Tin tức - Hoạt động

Tết với người Công giáo Việt Nam

Cập nhật lúc 06:26 27/01/2022
Tết Nguyên đán là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây; có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên-Địa-Nhân. Là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc.
Tết với người Công giáo Việt Nam là một ngày lễ lớn. Dù không phải là Lễ Trọng (buộc) của Hội Thánh, nhưng trong tinh thần hội nhập văn hóa hòa nhập với Giáo hội địa phương nên Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng được Tòa Thánh cho phép soạn nghi thức lễ, ý lễ riêng cho 3 ngày Tết: Ngày mồng một, cầu bình an; ngày mồng hai, kính nhớ tổ tiên; ngày mồng ba, thánh hóa công ăn việc làm.

Tại các nhà thờ, bàn thờ, cung thánh được trang hoàng đẹp, có nơi treo các câu Lời Chúa hay ý nguyện ngày xuân hai bên nhà chầu Thánh Thể, nói lên niềm vui tạ ơn, cầu xin cho một năm mới bình an trong ân sủng như: Phụng tôn Chúa toàn tâm trí lực/ Hiếu kính tổ trọn nghĩa ân tình. Trưng bày các chậu hoa mai, cúc, đào... muôn màu muôn sắc xum xuê, khoe tươi để đón chào xuân mới, cũng là để tôn vinh Thiên Chúa là Chúa của mùa xuân. Có nơi đặt thêm bàn thờ gia tiên với tấm phông màu đỏ hoặc trắng, phía trên treo Thánh giá, chính giữa ghi chữ hiếu hay kính nhớ tổ tiên. Trên bàn phía trước đặt bộ lư hương, cặp nến lớn cùng bình hoa tươi để bày tỏ lòng kính nhớ tiên tổ theo truyền thống dân tộc Việt Nam. Các chương trình chuẩn bị cho ngày 3 ngày Tết với các nghi thức được thông báo sớm cho công đoàn giáo xứ để người người thu xếp công việc nhà, tham gia các sinh hoạt giáo xứ những ngày cuối năm như lễ giao thừa, mừng tuổi đầu năm, lễ chúc thọ, lễ dâng công việc làm ăn...

Sau Công đồng Vatican II, nhiều phong tục ăn Tết của người Việt Nam Công giáo được Phúc Âm hóa, hay gọi tắt là thánh hóa các ngày lễ hội của dân tộc. Tết đối với người Công giáo là dịp để mỗi người tạ ơn Chúa, là dịp đểnghĩ đến người khác. Mọi người sửa sang nhà cửa, quét dọn ngõ phố, trang trí cây cảnh, dọn bàn thờ... trước hết là để tạ ơn, để làm vui lòng Chúa vì qua một năm vất vả. Đây là dịp cả gia đình, họ hàng quây quần sum họp bên Chúa, bên nhau. Tết cũng là dịp con cháu bày tỏ lòng kính nhớ các tiên nhân đã khuất, vì công lao các ngài tạo dựng, xây đắp cho con cháu có ngày nay. Và cũng chính là lúc để nghĩ đến những người thân cận, những người sống quanh ta mỗi ngày. Làm đẹp nhà cửa còn là tạo niềm vui gửi đến bạn bè. Mời nhau miếng bánh, miếng mứt là bày tỏ sự trân trọng, quý mến nhau. Uống với nhau chén trà, ly rượu đầu xuân là mong cho nhau những điều may mắn phúc lộc, chứ đâu phải là ăn no nê, vì Tết nhà nào mà chẳng có bánh trái, thịt thà.

Người Công giáo hiện nay cũng sắm Tết đầy đủ. Do cuộc sống sung túc hơn, nhưng cũng không vì thế mà khoa trương, lãng phí. Ngày 23 tháng Chạp dân gian có thói quen gọi là ngày đưa ông Táo, nhiều gia đình cũng thích tục lệ này, chiều đến làm bữa cơm đặc biệt hơn mọi ngày, cả nhà sum họp để hòa chung với niềm vui của đồng bào mình trong tinh thần “ Giáo lương hòa hợp”. Hôm ấy cũng là ngày bắt đầu cho việc đón Tết. Những ngày sau đó từng nhà dọn đồ đạc bộn bề, trang trí bàn thờ, lau chùi ảnh tượng, bàn bạc cùng nhau đi viếng mộ ông bà, đi Tết những bậc cha bác trong dòng tộc.

Những ngày cuối năm này, phần lớn gia đình nào cũng xin lễ tạ ơn, cầu nguyện cho các linh hồn tiên tổ, cầu bình an cho năm mới. Những nơi còn nghĩa trang hầu như con cháu đều giữ tục lệ đi “tảo mộ”, thắp hương, trưng hoa kiểng trước phần mộ và đọc kinh cầu nguyện cho các tiên nhân. Nếu người thân đã được gửi linh cốt tại nhà chờ Phục sinh các giáo xứ để con cháu vào kính viếng. Ba ngày Tết, nơi này luôn mở rộng cửa đón tín hữu đến cầu nguyện, xin các ngài cầu cùng Chúa phù hộ độ trì. Nhiều người có suy nghĩ là vào kính viếng và còn là mời các bậc tổ tiên cùng về chung niềm vui xuân, ăn Tết với con cháu. Chiều 30 Tết, mọi gia đình cũng vẫn giữ lệ tổ chức cơm tất niên và sau đó cùng đi lễ giao thừa. Thường các giáo xứ tổ chức lễ khoảng 21-22 giờ để giáo dân đi lễ, tạ ơn, chúc tụng Chúa, chúc xuân cha xứ, cộng đoàn. Đăc biệt thập niên gần đây, hầu hết các giáo xứ đều cho giáo dân nhận “Lộc Thánh”. Đó là những câu trích Lời Chúa trong Thánh Kinh, làm định hướng cho cả một năm. Có những “Ngân hàng Lời Chúa” trên các trang mạng Công giáo. Các cha xứ thường chọn ra một số Lời Chúa dạy, làm chỉ nam cho từng gia đình hay từng cá nhân. Ví dụ: “Anh em đong cho ai đấu nào thì Cha trên trời cũng đong cho anh em đấu ấy”- “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” - “ Hễ Người bảo gì thì hãy làm theo”- “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ”- “Cho thì có phúc hơn là nhận”...

Sau thánh lễ giao thừa tại nhà thờ, mọi người chia tay về đón giao thừa theo truyền thống dân tộc tại nhà, hẹn sáng mồng một đi lễ đầu năm, chúc tuổi cha xứ, chúc tuổi lẫn nhau. 

Giao thừa với người Công giáo là giây phút thiêng liêng, cha mẹ, con cái ăn mặc đẹp tập họp trước bàn thờ Chúa, trước di ảnh các bậc tổ tiên, đèn nến thắp sáng. Đúng 0 giờ (12 giờ đêm), quây quần trước bàn thờ Chúa theo chương trình đề nghị sau:

- Gia trưởng thắp nến, dâng hương trước tòa Chúa.

- Hát kinh Chúa Thánh Thần, kinh Tin, Cậy, Mến

- Một người đọc một đoạn Phúc Âm.

- Thinh lặng ít phút.

- Một người hướng dẫn suy niệm. (5 phút)

- Từng người thầm thì hay dâng lời nguyện tự phát, xin Chúa chúc lành cho một năm mới và dâng những lời nguyện ước chung cho gia đình (5 phút)

- Hát ca tạ ơn: Xin dâng lời cảm tạ. Thời gian cầu nguyện này diễn ra khoảng 15-20 phút. Sau đó tùy gia đình ăn nhẹ rồi xin Chúa chúc lành nghỉ đêm để sáng mai, mừng Tết mới.

Những ngày Tết hòa chung niềm vui của cả dân tộc, người Công giáo đến thăm nhau, mừng tuổi nhau với lời cầu chúc một năm mới an bình, hạnh phúc, luôn được Chúa ở cùng. Nhiều giáo xứ, các đoàn thể tổ chức đi chúc tuổi quí cha linh hướng, quí chức trong giáo xứ và anh chị em hội viên. Không ít người đi mừng tuổi các cha hưu dưỡng tại nhà hưu, đi thăm các tu sĩ đang phục vụ cộng đoàn.

Cũng có nhiều nhóm tổ chức đi hành hương minh niên tại Bãi Dâu, Tà Pao, La Mã (Bến Tre), Ba Giồng (Mỹ Tho), Trà Kiệu, La Vang... kết hợp du lịch nghỉ ngơi.

Tết với người Việt Nam chúng ta có lẽ không bao giờ mất. Tết với người Công giáo còn mang ý nghĩa sâu xa hơn, vì Tết là tận hưởng niềm vui Chúa ban, Chúa là mùa xuân của nhân loại mà!
 
Fx Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
“Không bao giờ nghĩ Chúa sẽ chọn mình vào chức vụ này” (26/01/2022)
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thăm, chúc mừng tại giáo phận Thanh Hóa (26/01/2022)
"Xuân nhân ái - Tết sẻ chia" đến với người nghèo huyện Thường Tín (25/01/2022)
Tp Hồ Chí Minh: Đưa hơn 1.000 sinh viên khó khăn về quê đón Tết (25/01/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự chương trình "Tết sum vầy, xuân bình an" với công nhân tỉnh Bình Dương (24/01/2022)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đón người dân về quê an toàn, chăm lo để mọi người đều có Tết (24/01/2022)
Những người 'âm thầm' bảo vệ trẻ bị bạo hành (23/01/2022)
Phát động chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, khẩn trương nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở (23/01/2022)
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trươnng Thị Mai làm việc và chúc Tết tại tỉnh Hòa Bình (22/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log