Tin tức - Hoạt động

Sứ vụ mục tử đáng nhớ của Giáo hội Công giáo Việt Nam

Cập nhật lúc 12:01 30/01/2020
Là người Công giáo Việt Nam, chúng ta nhớ đến sứ vụ mục tử trong lịch sử Giáo hội Việt Nam: Đức Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám mục tiên khởi của Việt Nam, người Sài Gòn được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Phát Diệm và Đức Giám mục Giuse Nguyễn Năng, người Phát Diệm được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh.
1. Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám mục tiên khởi của Việt Nam làm Giám mục giáo phận Phát Diệm (1933-1949)

Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng sinh tại Gò Công (Tiền Giang) năm 1868.

Ngài là một linh mục tài ba lỗi lạc, có tài hùng biện, danh tiếng vang xa, cho nên nhiều lần được mời đi giảng tĩnh tâm cho các linh mục cũng như cho giáo dân tận miền Trung và miền Bắc, như tại Qui Nhơn (1928), Hà Nội và Phát Diệm (1930)…Những bài giảng tĩnh tâm của ngài tại Phát Diệm năm 1930 thu hút sự cảm phục của linh mục đoàn và giáo dân Phát Diệm. Ngoài tài giảng thuyết, cha Nguyễn Bá Tòng còn giỏi giao thiệp, kiến trúc và cả viết kịch bản nữa. Vở kịch “Thương Khó Chúa” của ngài nổi tiếng khắp nơi thời ấy. Chính cha sở Nguyễn Bá Tòng đã tân tạo nhà thờ Tân Định tráng lệ, danh tiếng, với tháp chuông cao 52m như  chúng ta thấy ngày nay.

 Vào thời điểm ấy, cha Baotixita Nguyễn Bá Tòng nổi tiếng là một linh mục kiệt xuất, cho nên khi Đức Thánh Cha Piô XI quyết định bổ nhiệm vị Giám mục người Việt Nam đầu tiên thì cha Tòng đã được chọn. Sắc chỉ bổ nhiệm do Thánh Bộ Truyền giáo ban bố ngày 10/01/1933. Đức tân Giám mục chọn khẩu hiệu: “Hãy châm rễ sâu trong dân Ta chọn”.

Tin một linh mục Việt Nam đầu tiên được tấn phong Giám mục gây chú ý trong dư luận thời bấy giờ. Riêng đối với hai giáo phận Sài Gòn và Phát Diệm thì hết sức vui mừng, nao nức; đồng thời, tăng thêm lời cầu nguyện cho sứ vụ mục tử của Đức tân Giám mục.

Ngày 11/6/1933, Đức Thánh Cha Piô XI tấn phong giám mục cho Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng. Buổi lễ diễn ra long trọng tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô.

Sau lễ phong chức, Đức cha Tòng trở lại nước Pháp. Trên đường tới thủ đô nước Pháp, ngài ghé thăm Lyon.Tới Paris, Đức cha Boucher thay mặt Đức Hồng y Verdier ra chào đón đức tân Giám mục Việt Nam. Báo chí thủ đô nước Pháp và các bích chương dán khắp nơi bày tỏ thiện cảm và giới thiệu tiểu sử vị giám mục Việt Nam tiên khởi. Ngày 02/7/1933, Đức Hồng y Verdier, Tổng Giám mục Paris, đã mời Đức cha Tòng đến giảng và chủ sự buổi chầu Thánh Thể tại Vương cung thánh đường Notre Dame de Paris. Tài hùng biện và khả năng tiếng Pháp lưu loát của Đức cha Tòng chinh phục lòng cảm mến của mọi người, danh tiếng của vị Giám mục Việt Nam tiên khởi càng vang xa hơn. Chủ ý của Đức cha Tòng là lợi dụng dịp đi nước Pháp, để tỏ lòng biết ơn các vị thừa sai, cho nên ngài đã đi thăm viếng nhiều nơi, nhiều giới chức tôn giáo còn sống cũng như đã qua đời, từng có liên quan tới công cuộc rao giảng Tin Mừng ở Việt Nam, đặc biệt là Hội Thừa sai Paris

Đức cha Gioan Baotixita nhận sứ vụ mục tử giáo phận Phát Diệm:

Ngày 10/11/1933, Đức cha đặt chân lên đất tỉnh Ninh Bình. Đức cha được các viên chức chính quyền địa phương nghênh đón, còn chủng sinh Chủng viện Phúc Nhạc và giáo dân các xứ đạo đổ về đứng hai bên đường hân hoan chào mừng Đức Giám mục phó của giáo phận. Đức cha chính Alexandre Marcou (Thành) cũng ra đón vị Giám mục phó của mình. Ngày 20/10/1935, Đức cha chính Alexandre Marcou (Thành) đã từ chức và xin hưu trí tại Thanh Hoá. Từ nay, chính thức khởi đầu sứ vụ Giám mục của Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng tại giáo phận Phát Diệm.

Trong 7 năm chính thức gánh trách nhiệm Giám mục Phát Diệm, Đức cha đã hoàn thành tốt đẹp sứ vụ chủ chăn, xứng đáng với ơn gọi của Thiên Chúa. 

Xây dựng thêm cơ sở:  Đức cha Tòng đã cho xây dựng nhiều cơ sở tôn giáo, đặc biệt  đã cho làm công trình to lớn nhất, có thể nói là ích quốc lợi dân, của Đức cha Tòng phải kể là đê Kim Tùng (người Nam gọi là Kim Tòng). Vùng bờ biển huyện Kim Sơn phía Nam của tỉnh Ninh Bình được phù sa bồi đắp thêm 100 mét mỗi năm. Con đê chạy dọc sông n giữa thị trấn Phát Diệm do Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đắp để ngăn mặn vào năm 1829. Khoảng 100 năm sau là thời Đức cha Tòng, biển đã lùi xa, Đức cha đã khởi xướng đắp con đê mới cách thị trấn Phát Diệm khoảng 15 km để ngăn mặn cho hàng chục ngàn mẫu ruộng mới, lôi kéo dân nghèo khắp nơi quy về lập làng mạc cầy cấy. Dân chúng mang ơn Đức cha Tòng, cho nên đã đặt tên con đê mới là đê Sê Kim Tùng (còn gọi là đê Cồn Thoi vì chạy ngang qua giáo xứ Cồn Thoi).

Vì độc lập và hoà bình cho quê hương Việt Nam: chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt năm 1945, nhưng Việt Nam chưa thật sự có độc lập và vẫn còn bị nghèo đói và chiến tranh hoành hành. Không thể khoanh tay đứng nhìn, ngày 23/9/1945, đại diện cho các giám mục người Việt Nam lúc ấy là các Đức cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn, Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục và Tađêô Lê Hữu Từ, Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng đã ký tên vào bức điện văn gửi cho Tòa Thánh và cho 2 cường quốc Anh, Hoa Kì. Xin trích vài đoạn bức điện văn: “Chúng tôi là 4 Giám mục Việt Nam ở Bùi Chu, Vĩnh Long và Phát Diệm hạ tuần tháng trước đây đã gửi một điện văn yêu cầu Đức Giáo Tông, triều đình Lamã, các Hồng y, Tổng Giám mục và hết các giáo sĩ cùng giáo dân toàn cầu, ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam chúng tôi… Hỡi hai dân hào hiệp Anh – Mỹ, xin hãy can thiệp ngay để chúng tôi thoát nạn binh đao ghê gớm, hãy tỏ mối thịnh tình ủng hộ cho nền độc lập của chúng tôi: lòng quảng đại ấy đời đời chúng tôi sẽ ghi nhớ”. Ký tên: Nguyễn Bá Tòng, Giám mục Việt Nam tiên khởi.

 An nghỉ trong Chúa: Khi nhận sứ vụ ở Phát Diệm, Đức cha đã 66 tuổi. Sau hơn 7 năm cai quản giáo phận, khi có Giám mục phó là Đức cha Gioan Phan Đình Phùng (ngày 03/12/1940), Đức cha già Tòng xin nghỉ hưu. Nhưng Đức cha Phùng qua đời đột ngột, sau 3 năm rưỡi làm Giám mục. Toà Thánh phải mời Đức cha Tòng trở về lãnh chức giám quản. Mãi đến ngày 25/10/1945, Đức cha Tađêô Lê Hữu Từ được phong Giám mục Phát Diệm thì ngài lại đi về hưu dưỡng.

Cuối tháng 6/1949, cảm thấy sức cùng lực kiệt, Đức cha già Tòng quyết định trở về Phát Diệm với lời tâm tình hết sức cảm động: “Hôm nay tuổi già sức yếu, tôi ý thức mình không sống được bao lâu nữa. Tôi sợ phải chết xa anh em, do đó thu xếp về đây, để hi vọng được chết giữa anh em. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi được dọn mình chết lành. Tôi xin ‘sống gửi nạc, thác gửi xương’ ở Phát Diệm này”. Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng an nghỉ trong Chúa ngày 11/7/1949. Ngài đã “chạy hết chặng đường”, Và ngài đã “sống gửi nạc, thác gửi xương” tại Phát Diệm.

2. Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Phát Diệm được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh

Đức tân Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng sinh ngày 24/11/1953 tại Phúc Nhạc, Yên Khánh, Ninh Bình (giáo phận Phát Diệm).

Ngài vào Tiểu Chủng viện thánh Giuse Saigon tu tập từ năm 1962, với dáng vẻ đẹp trai, hiền hậu, nhưng ưu điểm có thể tóm tắt trong 3 chữ T, đó là sự Thánh thiện, Thông minh và Thân thiện. Ngài sống thánh thiện một cách âm thầm, kín đáo và khiêm tốn. Ngài có nụ cười thân thiện và có một giọng nói ngọt ngào, dễ mến..

Khi còn học ở Tiểu chủng viện Saigon, ngài luôn thuộc top 5 chủng sinh xuất sắc trong lớp. Sau này, khi lên Đại chủng viện, ngài có 7 năm học tại Giáo hoàng Học viện thánh Piô X Đalat (1970-1977). Sau đó, năm 1998 ngài lại được cử sang Rôma tu học và đã tốt nghiệp tiến sĩ Thần học Tín lý. Từ năm 2003 đến 2009, ngài đảm nhiệm các chức vụ đặc trách Chủng sinh giáo phận Xuân Lộc, rồi Giám đốc Đại chủng viện thánh Giuse Xuân Lộc. Ngày 25/7/2009, ngài được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa giáo phận Phát Diệm.Trong 10 năm Giám mục giáo phận Phát Diệm, có thể nói, ngài là vị Giám mục tài đức vẹn toàn. Trong bài diễn từ trong thánh lễ nhậm chức Tổng Giám mục, ngài nói là mọi người phải quan tâm sứ vụ Phúc âm hóa từ chính bản thân mình trước rồi mới lo việc Phúc âm hóa người khác được. Một con người đầy lòng yêu mến, sự trung tín và vâng phục Hội Thánh. Là tấm gương tông đồ nhiệt thành, khiêm tốn và thánh thiện cho tất cả chúng ta.

Do đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chọn Đức cha Giuse cho Tổng giáo phận. Trong Tông sắc bổ nhiệm Tổng Giám mục Sài Gòn, Đức Thánh Cha Phanxicô thấy Đức cha Giuse xứng hợp để chăm sóc cộng đoàn Giáo hội này. Vì khi thi hành tác vụ tông đồ tại giáo phận Phát Diệm, Hiền đệ đã gặt hái những thành quả tốt đẹp cũng như được nhiều người yêu quí. Do đó sau khi lắng nghe ý kiến của Thánh bộ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Ta lấy quyền Tòa tối cao bổ nhiệm Hiền đệ làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh với mọi quyền lợi và nghĩa vụ theo như giáo luật qui định. Ta truyền phải thông tin cho hàng giáo sĩ và giáo dân của Tổng giáo phận biết sự bổ nhiệm của tông sắc này và ta khuyến khích họ đón Hiền đệ như một người cha cần được yêu mến và như một người thầy cần được lắng nghe. 

Nói Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng là người Phát Diệm, nhưng sự thực mà nói, từ năm 1962, ngài đã bắt đầu nghe tiếng Chúa gọi để vào tu tập tại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn. Cho nên cái nôi của ơn gọi là ở đây này, ngài ở Sài Gòn này, rồi từ thành phố này người đã ra đi, đi Xuân Lộc, đi ra Phát Diêm rồi bây giờ người về lại Sài Gòn. Cho nên khi nghe nói Đức Tổng mới của Sài Gòn từ Bắc vô Nam nghe sao có vẻ xa xôi quá, hóa ra một cõi đi về thôi. Nếu ngài có đi ra Phát Diệm là Sài Gòn cho mượn thôi, bây giờ người ta cần người ta đòi lại thì Phát Diệm chịu khó trả lại cho người ta, đừng có buồn. Cuộc đời của ngài những chuyến đi ngược xuôi như vậy, từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam, tất cả chuyến đi ngược xuôi đó hình thành một tiếng gọi ; Hãy theo Thầy. Tiếng gọi của tình yêu. Và tình yêu của Chúa Giêsu lả tình yêu phục vụ, là tình yêu hiệp thông mọi người trong một đàn chiên.

Thánh lễ nhậm chức của Đức Tổng Giám mục Giuse đã được cử hành vào những ngày đầu của năm phụng vụ mới và ngay sau ngày lể Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng là bổn mạng của nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn. Một giai đoạn mới đã bắt đầu, một tương lai mới đang mở ra trước mắt chúng ta
LẠI VĂN MIỄN
Thông tin khác:
Khai mạc năm thánh mừng kỷ niệm 170 năm thành lập (1850-2020) tôn vinh Mẹ Lavang là bổn mạng của giáo phận (30/01/2020)
Nhớ Tết quê nhà (30/01/2020)
Ngày lễ Minh Niên mừng tuổi Chúa (30/01/2020)
Tổng quan về quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và các quốc gia (30/01/2020)
Hướng tới việc cử hành lần đầu tiên Chúa nhật Lời Chúa: Kinh thánh là cuộc sống (20/01/2020)
Đức Thánh Cha khuyến khích các ngư dân giáo phận Benedetto di Trento gìn giữ các giá trị quý giá trong đời sống (20/01/2020)
Đức Thánh Cha tiếp Học viện Giáo hoàng Etiopia nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập (15/01/2020)
ĐTC: Rửa tội cho trẻ em là một hành vi của đức công chính (15/01/2020)
Đại hội giáo dục Công giáo liên Mỹ châu lần thứ XXVI (13/01/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log