Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc, có gần 90% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Để tạo thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học, Hà Giang đã thực hiện nhiều chính sách phát triển giáo dục.
Theo thống kê, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Hà Giang có 113 sinh viên người DTTS được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên cả nước.
Trong đó, sinh viên sư phạm đang hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 116 là 99 sinh viên; sinh viên cử tuyển là 14 sinh viên. Năm 2023, Sở GD&ĐT đã trình UBND tỉnh số lượng sinh viên cử tuyển của năm 2023 - 2024 là 87 sinh viên. Việc lựa chọn ngành nghề của học sinh, sinh viên DTTS những năm gần đây đã từng bước đi đúng hướng và phù hợp với nhu cầu của xã hội. Giờ học của các em học sinh Trường phổ thông trung học Nội trú THCS & THPT Bắc Mê |
Trong hai năm 2021 và 2022, 8 trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở (PTDTNT THCS) của 8 huyện: Quang Bình, Đồng Văn, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Vị Xuyên và Mèo Vạc đã được nâng cấp thành trường PTDTNT THCS và Trung học Phổ thông (THPT). Đến nay, cả 11/11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang đều đã có trường PTDTNT THCS và THPT. Học tập tại các ngôi trường này, học sinh người DTTS được hưởng đầy đủ các chế độ quy định như miễn học phí, chế độ tiền ăn, cấp sách vở...
Việc đầu tư nâng cấp các trường PTDT nội trú THCS thành trường PTDT Nội trú THCS&THPT là bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Hà Giang. Qua đó, đã “khép kín” quá trình giáo dục từ hệ THCS đến hệ THPT, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh người DTTS học tập. Trước khi trường được nâng cấp, học sinh phải lên thành phố Hà Giang xa nhà hàng chục cây, thậm chí cả trăm cây số số để học tập hoặc học trường THPT bình thường, nhưng các chế độ, tiêu chuẩn dành cho học sinh người DTTS không còn nữa. Từ khi những ngôi trường dành cho đồng bào DTTS được nâng cấp, các em học sinh những vùng này rất vui vì đã có thể theo học bậc THPT ngay tại huyện nhà.
Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện vùng cao, vùng sâu triển khai thực hiện và đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đối với đồng bào DTTS. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất nâng cao chất lượng học tập; tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên DTTS được cắp sách đến trường. Đến nay, mạng lưới trường học đã được phủ kín và ngày càng kiên cố, tỷ lệ học sinh vùng DTTS ra lớp tăng hàng năm, tỷ lệ lưu ban, bỏ học giảm, chất lượng học tập có nhiều tiến bộ.
Theo lãnh đạo Sở Giaó dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát mở rộng các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện nghèo; tổ chức liên thông THCS, THPT tại trường dân tộc nội trú cấp huyện thành trường phổ thông dân tộc thiểu số THCS&THPT các huyện; Tiếp tục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh các dân tộc của các huyện tốt nghiệp ở trường THCS, nhất là ở trường PTDT Nội trú THCS trên địa bàn các huyện có thêm cơ hội học tập nâng cao trình độ học vấn ở cấp THPT, góp phần đào tạo nguồn đào tạo cán bộ tại chỗ cho các huyện, đồng thời được định hướng nghề nghiệp ngay khi các em ngồi trên ghế nhà trường thông qua các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp từ đó các em có điều kiện tiếp cận với các nghề nghiệp trong tương lai.../ TH
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com