Tin tức - Hoạt động

Thăm lại miền Tây

Cập nhật lúc 13:14 08/01/2024
Nhân chuyến đi họp Trung ương Ủy ban ĐKCGVN tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tranh thủ đi thăm lại 6 tỉnh miền Tây. Dù đã đi đến miền đất này mấy bận, nhưng lần này, chúng tôi vẫn thấy nhiều điều mới lạ. 
Miền Tây, nơi giao thoa của 3 nền văn hóa Chăm Pa, văn hóa Khơ me và văn hóa Việt Nam.

Dự định ghé Tòa Giám mục Mỹ Tho thăm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Nhưng gọi điện, Ngài cho biết đang ra Vinh để giảng tĩnh tâm cho linh mục đoàn giáo phận. Vậy là xuống thuyền đi thăm cồn Thới Sơn thuộc thành phố Mỹ Tho. Đi dưới cầu Rạch Miễu - nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, người hướng dẫn viên tự hào khoe, cây cầu dây văng lớn nhất này hoàn toàn là Made in Viet Nam vì do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công. Xa xa chút nữa, cây cầu Rạch Miễu 2 cũng đang khẩn trương thi công dự kiến khánh thành dịp Giáng sinh 2023. Cồn Thái Sơn khá rộng với diện tích tới 1200 ha. Đây đúng là miệt vườn rất điển hình của xứ dừa. Tất nhiên, giờ dừa cũng ít đi, thay thế là những vườn bưởi kết hợp nuôi ong lấy mật. Vẫn còn những xưởng làm kẹo dừa truyền thống. Kẹo dừa ở đây mềm chứ không cứng như kẹo dừa nơi khác. Đi dọc cồn Thới Sơn còn có những khu lán biểu diễn đờn ca tài tử lúc nào cũng đông khách thưởng thức. Đến đây, du khách được lưu thông bằng đủ loại phương tiện từ đi thuyền ba lá luồn lách giữa các rặng dừa nước hay đi xe điện chạy quanh làng hoặc đi xe ngựa ra bến tàu. Bữa ăn trưa ở đây cũng rất ngon với đủ sản vật của xứ dừa. Nhưng chúng tôi rất ái ngại mức thu nhập của người lao động ở đây. Chở một chuyến xe ngựa 5 người, người và xe được trả 30 ngàn đồng cho quãng đường 3km. Chèo thuyền ba lá cho 4 khách du lịch được trả 15 ngàn. Mà có phải ngày nào cũng có khách. Chủ nhật được 4 chuyến, ngày thường chỉ được 1-2 chuyến. Anh lái đò buồn rầu nói, không có thu nhập nên hai đứa con mới 8-10 tuổi phải cho nghỉ học cả.
 
Văn hóa chợ nổi từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Cần Thơ trong đó chợ nổi Cái Răng được xem là chợ nổi lâu đời nhất của khu vực này.
Văn hóa chợ nổi từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Cần Thơ trong đó chợ nổi Cái Răng được xem là chợ nổi lâu đời nhất của khu vực này.

Tới Cần Thơ, ai cũng muốn đi chợ nổi Cái Răng. Có điều, chợ nổi giờ lưa thưa lắm. Trước đây, ở đồng bằng sông Cửu Long có tới 11 chợ nổi như Cái Bè (Tiền Giang), Ba Ngàn (Hậu Giang), Trà Ôn ( Vĩnh Long), Ngõ Năm (Sóc Trăng), Châu Đốc (An Giang)…- đặc sản vùng sông nước. Riêng Cần Thơ có 2 chợ là Cái Răng và Phong Điền. Nhưng bây giờ giao thông đường bộ phát triển, đi chợ rất nhanh. Đấy là chưa kể còn chợ online trên mạng. Vậy cho nên các chợ nổi đã kết thúc sứ mệnh. Thành phố Cần Thơ quyết tâm giữ chợ nổi Cái Răng, nhưng không biết giữ được đến bao giờ. Vì kinh tế thị trường, người đi thuyền chợ không sống nổi bằng đi chợ. Khách du lịch chỉ đi xem chứ ai mua hàng tạ, yến đâu? 
 
Cha FX. Trương Bửu Diệp, vị linh mục được xem như một vị thánh bởi sự linh thiêng.
Cha FX. Trương Bửu Diệp, vị linh mục được xem như một vị thánh bởi sự linh thiêng.

Đi qua Tòa Giám mục Cần Thơ, nhớ năm trước ghé thăm Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên- Giám mục giáo phận. Ngài tự tay đun nước pha trà mời chúng tôi uống nước. Ngài hỏi xin thuốc lá? Tôi hỏi lại: Con có thấy Đức cha hút thuốc bao giờ đâu? Ngài đáp, tôi không hút, làm sao các ông dám hút thuốc ở đây. Tôi nói, con thấy cơ sở Tòa Giám mục, nhà thờ chính tòa Cần Thơ không bằng cơ sở họ lẻ phía Bắc. Ngài hỏi: Tôi hỏi ông: Nhà thờ ngày mở cửa mấy tiếng? Ba tiếng. Vậy 21 tiếng là để chim sẻ ở, xây to để làm gì? Tôi chủ trương chỉ cần xây nhà thờ tồn tại 10-20 năm, thế hệ sau lo. Bây giờ kinh phí lo giúp người nghèo, truyền giáo… Ôi, tôi ước mong nơi nào cũng thấm nhuần tư tưởng của Đức cha Stêphanô. Để không có cảnh kẻ no gò kẻ khó. Thúc ép nhau đóng góp xây nhà thờ. Khổ lắm. 
Vào Tắc Sậy, viếng mộ cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Dù không phải ngày nghỉ hay giỗ cha nhưng Tắc Sậy chưa bao giờ vắng khách hành hương. Tôi gặp một chị ở Biên Hòa, không phải Công giáo. Chị nói, chị có đứa con trai lớn nghe người ta mời chào “việc nhẹ, lương cao” bị lừa sang Campuchia. Bị đánh đập, gọi điện về cầu cứu nộp tiền chuộc. Chị đâu có tiền, vào khấn cha Phanxicô Xaviê bữa trước xin chỉ dẫn. May thay, chính quyền ra tay giải cứu. Vừa xong đứa lớn, bây giờ lại đứa bé dính vào ma túy. Hết cách, lại vào xin cha chỉ lối đi. Anh hướng dẫn viên cũng nói, cháu không có đạo nhưng năm nào cũng tự đi Tắc Sậy khấn xin vài lần và thấy an lòng, hiệu nghiệm. 
Đến thăm Tiền Giang, không thể không đến chùa Vĩnh Tràng-, ngôi chùa độc đáo kết hợp lối kiến trúc Đông- Tây, pha trộn văn hóa của phương Tây, Việt, Khmer, Hoa khá hài hòa được xây dựng năm 1849. Tại đây có cả tượng Phật đứng cao 21m, Phật nằm dài 32m. Nhìn phía ngoài đúng là kiến trúc phương Tây với hàng cột, hoa văn sắt chạm trổ theo lối kiến trúc Phục Hưng. Nhưng vào trong thì đầy những hoa văn sành sứ, màu sắc kiểu văn hóa Khmer.
Đi về đất mũi Cà Mau, quãng đường từ thành phố Cà Mau đi đến tận đất mũi chỉ có 110km nhưng phải đi qua tới hơn 530 cây cầu lớn nhỏ. Sông rạch chi chit. Cây cối chỉ có đước và đước. Cũng mãi mới kiếm được chỗ nghỉ chân vì du khách cũng không đông lắm. Thành ra quán xá cũng vắng. Đất mũi Cà Mau bây giờ sừng sững cột cờ Hà Nội do thành phố Hà Nội tặng được xây dựng hoàn thành năm 2019. Diện tích lớn tới 16.000 m2. Cột cờ cao 45m. Đây là vùng đất mà người ta vẫn nói: đất biết nở, cây biết đi. Năm 2018, chúng tôi đến thì đất mũi sát chân cột cờ Hà Nội đang xây dựng. Nay muốn đi ra tận cùng phải đi xe điện mất 30 ngàn đồng mới tới. 
Về Thành phố Hồ Chí Minh họp Đoàn Chủ tịch Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam, chúng tôi gặp gỡ nhiều cha trước đây hay vắng mặt vì bận, vì ốm yếu, nay đã khỏe hơn. Mọi người vui mừng thấy bản Điều lệ của Ủy ban ĐKCG Việt Nam khóa VIII đã chỉnh sửa hợp lý hơn. Ban ĐKCG quận, huyện đã thành một cấp của tổ chức Ủy ban ĐKCG Việt Nam. Như vậy, tư cách pháp nhân của Ban ĐKCG rõ ràng hơn. Hết nhiệm kỳ, Ban ĐKCG có thể tổ chức Đại hội chứ không chỉ là hội nghị tổng kết 5 năm. Ban ĐKCG có thể sử dụng con dấu. Vậy là vị thế của Ban ĐKCG sẽ được nâng lên một bước.
 
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiền, tỉnh Cà Mau.
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiền, tỉnh Cà Mau.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đến chúc mừng Giáng sinh rất trọng thể và có quà cho từng đại biểu tham dự hội nghị Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam lần thứ hai. Buổi văn nghệ ngẫu hứng tự biên, tự diễn rất hào hứng, lôi cuốn cả chủ và khách lên sân khấu. Thật tuyệt vời.
Khắp các nhà thờ ở Thành phố Hồ Chí Minh đều trang hoàng rực rỡ đèn hoa mừng Giáng sinh 2023. Cầu chúc bình an xuống cho mọi người, mọi nhà trong năm mới 2024.
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV (07/01/2024)
Hiệp sĩ Đại Thánh giá thăm, hỗ trợ các cơ sở tình thương tại Bình Dương (06/01/2024)
Giải Diên Hồng lần thứ 2 vinh danh 79 tác phẩm báo chí xuất sắc (05/01/2024)
Sứ mệnh không gian nào được mong chờ nhất vào năm 2024? (04/01/2024)
Có 20 nhà truyền giáo bị sát hại trong năm 2023 (04/01/2024)
Đức Hồng y Filoni viếng thăm Thánh Địa kêu gọi hoà bình (04/01/2024)
Chung tay chăm lo Tết cho người nghèo (04/01/2024)
Giáng sinh trên nhà thờ mới (02/01/2024)
JINGLE BELLS (Chuông Reo Vang) (02/01/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log