III. ĐÍNH CHÍNH MỘT SỐ NHẦM LẪN, MẤY VẤN ĐỀ CẦN LÀM SÁNG TỎ
III. 1. ĐÍNH CHÍNH Ngày 5/10/2009 nhân chuyến công tác của Viện Nghiên cứu Tôn giáo lên Thái Nguyên để bàn với UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuộc Hội thảo về cuộc đời sự nghiệp linh mục Phêrô Phạm Bá Trực, đoàn chúng tôi vinh dự được Ban tôn giáo, Sở Nội vụ Thái Nguyên mời đi dự lễ dâng hương tưởng nhớ 55 ngày mất linh mục Phạm Bá Trực, tại giáo xứ Đại Từ, thuộc xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Tại buổi lễ có một phần trang trọng là đọc giới thiệu tiểu sử linh mục Phêrô Phạm Bá Trực. Tuy nhiên, khi nghe bài tiểu sử này, chúng tôi thấy có
một số nhầm lẫn. Sự nhầm lẫn này đã được nhân rộng. Cụ thể là ngày 06/10/2009, báo
Thái Nguyên đăng lại hầu hết hai trang đầu của bản tiểu sử linh mục Phạm Bá Trực đọc tại lễ dâng hương. Ngày 07/10/2009, báo
Nhân Dân lại đăng tiếp, nguồn tin vắn hơn do lấy từ báo
Thái Nguyên. Sau cùng là báo
Người Công giáo Việt Nam có đưa một mẩu tin trên số 43/2009. Báo
Nhân Dân và báo
Thái Nguyên đều có Website nên rất dễ tìm đọc trên mạng.
[1] Chúng tôi xin
đóng góp cải chính một số chi tiết nhầm lẫn và hy vọng rằng: Hàng năm khi kỷ niệm ngày mất linh mục Phạm Bá Trực, chúng ta có một bản tóm tắt tiểu sử sao cho
đúng nhất với cụ.
Để tiện theo dõi, chúng tôi sẽ lần lượt đính chính theo thứ tự các chỗ đã
gạch chân và
đặt dấu hỏi của bài báo trên báo
Thái Nguyên và bản
tiểu sử đọc tại lễ dâng hương hôm đó.
Dưới đây là
chi tiết bài đăng trên báo
Thái Nguyên ngày 6/10/2009 về việc dâng hương tưởng nhớ linh mục Phêrô Phạm Bá Trực
[2]. Bài này
lấy nội dung từ bản tiểu sử đọc tại lễ dâng hương hôm đó.
[3] “... Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực sinh ngày 21/11/1898. (2)
Năm 1921 đến năm 1922? ngài đi học ở Rô Ma, nước Cộng hòa Italia khóa đầu tiên. Tại đây, ngài đỗ (3)
Tiến sĩ thần học bảng A?, (4)
được Vua Khải Định tặng (Bắc Đẩu Bội tinh)?, nhưng ngài đã khiêm nhường từ chối không nhận.
Năm 1929, ngài về nước?[4] làm Linh mục tại (5)
xứ Nhân Chính?, thuộc huyện Lý Nhân (Hà Nam). Từ 1930 đến 1945, ngài vừa làm bổn phận của một linh mục, (6)
vừa tham gia hoạt động cách mạng?. Do có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 1946 ngài được bầu làm Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) khóa đầu tiên, được Quốc hội cử vào Ban Thường trực Quốc hội (nay gọi là Phó Chủ tịch Quốc hội). Đến năm 1947, (7)
cụ Nguyễn Tố?,
Chủ tịch Quốc hội mất?, Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực được cử giữ chức vụ (8)
Quyền Chủ tịch Quốc hội? suốt từ đó đến tháng 10/1954…
Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực đã tạ thế vào ngày 5/10/1954, tại xã La Bằng (Đại Từ), hưởng thọ 56 tuổi. Thể theo nguyện vọng của bà con giáo dân địa phương, thi thể của linh mục được đưa về an táng tại Nhà thờ xứ Yên Huy, xã Hùng Sơn (Đại Từ). Tang lễ ngài được tổ chức theo nghi thức Nhà nước; Thánh lễ an táng và lễ truy điệu được tổ chức trọng thể ngày 7/10/1954, do Ban Thường trực Quốc hội, Mặt trận và (12)
Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tổ chức?. Chủ tịch Hồ Chí Minh do bận việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội không về dự lễ truy điệu được, đã gửi vòng hoa viếng kèm theo lời điếu…”
Ngoài ra có một số chi tiết trong bài tiểu sử không được bài báo đưa tin, nay xin trích những chỗ cần đính chính
trong tiểu sử để tiện theo dõi:
Trang 1 bản tiểu sử viết:
(1)“Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực sinh ngày 21 tháng 11 năm 1898
tại huyện Lý Nhân-Tỉnh Hà Nam.?..; “ (9)
Năm 1950 linh mục đi thăm các nước Liên Xô, Tiệp Khắc, Bungari ?.”; “Năm 1951 trong Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt Linh mục lại được cử làm Phó chủ tịch Uỷ ban Liên Việt toàn quốc, cùng năm này Linh mục (10)
được dẫn đầu Đoàn đại biểu ?Chính phủ Việt Nam sang Triều Tiên “Viện Triều chống Mỹ”;
Trang 2, đầu trang, câu đầu tiên viết:
(11)
“Năm 1954 trong khi hoà bình đang được lập lại trên miền Bắc nước ta, cũng là lúc Linh mục Phêrô bị đau ốm?...”
Đính chính các lỗi: Để tiện theo dõi, chúng tôi sẽ đính chính lần lượt theo các
số thứ tự mà chúng tôi đã đánh trong ngoặc đơn của bài báo và tiểu sử đã trích dẫn ở trên.
1. Trong bản tiểu sử linh mục nói linh mục Phạm Bá Trực sinh ngày 21/11/1898 tại huyện Lý Nhân, Hà Nam? -
Thực ra ông sinh tại làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
[5] 2. Năm 1921 đến 1922 đi học ở Roma? -
Thực ra linh mục không phải chỉ học có 2 năm ở roma mà là 9 năm. [6] 3. Sau 9 năm học tại Roma, ngài không chỉ có được một bằng tiến sĩ thần học mà còn 2 bằng tiến sĩ nữa là triết học và luật học (giáo luật).
[7] 4. Tại đây, ngài đỗ Tiến sĩ thần học bảng A?, được vua Khải Định tặng (Bắc Đẩu Bội tinh)?- Thông tin này
không thấy rõ nguồn tư liệu, có thể chỉ là lời
truyền kể, các tài liệu lưu trữ không thấy đề cập đến. Bản thân nó cũng
chứa đựng những mâu thuẫn. Chúng ta biết là thầy Phạm Bá Trực được gửi sang Roma, Italia học, còn vua Khải Định sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa tại Marseille từ tháng 20/5/1922 đến tháng 9 năm 1922 chứ không phải Roma, Italia. Hơn nữa, Khải Định bị công kích thậm tệ bởi nhóm việt kiều yêu nước tại Pháp. Các hồ sơ lưu trữ của mật thám Pháp báo cáo khá chi tiết về
tình hình an toàn đối với ông vua bù nhìn này. Điều này càng chứng minh, Khải Định
không thể tuỳ tiện đi lại.
[8] “Trò hề” huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh đã bị Nguyễn Ái Quốc phê phán kịch liệt trong vở kịch
Con rồng tre. Nếu có việc Khải định muốn trao Bắc Đẩu Bội tinh cho tiến sĩ thần học Phạm Bá Trực chắc là qua
lời nhắn từ quan thượng thư Nguyễn Hữu Bài. Vì Nguyễn Hữu Bài có cùng Khải Định sang Pháp năm 1922, sau đó ông sang yết kiến Giáo hoàng tại Roma. Có lẽ ở đây ông đã gặp Phạm Bá Trực?.
[9] 5. Năm 1929 linh mục Phạm Bá Trực không phải làm linh mục tại xứ Nhân Chính, thuộc huyện Lý Nhân Hà Nam?
mà làm chính xứ Khoan Vĩ (còn gọi là Thượng Vĩ), xứ này thuộc địa bàn xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Hà Nam [10].
6. Từ 1930 đến 1945, ngài vừa làm bổn phận của một linh mục,
vừa tham gia hoạt động cách mạng?- Có lẽ nên dùng từ “
thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc” thì đúng hơn, bởi hoạt động cách mạng thông thường phải gắn với tổ chức cách mạng, hoặc phong trào nào đó.
[11] 7. Không phải là cụ Nguyễn Tố, Chủ tịch Quốc hội mà là:
cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban thường trực Quốc hội (lúc đó chưa có tên Chủ tịch Quốc hội). 8. Chưa thấy một tài liệu lưu trữ nào nói tới cụ linh mục Phạm Bá Trực giữ chức vụ Quyền chủ tịch Quốc hội? -
Một cách chắc chắn là tháng 5 năm 1947 linh mục được bầu làm Phó Trưởng ban thường trực Quốc hội (tương đương với Phó chủ tịch Quốc hội ngày nay).[12] 9. Chúng tôi cũng chưa tìm thấy tài liệu nào nói năm 1950 linh mục đi thăm các nước Liên Xô, Tiệp Khắc, Bungari như
trong bài tiểu sử đọc tại lễ dâng hương. Bài tiểu sử không thấy trích nguồn. Theo chúng tôi chính xác hơn là linh mục Phạm Bá Trực
thay mặt Ban thường trực gửi điện cảm ơn các nước trên thế giới đã công nhận nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà, trong đó có các nước Đông Âu kể trên.
[13] 10. Không phải linh mục Phạm Bá Trực
dẫn đầu đoàn đại biểu mà là cụ Tôn Đức Thắng, đúng hơn phải nói linh mục
tham gia đoàn đại biểu. Cũng không phải chỉ có thăm Triều Tiên mà là
đoàn đi thăm Trung Quốc trước sau đó mới đến Triều Tiên. Trên báo
Người Công giáo Việt Nam số 43/2009 có nói tới linh mục bị trúng mảnh bom của giặc Mỹ khi đến Triều Tiên. Đọc lại các bài viết của Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt nói về chuyến thăm này
tuyệt nhiên không thấy đề cập tới
linh mục bị thương. Vấn đề cần xác minh lại. Cụ thể lịch trình đoàn đi như sau: Đoàn đến Bắc Kinh ngày 23/7/1951, đoàn tới Triều Tiên ngày 17/8/1951, phải đi qua sông Áp Lục, biên giới Trung-Triều, ngày 20/8/1951 đoàn tới Bình Nhưỡng, ngày 22/9/1951, đoàn lên đường tư Triều Tiên về Việt Nam.
[14] 11. Trong
bản tiểu sử có nói tới năm 1954 là lúc linh mục Phạm Bá Trực bị đau ốm và bệnh nặng.
Thực tế là đã bị bệnh tim từ năm 1952. Đến năm 1954 bị nặng, phải tĩnh dưỡng.
[15] 12. Trong tiểu sử đọc tại lễ dâng hương và bài báo có đề cập tại tang lễ có hiện diện của
Uỷ ban đoàn kết Công giáo Việt Nam trong Ban tổ chức tang lễ? -
Thực tế tên này mãi tới 1983 mới có, còn năm 1955 tại miền Bắc mới thành lập tổ chức yêu nước của người Công giáo có nguồn gốc từ kháng chiến chống Pháp lấy tên là:
Uỷ ban liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu tổ quốc, yêu hoà bình. Một cách chính xác phải nói là: Tại tang lễ có hiện diện của đại diện
Uỷ ban liên lạc Công giáo kháng chiến Liên khu III 13. Bản tiểu sử cũng không đề cập tới việc linh mục đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.
[16]
[1]. Trong hội thảo này có một số tác giả có tham khảo nguồn tin trên. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với một số tác giả về những thông tin đó.
[3]. Tôi vẫn nói đó là một sự nhầm lẫn, hoàn toàn không có ý trách lỗi nhà báo hay cơ quan báo chí, bởi sự nhầm lẫn này ít người biết. Tuy nhiên sau hội thảo này, một số nội dung đã đưa lên mạng cần cải chính lại để những người khác khi tìm kiếm thông tin về linh mục Phạm Bá Trực có được những thông tin xác thực hơn.
[4]. Xem
phần III.1, của bài viết này sẽ trình bày cụ thể vấn đề.
[5]. Điều này không phải bàn cãi gì nữa,
tiểu sử lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, và cuộc khảo sát của đoàn công tác Viện Nghiên cứu Tôn giáo ngày 14/11/2009 tại quê hương linh mục đã khẳng định. Ban đầu TS Nguyễn Phú Lợi và một số cán bộ làm công tác tôn giáo ở Ninh Bình cũng nhầm lẫn rằng quê ông tại xứ Hảo Nho chứ không phải Bạch Liên.
[6]. Xem
tiểu sử lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III và Điếu văn của linh mục Vũ Xuân Kỷ, đọc tại tang lễ.
[7]. Xem
Điếu văn của linh mục Vũ Xuân Kỷ, đọc tại tang lễ, tài liệu Lưu trữ Quốc gia III.
[8]. Xem thêm các thông tin về chuyến đi của Khải Định, cũng như
sự bảo đảm an toàn cho ông của cơ quan an ninh Pháp trong sách của tác giả Thu Trang -
Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923). Nxb Thông tin lý luận. 1989. Các trang: 195, 200, 203, 205, 207.
[9]. Chúng tôi chỉ đưa ra đây như là
một cách giải thích có cơ sở nhất, chứ không khẳng định. Sử liệu ghi lại như sau: “Năm 1922, tháp tùng vua Khải Định sang Pháp, Cụ Nguyễn Hữu Bài đến La Mã, được ĐGH. Piô XI tiếp kiến. Ông dâng lên ĐGH. thỉnh nguyện gồm 4 nội dung chủ yếu, trong đó có hai nội dung:
- Xin cải tổ công việc huấn luyện trong các chủng viện.
- Xin lập hàng giáo phẩm và cho hai người Việt Nam được học ở trường Truyền giáo Roma.
- Thiết lập Toà Khâm Sứ Toà Thánh
- Ban huấn thị yêu cầu các thừa sai phải nỗ lực thăng tiến các linh mục bản xứ,...
Hưởng ứng huấn thị, Giám mục Allys gởi hai sinh viên Đại Chủng Viện Phú Xuân qua Roma du học. Hai sinh viên đó là hai thầy Phêrô Ngô Đình Thục và Phêrô Nguyễn Văn Lành. Đây là lần đầu tiên các sinh viên Đại Chủng Viện Huế chính thức được nhận vào Đại Học Đường “Truyền Giáo”, một đại học lớn của Roma. Giám mục Allys được thưởng huy chương Chevalier de la Légion d’honneur (tạm dịch ‘Bắc Đẩu Bội Tinh’), bằng sắc lệnh của quan Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraut ngày 05.02.1921. Ngày 14.7.1921 quan Toàn Quyền Pháp tại Việt Nam, ông Pierre Pasquier đã long trọng trao huy chương này trước sự hiện diện quân đội Hoàng Đế Khải Định và Triều Đình, ngay trước ngọ môn của cung điện Nhà Vua.
Nguồn:
http://dongthanhtam.net/home/modules.php?name=News&op=viewst&sid=5; Xem thêm các thông tin về Nguyễn Hữu Bài trên
Nghiên cứu Tôn giáo, số tháng 3/2009.
Theo Nguồn web trên thì Giám mục Ngô Đình Thục học ở Đại học truyền giáo Roma sau linh mục Phạm Bá Trực. Điều này khác với thông tin Nguyễn Ngọc Bích cho rằng Phạm Bá Trực và Ngô Đình Thục học cùng khoá - Xem ý kiến của Nguyễn Ngọc Bích trong
Nhân vật Công giáo Việt Nam trên nguồn:
http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=295&ict=3223 [10].
Niên giám Công giáo năm 2001. Nxb Tôn giáo 2001, tr. 373.
[11]. Có
4 thông tin qua đó khẳng định tinh thần yêu nước sâu sắc của linh mục Phạm Bá Trực trước khi tham gia Quốc hội, Chính phủ là: 1. Không nhận Bắc Đẩu Bội của Chính Phủ Pháp (tất nhiên lưu ý giả thuyết Khải Định muốn tăng huy chương này thông qua Nguyễn Hữu Bài mà tôi đã phân tích ở trên). 2. Do có thái độ với thực dân Pháp, thể hiện tinh thần dân tộc mà ông được điều đến một xứ đạo nghèo, heo hút-Khoan Vĩ; 3. Tại Khoan Vĩ ông dạy cư dân làm nghề nón lá và đan lát. 4. Khi nạn đói năm Ất Dậu 1945, linh mục đã dốc sức trong phong trào hỗ trợ cứu tế - NQĐ
[12].
Quốc hội với kháng chiến, Báo cáo của ông thư ký Ban thường trực Quốc hội Nguyễn Đình Thi tại Hội nghị thường trực Quốc hội 6,7 – 1950. Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, in trong
Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập I. Nxb Chính trị Quốc gia 2006, tr. 274.
[13].
Báo cáo về công tác của Ban thường vụ của Ban thường trực Quốc hội từ lần hội nghị tháng 2/1950 đến tháng 2/1951. Tài liệu Trung tâm lưu trữ quốc gia III.
[14]. Xem bài của Tôn Đức Thắng trên báo
Cứu Quốc ngày 20/1/1952, bài của Hoài Thanh
trên Cứu Quốc từ ngày 22/1-23/1/1952 và
Cứu Quốc số ra ngày 9/2/1952. Xem thêm:
Báo cáo sinh hoạt và công tác của Ban thường trực Quốc hội từ 2-1951 đến 2-1952, tài liệu Trung tâm lưu trữ quốc gia III, in trong sđd, tr. 362.
[15].
Hồ sơ bệnh án ở Trung tâm lưu trữ quốc gia III nói rõ điều này.
[16]. Xem báo
Chính Nghĩa, số 11 năm 1955.
Ngô Quốc Đông
(còn tiếp)