Tin tức - Hoạt động

Tháng Hoa và lòng sùng kính Mẹ Maria

Cập nhật lúc 15:17 10/05/2022
Tháng 5 - tháng được Giáo hội Công giáo chọn là Tháng kính Đức Mẹ còn gọi là tháng hoa là một tháng đặc biệt. Do thời tiết chuyển mùa, những cơn mưa đầu mùa làm dịu đi cái nóng oi bức của hè sang. Mỗi người cảm thấy vui tươi hơn khi thấy cây cỏ, hoa lá xanh tươi, quyện với những cơn gió nhẹ khiến lòng người tín hữu cũng gia tăng lòng yêu mến Mẹ nhiều hơn.
Tháng 5 - tháng được Giáo hội Công giáo chọn là Tháng kính Đức Mẹ còn gọi là tháng hoa là một tháng đặc biệt. Do thời tiết chuyển mùa, những cơn mưa đầu mùa làm dịu đi cái nóng oi bức của hè sang. Mỗi người cảm thấy vui tươi hơn khi thấy cây cỏ, hoa lá xanh tươi, quyện với những cơn gió nhẹ khiến lòng người tín hữu cũng gia tăng lòng yêu mến Mẹ nhiều hơn.Trong suốt tháng này, nhiều giáo xứ tổ chức đội hoa gồm các em thiếu nhi nữ, gần đây cũng có giáo xứ chọn thêm một số em nam. Các em được chọn đã tập dượt cả tháng trước đó. Những điệu vãn ca truyền khẩu từ nhiều đời vẫn còn lưu lại nơi các giáo xứ miền Bắc, ít nhiều mang âm hưởng dân ca và nay được coi như vốn quí đã được các nhạc sĩ ghi lại và ký xướng âm theo tân nhạc.

Theo nghi thức truyền thống, một buổi dâng hoa gồm 3 phần: Phần I: Bái vịnh: Ngũ bái thờ lạy Ba ngôi Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ, Thiên thần và các Thánh. Phần II: Gồm: Ca ngợi các nhân đức của Đức Mẹ./Tiến hoa ngũ sắc: Từng đôi con hoa đỏ, trắng, vàng, tím, xanh./ Dâng 7 loài hoa quí (quì, sen, lê, cúc, mai, mẫu đơn, lan) để ca tụng Đức Mẹ. Phần III: Cảm tạ – Tạ ơn Chúa. Tạ ơn và cầu khẩn với Đức Mẹ.

Còn đa phần các giáo xứ phía Nam hiện nay, do các nghệ nhân là các bà quản (trông coi thiếu nhi) đã khuất bóng, nên các vị phụ trách sau này sử dụng các bài Thánh ca mới (hiện đại). Nhiều nơi vì các em dâng hoa bận rộn đi học, không có nhiều thời giờ tập luyện nên các cháu ít thuộc lời. Do vậy bao giờ cũng có thêm một đội ngũ các chị trong ca đoàn hát Thánh ca, còn các cháu chỉ tập cử điệu cho nhịp nhàng. Rồi cũng do xã hội phát triển nên các nhạc cụ, âm thanh như phong cầm, organ điện tử, piano... hòa nhạc, không thể thiếu trong khi tập dượt, cũng như lúc dâng hoa. Có nơi còn dùng đĩa nhạc đã thâu sẵn làm nhạc nền, các em tập theo nhạc và lúc dâng hoa thì có thêm giọng hát thật ghép vào. Lễ dâng gồm hoa tươi ngũ sắc, nến sáng và gần đây có nơi còn dâng những nén hương thơm.

Có những bài vãn ca có tuổi đời hơn cả thế kỷ, khi nghe lại vẫn thấy lòng thật sốt mến, như “Vãn ca Ngũ bái” mà hiện nay vẫn còn lưu truyền

“Chúng tôi lạy Chúa Cha nhân thứ/ Đã giữ lời phán hứa rủ thương./ Dựng nên rất thánh Nữ vương,/Gây nền mọi phúc treo gương muôn đời...”

Hay bài hát “Đây tháng hoa” của nhạc sĩ Duy Tân

“Đây tháng hoa, chúng con chân thành thật thà, dâng tiến hoa cùng với muôn lời cung chúc. Hương ngát bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc, con tiến hoa lòng mến yêu Mẹ không nhòa...”​

Một bài hát mà những bậc ông bà, cha bác tuổi thất tuần trở lên vẫn thuộc lòng và hát rất say sưa khi mỗi mùa hoa về được cất lên, của nhạc sư Hải Linh và Minh Đệ, đó là bài “Tháng Đức Mẹ”:. Giáo nhân bao xiết mừng tiếng ca hòa vang lừng cùng nhau hái nhiều đóa hoa, lượm lên tiến dâng Ðức Bà. ÐK: Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, mầu tươi thắm hương ngát tốt xinh. Hoa muôn sắc con dâng trước tòa, còn thua kém nhan Mẹ Chúa thiên đình...

Việc dâng hoa kính Đức Mẹ dù dưới hình thức nào cũng là dịp người tín hữu bày tỏ lòng yêu mến Mẹ Maria, sùng kính Mẹ được Hội Thánh khuyến khích. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo cũng minh định: “Trinh nữ Maria được công nhận và tôn kính là Mẹ đích thực của Thiên Chúa và của Đấng Cứu chuộc… Mẹ cũng thật sự là ‘Mẹ các chi thể Chúa Kitô’… vì Mẹ đã cộng tác bằng đức ái của mình vào việc sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh, là những chi thể của Đức Kitô là Đầu. Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, là Mẹ của Hội Thánh” (x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 963). Tuy nhiên, việc sùng kính đó nhiều lúc đã làm cho không ít người xa lạ với đức tin, tức là họ đã nhìn nhận Đức Mẹ như là đấng trung gian tuyệt đối, mà quên mất rằng: “Mọi ảnh hưởng có sức cứu độ của Đức Trinh nữ trên nhân loại, đều bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô” (x. LG 60). “Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một thụ tạo nào ngang hàng với Ngôi Lời Nhập Thể và Cứu Chuộc” (Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 970).

Thiết nghĩ, nhân dịp này, mỗi chúng ta hãy nhìn lại việc sùng kính của mình dành cho Đức Mẹ, và nếu đang đi quá xa về cách thức biểu lộ niềm tin và cách tôn sùng Mẹ không đúng với giáo huấn của Giáo hội, thì hãy chỉnh lại sao cho phù hợp, để lòng tôn sùng Đức Mẹ không mất đi hay xa lạ với đức tin Công giáo mà lại làm cho đức tin được thêm khởi sắc và đúng như ý Chúa, ý Mẹ và giáo huấn của Giáo hội mong muốn.
 

Fx. Minh Đỗ
Thông tin khác:
Cuộc họp IX Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican (10/05/2022)
Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Đức Hồng y Pietro Parolin - Quốc vụ khanh Tòa Thánh thăm Việt Nam (06/05/2022)
Vatican tu sửa doanh trại lính gác Thụy Sĩ (08/05/2022)
Cha David ngồi toà giải tội 73 giờ trong Tuần Thánh (07/05/2022)
Nhân tháng hoa kính Đức Mẹ (07/05/2022)
Hàng ngàn người tham gia cuộc rước tôn kính Đức Mẹ Núi Cát Minh (06/05/2022)
Toà Thánh gửi sứ điệp lễ Phật Đản 2022 (06/05/2022)
Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi 2022 (06/05/2022)
Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ lắng nghe, can đảm và phục vụ (04/05/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log