Mùa đông đến, nếu du khách thích thú với tuyết rơi trắng đất trời, nước đóng băng trong suốt như pha lê. Chịu đựng được giá rét nhưng bắp cải, su hào và các loại rau chỉ cần hứng băng tuyết ba bốn ngày là dập nát. Dù tấm da dầy nhưng không giữ ấm được cơ thể nên đàn trâu đàn ngựa nằm lăn ra chết. Sang mùa mưa những con suối trong xanh hiền lành bỗng biến thành những con rồng nước khổng lồ, cuốn phăng những gì trên đường nó đi.
Thời tiết khắc nghiệt đã đành nhưng con đường làm ăn còn phải chịu lên thác xuống ghềnh bởi nhiều lẽ khác. Nhớ khi xóa bỏ chế độ bao cấp thì sóng gió cơ chế thị trường tràn ngập khắp nương ruộng Sa Pa. Hạt su hào, dược liệu bản địa nhường hẳn lãnh địa cho các loại cây trồng khác có giá cao hơn. Hội Nông dân Sa Pa như ngồi trên đống lửa với bao trăn trở: Làm thế nào để tuyên truyền vận động nông dân không bị ma đói ma nghèo dắt đi di cư…
Một vườn dâu tây công nghệ cao. |
Dưới sự tuyên truyền vận động của Hội Nông dân các cấp, nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phong trào thi đua ‘‘Nông dân sản xuất giỏi’’là luồng gió chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Cải mèo, cải soong, su su …bản địa ngày càng làm rạng danh vùng rau ôn đới. Bắp cải giống mới cuộn chặt nặng gấp đôi giống cũ. Giống cải củ nước ngoài nhập về vừa to, vừa ngon lại bắt mắt bởi màu đỏ tươi. Năm nay Sa Pa trồng tới 1.700 héc ta rau các loại, thu chừng 32.000 tấn. Cây ăn quả nhập về được đất trời Sa Pa ưu ái và người Sa Pa chăm sóc chu đáo nên chất lượng không thua nơi bản xứ. Cam, quýt, bưởi, ở miền xuôi lên sinh sống ở Nậm Sài mỗi năm lại xòe thêm tán, phủ xanh đồi trọc, chắt lọc vị đất hương trời vùng cao thành vị ngọt mọng. Khí hậu Sa Pa mời dâu Tây từ các nước về khoe giá tiền có khi tới 250 nghìn đồng một cân, làm quà tiễn viễn khách và còn lên tàu viễn dương xuất ngoại.
Người dùng rau quả đòi hỏi tiêu chuẩn hàng đầu là chữ SẠCH. Hội nông dân các cấp ở Sa Pa đã vận động hội viên ứng dụng quy trình sản xuất thực hiện nghiêm ngặt sạch từ đất trồng, phân bón hữu cơ, nước tưới, thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh… Ngoài các tiêu chuẩn sạch như trồng đại trà, người có nhiều tiền vốn trồng rau, hoa quả nông nghệ cao phải làm nhà lưới, nhà màng, vòm che vây kín xung quanh. Với số vốn đầu tư cho mỗi héc ta lên tới chục tỷ đồng, vì vậy gía thành rau quả ở những nhà vườn đó cao gấp ba bốn lần ngoài chợ thì không có gì là đắt.
Chăm sóc hoa đào chuẩn bị bán tết. |
Tưởng chừng bị xóa tên khi bước vào cơ chế thị trường nhưng cây dược liệu Sa Pa vẫn phát huy được thế mạnh truyền thống. Atisô, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu v.v… về bổ sung vào đội hình cây dược liệu đều tỏ ra thế mạnh của cây tiền. Đến nay Sa Pa có chừng 220 héc ta dược liệu khác nhau, hàng năm đưa ra thị trường chừng 2.000 tấn.
Phát huy thế mạnh của hoa xứ lạnh, Hội Nông dân các cấp vận động hội viên thay các cây trồng kém hiệu quả sang trồng hoa Tết. Cây địa lan phải chăm sóc vất vả ba năm liền. Bù lại công sức cho người trồng, một nhành hoa lan kiếm hồng hoàng mang 40 bông được khách đặt giá tới 400 nghìn đồng. Hơn 100 gia đình ở Sa Pa trồng chuyên canh đào, mai các loại, có nhà trồng trên dưới 3 héc ta. Các loài hoa xuân năm nào cũng chạy hàng, có khi trước Tết chừng một tháng, vườn hoa đã hết sạch. Mùa nào hoa ấy, gần 200 héc ta trồng hoa cắt cành, cho ô tô chạy máy lạnh chở hoa hồng, hoa ly, hoa phăng…vẫy chào Sa Pa về các thị thành và ‘‘xuất cảnh’’ sang nhiều nước trên thế giới.
Sức sống mới của nông dân Sa Pa đang ngày đêm gọi đất nở hoa tiền trên lưng trời vì năm 2023, mỗi héc ta đất nông nghiệp trả về túi người nông dân 135 triệu đồng. Thị xã Sa Pa đứng đầu toàn tỉnh khi có tới 37 sản phẩm OCOP. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, nông dân Sa Pa còn góp phần quan trọng giúp ngành du lịch vươn lên ngang tầm quốc tế.