Tượng đài lưu niệm vị trí tàu không số bến Thạnh Phong. |
Đất lữa nở hoa thơm Xuất phát từ TP cần Thơ, vượt qua chặng đường gần 150 cây số, chúng tôi đã có mặt bến tàu không số xã Thạnh Phong. Khác với những lần trước phải đi qua một số xã thị trấn của huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre), lần này đi trên con đường mới quá to rộng, kiên cố, cảnh quan đẹp, nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, cả đoàn đều cảm thấy thích thú trước vẽ đẹp hùng vĩ của vùng quê biển anh hùng.
Anh Huỳnh Văn Nguyệt, người trong đoàn chúng tôi nói: “Xứ biển nầy mất mác nhiều mà anh hùng cũng lắm. Đã vậy biển Thạnh Phong đẹp, nên thơ, hồn hậu quá, đi đâu “vuông” nuôi tôm; củ sắn, đậu phộng, khô cá, cua biển, nghêu sò, quả là thú vị”.
Cả đoàn dừng lại đều thắp hương tại Khu di tích cấp quốc gia “Đầu cầu tiếp nhận Vũ Khí Bắc – Nam” tại ngã ba Mũi Tàu, ranh giới giữa hai xã Thạnh Hải và Thạnh Phong rồi tiến về phía biển Khâu Băng. Đường về Thạnh Phong nay đã được láng nhựa và rộng thênh thang. Hai bên đường vô số nhà kiên cố mọc lên san sát xen lẫn với nhiều cửa hàng buôn bán tôm giống, vật tư nông nghiệp, vật liệu trang trí nội thất, vật liệu xây dựng… đi kèm những trụ điện cao sừng sững minh chứng cho một sự phồn thịnh, ăn nên làm ra của cư dân xứ biển đầy nắng gió này.
Cựu thuyền trưởng tàu “ không số” Nguyễn Văn Đức vui vẽ nói: Hồi trước muốn về Thạnh Phong chỉ có 2 cách: Cách thứ nhất phải đi đò từ huyện mất khoảng 4 đến 5 tiếng tùy theo nước ngược hay xuôi; cách thứ hai là “cuốc” bộ mất khoảng 7 tiếng vì không có đường xe. Còn bây giờ, chỉ cần 30 phút là du khách đã có thể đặt chân đến đây. Vậy mới ngon”.
Dừng chân ở một quán nước ven đường, chúng tôi khá bất ngờ khi nghe người chủ quán “nổ” liền một mạch “Cái này nói thiệt nghe, xứ này bây giờ “sung” ba khía” lắm. Thành phố có gì là ở đây có đó. Từ điện, nước quốc gia đến trường học, trạm y tế toàn là chuẩn quốc gia; rồi ka-ra-o-kê, in-tờ-nét, “quai phai” có hết. Sướng muốn chết, Xứ nầy giò tìm một hộ nghèo hơi bị khó đó nghe….”.
Đồn biên phòng Cổ Chiên to đẹp, nhiều bóng cây xanh mát tạo nét duyên rất kỳ thú trên vùng đất biển mặn. Khu di tích bến tàu không số Thạnh Phong to rộng nằm uy nghi, trầm mặc bên cạnh vàm Khâu Băng đang hướng mặt về biển khơi xa. Xa xa, những chuyến tàu tấp nập vào ra với những tiếng máy reo, tiếng nói cười sang sảng của ngư dân Thạnh Phong. Bên kia sông rộng là địa phận huyện Cầu Ngang và Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh với bạt ngàn rừng Đước, rừng Bần xanh thăm thẳm.
Bến tàu huyền thoại Ông Trần Văn Rừng, 70 tuổi nguyên phụ trách công an du kích bến tàu không số Thạnh Phong những năm 60, nay đã yếu vì thương tật trong chiến đấu nhưng vẫn minh mẫn và nhớ như in chuyện những con tàu “ma” cặp bến Thạnh Phong làm kẻ thù khiếp sợ lẫn ngạc nhiên.
Ông Rừng nói: “Chuyện bến tàu Thạnh Phong dài lắm, oai hùng lắm nhưng cũng có nhiều chuyện đau lòng lắm. Chiến tranh mà, làm sao tránh khỏi mất mát hy sinh…”
Thắp xong mấy nén nhang trầm, ông kể: Đây là vùng đất cuối cùng của dãy cù lao Minh, là một vùng đất đứng mũi chịu sào, từng nếm trải bao cuộc càn quét đẫm máu của giặc, nhưng vẫn đứng vững, không hề nao núng. Chính vì vậy mà ngay thời kháng Pháp, rồi đến chống Mỹ, cách mạng đã chọn Thạnh Phong làm căn cứ địa và là một trong những bến đến của đường Hồ Chí Minh trên biển. Người đầu tiên là nữ tướng Nguyễn Thị Định. Năm 1963 Thạnh Phong là điểm xuất phát và tiếp nhận vũ khí Bắc-Nam lần đầu tiên. Tiếp đó là những chuyến tàu kế tiếp do nhiều thuyền trưởng chỉ huy như: Nguyễn Văn Khước, Lê Minh Đào, Nguyễn Văn Phối, Lê Công Cẩn (Lê Công), Nguyễn Sơn (Sơn ớt), Nguyễn Văn Đức… Tổng cộng đã có 28 chuyến vận chuyển vũ khí cặp bến Thạnh Phong trót lọt, nhưng cũng có 1 chuyến bị địch phát hiện bao vây, tấn công buộc ta phải đánh chìm tàu để không để vũ khí rơi vào tay giặc. Cũng đã có những thuyền trưởng, thuyền viên đã anh dũng hy sinh tại bến tàu Thạnh Phong ác liệt này mà đến nay vẫn không tìm thấy xác để quy tập.
Chia tay bến tàu Thạnh Phong trong gió biển tràn về ào ạt, ông Rừng hướng đoàn chúng tôi ghé thăm Khu tưởng niệm 21 nạn nhân bị Biệt kích Mỹ tàn sát dã man ngày 25/2/1969 bằng các hình thức giết người thời trung cổ cạnh bến tàu Thạnh Phong như để trút giận trước sự chở che của nhân dân với những chuyến tàu “không số”. Nhân dân Thanh Phong là vậy, dù hy sinh vẫn nguyện một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ để giải phóng quê hương.
Ông Rừng nói thật buồn trước lúc chia tay: “Thôi hãy để quá khứ đi qua, dân xứ này tuy đau đớn, uất hận trước tội ác của chúng trên bến tàu này nhưng cũng sẳn sàng tha thứ với những ai biết nhận ra tội lỗi của mình, hay để lương tâm họ xét xử họ, mình chấp nhất nữa mà chi”.
Chúng tôi rời Thạnh Phong trong sự xúc động vô cùng. Vùng đất gian lao mà anh dũng đã quá kiên cường qua bao cuộc chiến tranh nay lại rất dung dị, hiên ngang đi vào trận tuyến mới, trận tuyến xây dựng quê hương giàu mạnh, an toàn, xứng đáng là điểm tựa vũng vàng của quê hương Bến Tre trước bao giông bão của biển khơi.