Tính trong sáng, tính thống nhất trong phụng vụ sẽ giúp thăng hoa tinh thần sốt mến của các giáo hữu. Ảnh: CTV |
Như vậy sắp tới đây, bản dịch 4 sách Phúc Âm sử dụng trong phụng vụ sẽ chính thức được ấn hành. Đây là một tin vui cho Giáo hội Công giáo Việt Nam vì theo như bản tin về ngày làm việc thứ hai, hội nghị đã dành thời gian trao đổi, thảo luận trước khi đi đến việc phê chuẩn này. Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tường thuật: “Về chuyên môn, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Uỷ ban Phụng tự... cũng trưng dẫn Tông thư dưới dạng tự sắc Traditionis custodes (3 § 3) cho thấy nhu cầu buộc phải có một bản dịch Kinh Thánh được Hội đồng Giám mục phê chuẩn để trích dẫn trong các bản văn phụng vụ. Vì thế, từ tháng 11/2020, hai Uỷ ban Phụng tự và Kinh Thánh đã cùng thực hiện việc dịch thuật bản văn Kinh Thánh để dùng trong phụng vụ theo hướng dẫn của Traditionis custodes. Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch Uỷ ban Kinh Thánh đã trình Hội đồng Giám mục bản dịch Việt ngữ của bốn sách Tin Mừng vừa hoàn thiện”.
Hiện nay, tại Giáo hội Công giáo Việt Nam, có nhiều bản dịch trọn bộ Kinh Thánh đã được ấn hành. Theo linh mục Anbetô Trần Phúc Nhân, cho đến nay có 6 bản dịch toàn bộ Kinh Thánh do các tác giả Công giáo thực hiện: 1. Cố Chính Linh (1913); 2. Cha Gérard Gagnon (1963); 3. Cha Trần Đức Huân (1970); 4. Cha Nguyễn Thế Thuấn (1976); 5. Đức Hồng y Trịnh Văn Căn (1985); 6. Nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ (1998).
Bản dịch Việt ngữ bốn sách Tin Mừng vừa hoàn thiện là một cố gắng rất lớn của hai Ủy ban Phụng tự và Kinh Thánh, qua đó Giáo hội Công giáo Việt Nam sẽ đi đến thống nhất trên toàn quốc khi cử hành phụng vụ. Bản dịch cũng là cơ sở trích dẫn khi giảng dạy, soạn các bài suy niệm, các sách tu đức, lời nguyện, Lời các bài thánh ca hay suy tư của các cá nhân về bốn Tin Mừng.
Rồi đây bản dịch toàn bộ Kinh Thánh cũng sẽ được hoàn thiện và phê chuẩn để dùng trong Phụng vụ. Người giáo dân Việt Nam cũng ao ước hai Ủy ban cũng sẽ quan tâm sửa chữa, thay đổi các kinh đọc thường ngày sao cho thể hiện tính thống nhất trên toàn Giáo hội Công giáo Việt Nam, để khi tham dự các giờ kinh, các giờ Chầu Thánh Thể, giờ khấn, kinh tại gia... mọi người bất luận Bắc, Trung, Nam đều cùng đọc kinh, hát thánh ca theo một bản văn thống nhất, dù có thể phát âm theo vùng miền khác nhau. Những từ ngữ không còn phù hợp nên thay đổi như: “Bay”, “Ngươi” trong Kinh Vực sâu {Bay (ngươi) hãy xin thì bay (Ngươi) sẽ được}, hay những từ như: “Chúng”, “Tao” trong Kinh Lạy Đức Chúa Giêsu rất nhân lành (Chúng nó đã lấy đanh sắt mà đóng thâu qua chân tay Tao và kéo giãn cả mình Tao ra đến nỗi đếm được các xương). Rồi ba kinh Tin Cậy Mến cần thống nhất đọc “Lạy Chúa con, con tin thật...” hay “Lạy Chúa, con tin thật...”.
Có được như vậy, tính trong sáng, tính thống nhất trong phụng vụ giúp ngày càng thêm lòng sốt mến trong lòng đạo của người giáo dân Việt Nam hôm nay.