù cơ quan chức năng đã có hướng dẫn người dân phân loại rác thải y tế nhưng hầu như khi thu gom đều được tập kết chung với các rác thải sinh hoạt, tạo ra khó khăn cho xử lý rác. Tháng 3/2022, ở Hà Nội đạt tới đỉnh dịch, các F0 điều trị tại nhà rất nhiều nên lượng rác thải lẫn vào rác sinh hoạt được thải ra hầu như không kiểm soát hết. Do khối lượng rác thải phát sinh lớn trong dân nên đã gặp một số khó khăn như: Không đủ nhân lực đáp ứng việc thu gom rác thải nhỏ lẻ tại từng hộ gia đình có F0 điều trị tại nhà; công tác phân loại rác thải chưa được triệt để dẫn đến khối lượng rác phát sinh nhiều. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có 38 tỉnh, thành phố thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm tại các bệnh viện. Có 25 tỉnh thành chưa làm tốt công tác này. Như vậy dù chúng ta đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 và đỉnh dịch đã đi qua, nhưng những hệ quả về mặt môi trường còn khá nặng nề và lâu dài.

Tuy nhiên tình trạng rác thải thời COVID-19 không chỉ có liên quan đến thuốc và vật tư y tế. Nó còn bắt nguồn từ chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Khi mua sắm trực tuyến trở thành xu thế đáp ứng tiện tích an toàn, nhằm hạn chế tiếp xúc khi dịch bệnh thì đồng thời với nó là các dich vụ vận chuyển hàng lên ngôi, kèm với nó là đóng gói hàng hóa. Xu hướng gọi đồ ăn trực tuyến nở rộ trong giai đoạn dịch COVID-19 đang tạo ra một hệ lụy lớn là gia tăng chóng mặt lượng rác thải nhựa. Việc này có thể tạo ra sự tiện lợi trước mắt nhưng lại bỏ qua những nguy cơ lâu dài. Ước tính giai đoạn đỉnh dịch và giãn cách xã hội, đa số người dân sống ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sử dụng dịch vụ mua đồ ăn online giao đến tận nhà. Vật liệu dùng đóng gói đa phần vẫn là rác thải nhựa. Hiện nay tuy kinh tế xã hội đã hoạt động bình thường, nhưng những thói quen gọi đồ ăn chuyển tới nơi làm việc vẫn duy trì khá nhiều. Và mỗi hộp cơm văn phòng, hay ly café được chuyển đến công sở lại kèm theo đó một túi rác thải.

Không chỉ có dịch vụ chuyển đồ ăn nhanh và việc ship cơm hộp tới văn phòng cho dân công sở mới tạo ra rác thải. Thời COVID-19 các siêu thị cung ứng cả dịch vụ mua online và chuyển hàng tới từng gia đình. Vậy là kèm với các túi hàng từ các siêu thị hay cửa hàng tiện ích, người ta cũng mang theo cả rác về nhà. Sau đỉnh dịch, thói quen đi chợ online vẫn được ưa chuộng hơn, nên từ thôn quê đến thành thị chỉ cần vào thao tác chuyển tiền qua điện thoại đến cửa hàng thực phẩm là người tá sẽ gửi rau củ thịt cá cấp đông chuyển tận nhà. Đáng lo ngại là mỗi lần nhận hàng là một lần thải ra một lượng rác không hề nhỏ. Tất nhiên hiện nay một số siêu thị cũng đã hướng người dân đến mua hàng hạn chế tiêu dùng rác thải nhựa qua việc sử dụng một loại túi mua sắm nhiều lần. Việc này tốt nhưng vẫn chưa thể thay đổi ngay thói quen phổ biến sử dụng túi nilon trong dân vốn rất tiện ích. Chỉ đáng tiếc, cái giá phải trả cho sự tiện lợi này đã là quá lớn về mặt môi sinh
Hạnh Nguyên
Thông tin khác:
Đoàn kết rộng rãi, động viên giáo dân phát huy truyền thống "Tốt đời, đẹp đạo" (04/06/2022)
HỘI THẢO TIỀN CÔNG NGHỊ VỀ TRUYỀN THÔNG: “Lắng nghe bằng trái tim” (03/06/2022)
Công đoàn Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hưởng ứng ngày môi trường thế giới (03/06/2022)
Ý cầu nguyện của ĐTC trong tháng 6: Cầu cho các gia đình (03/06/2022)
Đức Thánh Cha công bố 21 Tân Hồng Y (02/06/2022)
Lắng nghe (01/06/2022)
Diễn đàn Kinh tế Thế giới khai mạc: trọng tâm hỗ trợ Ucraina (01/06/2022)
Nhiều mô hình hay về tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường (29/05/2022)
Khảo sát cơ chế hỗ trợ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Đoàn kết Công giáo tại một số địa phương (28/05/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log