Đầu Xuân Đinh Dậu, Ủy ban ĐKCG và Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội chúng tôi có chương trình đi thăm mấy linh mục trên địa bàn Hà Nội. Điểm đến đầu tiên là nhà thờ Bằng Sở (Thường Tín), nơi có Đền thánh Phêrô Lê Tùy nổi tiếng với nhiều ơn lạ mà dịp đầu xuân nhiều khách hành hương nô nức tới viếng thánh nhân.
Chụp ảnh lưu niệm tại Bằng Sở (Thường Tín) |
Cha Antôn Trần Quang Tiến- Giám đốc Trung tâm hành hương đang bận bịu chỉ huy công việc ở nhà thờ, tạm dừng tay để tiếp đón đoàn chúng tôi do cha Antôn Maria Dương Phú Oanh là Trưởng đoàn. Chúng tôi biết nhà thờ mới đang hoàn thiện. Ngôi nhà thờ Bằng Sở tròn 100 tuổi đã dâng lễ Tạ ơn và chuẩn bị hạ giải vào ngày 13/02/2017. Vậy là phải dựng tạm một nhà mái tôn để giáo dân có nơi cầu nguyện trong thời gian nhà thờ mới hoàn thành. Cha Giám đốc đưa chúng tôi đi xem bộ chuông, đèn, đồng hồ mới nhập cảng về nước. 4 chiếc đồng hồ sản xuất tại Thụy Sĩ, đường kính hơn 2m. 2 quả chuông chế tạo từ Pháp. Một quả nặng 1.160kg, quả kia nặng 600kg. Còn chùm đèn trần sáng loáng nặng 230kg được làm ở Tây Ban Nha. Cha kể, lúc đầu hải quan tính thuế hơn 40% giá trị hàng hóa. Số tiền phải chuẩn bị nộp thuế quá lớn. Rất may, có người mách cho kê khai là chuông, đèn là phụ kiện của mấy cái đồng hồ treo tường kia nên mức thuế giảm xuống, chỉ còn hơn 4%. Nghe nói, khi lắp đặt phải chờ các chuyên gia ở nước ngoài sang. Phía cuối nhà thờ có đặt 4 pho tượng đồng lớn. Mỗi tượng nặng 800kg. Gồm tượng thánh Phêrô, tượng Đức Giêsu, Đức Maria và tượng cha thánh Phêrô Lê Tùy. Các bức tượng mới lấy ra khỏi khuôn, còn phải gia công kỹ thuật nhiều nhưng trông đã đẹp lắm. Cha Giám đốc và đoàn chúng tôi cùng chụp ảnh lưu niệm tại đây (ảnh trên). Cha Giám đốc tiếp tục dẫn chúng tôi ra thăm nơi đúc đồng. Hai cánh cửa nhà thờ bằng đồng khổng lồ đang chờ tháo khuôn. Mỗi cánh nặng 5 tấn và thêm phần trang trí phía trên 3 tấn nữa. Vậy là bộ cửa nặng 13 tấn bằng đồng. Xứng đáng được ghi vào kỷ lục ghinet Việt Nam. Cha Antôn nói, cha không muốn làm cửa đẩy kiểu Nhật Bản mà muốn làm cửa mở hình cánh cung. Nhưng làm như thế việc thiết kế bản lề, trụ đỡ rất phức tạp bởi cánh cửa quá nặng. Rất may, với sự tính toán của các kỹ sư, công việc cũng tiến triển tốt.
Chúng tôi nhờ cha Giám đốc chủ sự lễ viếng cha thánh Phêrô Lê Tùy. Giờ viếng thật sốt sắng. Nhiều giáo dân đi hành hương cũng tham dự cùng chúng tôi. Hết giờ viếng, cha Giám đốc tận tay lấy hoa, nến ở bàn thờ chia lộc cho từng người chúng tôi mang về. Bữa ăn trưa với cha Giám đốc Đền thánh thật vui vẻ. Chúng tôi cầu mong công trình của nhà thờ sớm hoàn thành và xứng đáng trở thành trung tâm hành hương của Tổng giáo phận Hà Nội.
Chia tay Bằng Sở, đoàn chúng tôi ghé thăm cha FX. Nguyễn Quốc Khánh ở xứ Sở Hạ. Ngài bị tai biến 4 năm nay nên đi lại khó khăn, nói năng cũng chậm nhưng đầu óc tỉnh táo, minh mẫn lắm. Bệnh tật vậy, nhưng ngài cũng chịu khó đi thăm viếng. Năm ngoái, tôi cũng gặp ngài ở tận đan viện Châu Sơn, Ninh Bình và tôi cùng cha được ngồi đồng bàn với Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt. Cha Antôn thay mặt đoàn chúc sức khỏe ngài. Ngài vui lắm, cảm ơn đoàn và tha thiết mời đoàn về dự lễ Ngân khánh linh mục của ngài...
Trên đường về, chúng tôi vào chào thăm cha Phêrô Bùi Ngọc Tuấn ở xứ Bái Xuyên. Cha nói, mới về nhận xứ được hơn 1 tháng. Trước đây, cha coi nhiều xứ và mới nhất là giáo xứ Phủ Lý với ngôi nhà thờ mới xây khang trang mà cha là người có công lớn. Cha Phêrô trăn trở, đường đi ở đây khó khăn quá. Nói là thuộc Hà Nội nhưng về trung tâm thành phố lâu hơn đi từ Phủ Lý. Nếu có tuyến xe bus thì dân đi đỡ hơn, lưu thông hàng hóa tốt hơn. Thanh niên ở đây cũng chưa có nếp đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Đường lại xấu nên rất nguy hiểm. Cha muốn mở con đường trải bê tông dài 250m vào nhà thờ để dân đi lễ dễ hơn. Phải vận động nhà dân lùi vào vài mét. Ông trùm làm gương và nhà thờ cũng lấp ao kè để mở đường. Nhà thờ Bái Xuyên cổ kính vẫn còn nguyên nét rêu phong xưa với hơn 100 năm sương gió. Cha xứ cùng chụp ảnh với đoàn chúng tôi trước cửa nhà xứ cổ kính có niên đại từ năm 1942. Cha xứ cùng chụp ảnh với đoàn trước cửa nhà xứ cổ kính xứ Bái Xuyên có niên đại từ năm 1942 |
Hôm sau, chúng tôi đi thăm xứ Thạch Bích- nơi Bác Hồ đã về nói chuyện hơn 50 năm trước. Cha Phaolô Nguyễn Văn Đoàn tiếp chúng tôi trong ngôi nhà có kiến trúc rất giống của Pháp. Cha nói, phải ra tận Hà Nội, xem Nhà hát lớn về mô phỏng lại. Cha là linh hướng cho 20 nhóm ve chai của giáo phận. Các nhóm cũng quyên góp cùng cha để xây dựng được 6 căn nhà tình nghĩa cho người nghèo, không kể giáo lương. Ông Nguyễn Văn Thích- Trưởng ban ĐKCG huyện Thanh Oai, người đưa chúng tôi đi thăm giáo xứ cho biết, cha say mê làm từ thiện bác ái vì cha cũng là Phó ban Caritas của giáo phận.
Ông Phiến- Trưởng ban ĐKCG huyện Mỹ Đức dẫn chúng tôi đi thăm cha Giuse Đỗ Hữu Thỏa ở xứ Tụy Hiền. Nhà thờ gần ngay khu du lịch chùa Hương. Có nhiều nhà dân xây khá đẹp nhưng cửa khóa then cài. Cha Giuse cho biết, cả vợ chồng họ đều đi làm ăn trên Hà Nội, chủ yếu là bán xôi bắp kiếm tiền về xây nhà. Tết về mấy bữa rồi lại đóng cửa quanh năm. Cha coi sóc cả miền rộng lớn, có họ giáo chuyên chèo đò ở chùa Hương. Xứ Tụy Hiền có tên cổ là xứ Kẻ Sải, quê hương của cha thánh tử đạo Nguyễn Văn Hưởng, tử đạo ở Ninh Bình năm 1856.
Hôm đến thăm cha xứ Hàm Long Phaolô Nguyễn Trung Kiên. Sân nhà thờ là chỗ dành cho học sinh giải lao có chỗ chơi nhảy dây, đá cầu. Cha tiếp chúng tôi trong căn nhà giáo xứ mới hoàn thành năm 2016. Cha trăn trở vì giáo dân ở chỗ nhà thờ Fatima (phường Lê Đại Hành) muốn có nơi để cầu nguyện mà không biết nên bắt đầu từ đâu vì không muốn ồn ào, đơn từ phức tạp. Tôi đề nghị cha căn cứ vào thực tế tìm ra giải pháp giải quyết được hài hòa quyền lợi các bên trên cơ sở luật pháp hiện nay rồi mời các cơ quan hữu trách của thành phố, quận, phường tham gia thảo luận tìm phương án tốt nhất. Tôi tin chắc vấn đề sẽ có hướng tiến triển tốt.
Đi thăm cha Giacôbê Nguyễn Văn Tập ở Mỗ Xá (Chương Mỹ), có các anh ở MTTQ huyện đi cùng. Cha Giacôbê năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng còn khỏe mạnh lắm. Cha đã từng ở quân ngũ 6 năm và phục vụ tại chiến trường B. Nhưng có người bảo làm chế độ. Cha nói, mình cũng đủ ăn, đủ mặc, chạy vạy làm gì. Lối sống của cha thật giản dị, trong sáng. Đang vụ cấy cày, giáo dân ngoài đồng cả nên cha tự lo pha nước tiếp khách. Mãi lúc sau mới có ông trùm Dom. Nguyễn Đăng Hùng về giúp. Cha bảo, về hưu là về quê để có lũ con cháu quây quần cho vui. Xứ Mỗ Xá có hang đá to đẹp rất hài hòa với không gian chung. Chúng tôi cùng chụp ảnh kỷ niệm với cha xứ trước lúc chia tay.
Đã nhiều lần gặp cha quản hạt Sơn Tây GB. Đặng Văn Nghĩa đang coi xứ Bách Lộc. Cha vốn là cây văn nghệ của đơn vị khi còn tại ngũ, có giọng hát khá hay nên vẫn thường góp vui khi có dịp lễ. Hôm nay, chúng tôi đến khi đang giờ nghỉ trưa nhưng cha vẫn vui vẻ tiếp đoàn. Tại xứ Bách Lộc có phần mộ của cha Phêrô Lương Đình Nghi, nguyên Chủ tịch Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội và cũng nguyên là Chủ nhiệm Báo Người Công giáo Việt Nam. Lần nào đến, chúng tôi cũng cầu nguyện trước phần mộ của ngài.
Đến mỗi xứ, gặp mỗi cha, chúng tôi lại hiểu thêm Hà Nội và thấy cần phải làm gì để đưa phong trào thi đua yêu nước ở đây phát triển đi lên.
TRIẾT GIANG
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com