Tông huấn "Laudate Deum", kêu gọi ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. |
Ngày 7/10/2023 tại Afganistan một trận động đất đã làm hơn 2000 người thiệt mạng, hơn 9000 người bị thương và hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy. Tháng 9/2023 mưa lớn do ảnh hưởng của bão HaiKui khiến miền Nam Trung Quốc ngập lụt. Không những chỉ Trung Quốc mà còn các quốc gia Nhật Bản, Philiphines bị tàn phá. Đầu năm 2023 bão tuyết ở Mỹ đã tàn phá miền Đông nước Mỹ và Canada có nơi lạnh đến âm 70 độ C. Theo các nhà khoa học thì đó là hậu quả của việc không bảo vệ môi sinh, biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên...
Để cứu lấy trái đất này và bảo vệ các công trình của nhân loại, Đức Thánh Cha đã kêu gọị chính phủ các quốc gia và mọi người hãy gia tăng việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mới đây, ngày 4/10/2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một Tông huấn mới, Laudate Deum “Anh chị em hãy chúc tụng Thiên Chúa”, là một văn kiện bổ túc cho Thông điệp “Laudato sì”, chỉ dài 12 trang (8 ngàn từ theo bản tiếng Anh) so với 180 trang của Thông điệp. Trong văn kiện mới, Đức Thánh Cha đưa ra những tuyên bố dứt khoát về khoa khí hâu, những dự đoán về các thảm họa tương lai liên quan đến thời tiết, đưa ra những phân tích của các Hội nghị Liên hợp quốc về khí hậu, biểu lộ những bất mãn về những chọn lựa chính sách và trình bày các chọn lựa quan trọng của ngài về ngoại giao.
Đức Thánh Cha cho biết sở dĩ ngài lên tiếng qua Tông huấn này là vì: “Với thời gian, tôi nhận thấy rằng những câu trả lời của chúng ta không thích hợp, trong khi thế giới chúng ta đang sống đang sụp đổ và có thể đến gần mức đổ vỡ” (số 2). Đức Thánh Cha cảnh báo đến những người tìm cách phủ nhận những dấu hiệu của sự thay đổi khí hậu. Nhưng “những dấu hiệu này ngày càng hiển nhiên”. Ngài trưng dẫn những hiện tượng cùng cực, thường xảy ra những thời kỳ nóng bất thường, hạn hán, và những ‘than vãn’ khác của trái đất”. Ngài viết: “Điều có thể kiểm chứng là một số thay đổi khí hậu do con người gây ra. Chúng làm tăng đáng kể những hiện tượng cùng cực, thường xuyên và với cường độ mạnh mẽ hơn”. Và đối với những người coi thường các hiện tượng đó, Đức Thánh Cha trả lời rằng “điều mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay chỉ là sự gia tăng bất thường sự hâm nóng trái đất... Có lẽ trong vài năm nữa, nhiều dân tộc sẽ phải di chuyển gia cư của họ vì những biến cố ấy”.
Cũng như Thông điệp Laudato sì được công bố trong khi hội nghị thượng đỉnh COP21 ở Paris năm 2015 về sự thay đổi khí hậu đến gần, Tông huấn Laudate Deum được công bố trong thời gian hướng đến hội nghị thượng đỉnh COP28 về sự thay đổi khí hậu, sẽ nhóm tại Dubai vào tháng 12/2023 sắp tới.
Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Sự thay đổi khí hậu do con người gây ra là điều không thể nghi ngờ gì”. “Sự tập trung khí thải gây nên hiện tượng lồng kính trong khí quyển. 50 năm gần đây, ngày càng gia tăng mạnh mẽ”. Đồng thời, nhiệt độ gia tăng với mức độ chưa từng có trong 2.000 năm qua. Với hậu quả là nước biển bị axít hóa và các tảng băng tan đi. Sự trùng hợp giữa các biến cố ấy và gia tăng khí thải lồng kính, không thể che giấu được nữa. Phần lớn các nhà nghiên cứu khí hậu đều ủng hộ mối tương quan này và chỉ có một tỷ số rất nhỏ tìm cách phủ nhận sự hiển nhiên ấy. Rất tiếc là cuộc khủng hoảng khí hậu không phải là vấn đề được các cường quốc kinh tế quan tâm. Họ lo kiếm lợi nhuận tối đa, với phí tổn và trong thời gian ít nhất.
Nỗ lực này không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi, những tuyên ngôn của các chính phủ, các tổ chức mà phải là sự hưởng ứng của số đông, của toàn thể cộng đồng các dân tộc và của từng gia đình qua đó phải dần tạo ra một nét văn hóa mới trong cuộc sống. “Nỗ lực của các gia đình nhằm giảm ô nhiễm, giảm lãng phí và tiêu dùng khôn ngoan đang tạo ra một nền văn hóa mới” (71).
Tại Việt Nam, nhiều năm qua chính phủ cũng rất quan tâm hưởng ứng lời kêu gọi của hội nghị COP 21 (Năm 2015) về sự thay đổi khí hậu. Với Giáo hội Công giáo Việt Nam, thông điệp Laudato Si’ đã được các giáo phận, các đoàn thể tổ chức học hỏi, trao đổi các biện pháp ứng phó. Tại Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh, Tòa Tổng Giám mục đã từng tổ chức thường huấn cho các linh mục, bề trên các dòng tu để phổ biến đến giáo dân tinh thần của bản thông điệp qua đó đề ra các giải pháp như sử dụng tiết kiệm điện nước, chống việc xả rác ra môi trường, phân loại rác, trồng cây xanh... Tại các giáo xứ, để thiết thực hưởng ứng lời mời gọi của Gíao hội mỗi người, mỗi hộ gia đình luôn ý thức cao việc bảo vệ trái đất này là mái nhà chung bằng những hành động cụ thể, thiết thực như thực hiện các phong trào, các cuộc vận động: “Khu phố xanh”, “Giáo xứ không rác”, “nhà thờ, nhà xứ xanh - sạch - đẹp”, các phong trào “Ve chai từ thiện”, “Ngày chủ nhật xanh”...