Triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tổng vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Sơn La là hơn 8.713 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm triển khai, đã giải ngân được 417 tỷ đồng, từng bước giải quyết tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 179 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ dân tộc thiểu số còn du canh, du cư tại 17 điểm định canh định cư tập trung cho khoảng 956 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 8 huyện. Đào tạo nghề, tạo việc làm cho 7.030 người.
Nhà văn hóa bản Huổi Làn, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh; Quàng Hưởng |
Nhiều huyện đã kết hợp có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng hạ tầng thiết yếu, phát triển kinh tế- xã hội như: Huyện Yên Châu có 14 xã, 1 thị trấn, trong đó có 7 xã khu vực III, 91 bản khó khăn.Từ nguồn vốn Chương trình 135 và lồng ghép với các chương trình khác, huyện Yên Châu đã hỗ trợ hơn 60 tỷ đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi, đường giao thông, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, lớp học... vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Mai Sơn có 22 xã, thị trấn; trong đó có 10 xã khu vực III, 1 xã thuộc khu vực II, 10 xã thuộc khu vực I, với 123 bản đặc biệt khó khăn. Ngoài nguồn vốn từ Qúy hỗ trợ nông dân, để các chính sách dân tộc được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã rà soát, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện từng địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện được đầu tư trên 18 tỷ đồng từ Chương trình 135 để hỗ trợ xây dựng mới 16 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nhà văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt; sửa chữa 15 công trình giao thông và nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả trên đất dốc, từng bước nâng độ che phủ của rừng và chống xói mòn. Hàng năm, huyện Mai Sơn hỗ trợ cho HTX và các hộ dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và nuôi bò sinh sản. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; thực hiện chiết, ghép giống cây ăn quả chất lượng cao vào cải tạo chất lượng giống cây trồng. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 74% đường giao thông từ xã đến bản được cứng hóa; 100% số xã, thị trấn có trạm y tế; 98,7% số hộ dân được sử dụng điện lưới, trên 97% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,3%/năm.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh đã hỗ trợ trên 50 tỷ đồng thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư, phát triển vùng dược liệu quý tại huyện Vân Hồ; đầu tư 5 công trình đường giao thông liên xã chưa được cứng hóa; 8 công trình chợ; duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng các xã, bản đặc biệt khó khăn, đạt 63,79% kế hoạch giao. Đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế cho các hộ dân tộc La Ha của các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La.
Sơn La phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020; có ít nhất một huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn nông thôn mới; 85% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 99% số hộ được sử dụng điện lưới an toàn; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trường học xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh cho học sinh ở các cấp học; 100% đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe…