Tỉnh Sóc Trăng có hơn 360.000 người Dân tộc Khmer, chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh Sóc Trăng. Văn hóa dân tộc Khmer cùng với văn hóa các dân tộc khác tạo nên sự phong phú, thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Sóc Trăng có 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là của đồng bào Khmer, gồm: Lễ hội Ok Om Bok, nghệ thuật trình diễn dân gian sân khấu Dù Kê, nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom Vong, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm, nghệ thuật trình diễn dân gian Rô Băm.
Nói tới văn hóa của người Khmer phải nhắc tới nghệ thuật sân khấu Dù Kê. Dù Kê có sự pha trộn của các loại hình nghệ thuật, như: ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa...
Dù Kê thể hiện mối quan hệ đoàn kết, giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Từ bao đời nay, nghệ thuật sân khấu Dù Kê không chỉ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mà còn giúp cho người dân cảm nhận được điều hay lẽ phải, cái thiện, cái ác, định hướng cho con người hoàn thiện mình. Trích đoạn sân khấu Dù Kê |
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Huỳnh Ngọc Trảng, nghệ thuật sân khấu Dù Kê ra đời khoảng thập niên 20 - 30 của thế kỷ XX. Ban đầu, các nghệ nhân, diễn viên nghệ thuật dù kê tập luyện và biểu diễn trong môi trường thiên nhiên, lấy mặt đất làm sân khấu, lấy lá cây, nhánh cây che tạm, dựng liều trại, phong cảnh như cái giàn bầu nên người dân gọi là “sân khấu giàn bầu” (Lo - khôn Trơn Khlốk). Từ năm 1930, sân khấu Dù Kê Khmer Nam bộ không ngừng bổ sung yếu tố mới để ngày càng hoàn thiện mình.
Loại hình sân khấu này ra đời trên cơ sở kế thừa những nghệ thuật đã có trước đó như rô băm và chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai loại hình sân khấu là tuồng cổ của người Hoa và cải lương của người Kinh. Vì vậy, nhiều người so sánh nghệ thuật Dù Kê tương tự như sân khấu cải lương Nam bộ. Dù Kê có sự kết hợp độc đáo giữa ca hát, đối thoại, diễn xuất dân gian với sự nâng đỡ, phụ họa của âm nhạc. Vở diễn Dù Kê thường được khai thác từ cốt truyện cổ tích, thần thoại dân gian Khmer và còn có cả những vở diễn dựa trên cốt truyện của một số vở cải lương, truyện cổ dân gian... thường có nội dung giản dị về cốt truyện, sâu sắc về nội dung và nhẹ nhàng chuyển tải ý nghĩa giáo dục.
Dù Kê thường được biểu diễn tại những ngôi chùa Khmer trong dịp lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sen Dolta, lễ Ok Om Bok… hay trong các sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cộng đồng. Những nhân vật của các vở diễn xuất hiện trong trang phục lộng lẫy, với động tác múa uốn cong từ đôi tay kỳ diệu của nghệ sĩ đã trở nên quen thuộc với mỗi người Khmer.
UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sân khấu dù kê trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2016 - 2020), xây dựng không gian biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê thành sản phẩm du lịch tại các địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh…
Từ lâu, nghệ thuật múa Rom Vong đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào Khmer. Nghệ thuật múa này không dừng ở những hoạt cảnh, cốt truyện ngắn, mà đã được các biên đạo múa nâng lên thành những cốt truyện dài.
Múa Rom Vong là một điệu múa sinh hoạt đời thường của người dân Khmer. Người Khmer trình diễn múa Rom Vong trong các buổi lễ ở chùa hay trong các phum, sóc. Điệu múa Rom Vong chủ yếu là để múa sinh hoạt, trong các buổi gặp mặt giao lưu, tết Chol chnam Thmay cổ truyền. Hiện nay, điệu múa là di sản văn hóa cấp quốc gia của dân tộc Khmer.
Những ngôi chùa của đồng bào Khmer tại Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, là những công trình nghệ thuật hài hòa các yếu tố kiến trúc, điêu khắc, hội họa... Ở Sóc Trăng có 92 ngôi chùa Khmer, trong đó có 2 chùa được công nhận di tích quốc gia là chùa Dơi và chùa Kh’Leang. Chùa Tà Mơn, tỉnh Sóc Trăng. |
Thượng tọa Trần Văn Tha, Phó Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Tà Mơn, cho biết: "Nhà chùa là nơi để phật tử tu hành, cũng là nơi để hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức lễ hội. Chẳng những nhà chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà nhà chùa còn là nơi để tập trung những văn hóa của người dân tộc Khmer, hay nhà chùa còn gọi là trung tâm văn hóa của dân tộc Khmer. Cho nên đối với người Khmer, nhà chùa rất quan trọng trong đời sống xã hội."
Trang phục của người Khmer khá độc đáo, cầu kỳ với nhiều gam màu sặc sỡ, đặc biệt là trang phục Sămpết chôn Kpal của phụ nữ Khmer. Đây là loại váy được làm bằng vải rộng, khi vận quấn quanh người, phần còn lại luồn qua hai chân thành một loại quần phồng ngắn.
Chị Thạch Thị Loan, Di sản viên ở nhà trưng bày di sản văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Trang phục người Khmer phong phú, ví dụ có trang phục đời thường ở nhà, trang phục lao động sản xuất, trang phục lễ hội, trang phục cưới, trang phục nghệ thuật sân khấu. Áo xà rông là áo đặc trưng có 1 tấm vải quấn lại thành như áo tắm, có thể địu em bé, hay làm võng nằm… Thường người Khmer chọn những màu đối lập với nhau. Ví dụ khi họ mặc quần màu xanh thì áo màu hồng, tương phản nhau chứ không một màu, phong phú, đa dạng."
Tỉnh Sóc Trăng đã duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer, như: đầu tư phục dựng và bảo tồn nghệ thuật Dù Kê, Rô Băm; tổ chức hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Tỉnh xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ việc tổ chức các lễ hội, như: khán đài, bờ kè đường đua ghe Ngo (thành phố Sóc Trăng); khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); khu tổ chức Lễ hội Cúng Phước Biển (thị xã Vĩnh Châu)…
Những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer đã đóng góp đáng kể vào kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Văn hóa dân tộc Khmer cùng với văn hóa các dân tộc khác tạo nên sự phong phú, thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bình An
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com