Kỷ niệm sinh nhật lần thứ ba (2014-2017), Tông đoàn Gioan Phaolô II chọn giáo phận Bùi Chu làm địa điểm hành hương.
Vì đây cũng là cội nguồn của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Sáng sớm ngày 24/6, đúng ngày lễ kính thánh Gioan Tiền Hô và cũng là ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, chúng tôi lên đường từ nhà thờ Thái Hà. Đoàn gồm 90 người do linh mục Giuse Đỗ Đình Tư - Chủ tịch và linh hướng của Tông đoàn là Trưởng đoàn.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là nhà thờ Khoái Đồng quen gọi là S. Tôma mang tước hiệu Nữ vương các thánh Tử đạo, ở thành phố Nam Định. Đây là một kiến trúc đẹp và người Nam Định vẫn tự hào: Nếu Paris có tháp Eiffel, Hà Nội có cầu Long Biên thì thành Nam có S. Tôma. Đây là cơ sở do các cha dòng Đaminh quản nhiệm. Nhà thờ này vẫn thuộc giáo phận Bùi Chu. Cha Giuse Nguyễn Cao Huấn mời chúng tôi vào thăm quan nhà thờ. Cha cho biết, nhà thờ được xây dựng từ năm 1934. Đến năm 1956, thừa sai nước ngoài bị trục xuất. Thế là nhà thờ thành cơ sở sản xuất của công ty Sông Hồng. Thi thoảng cũng có chiếu phim ở đây. Nhưng rồi chẳng có việc gì phát triển thành ra cây cỏ mọc lút đầu người. Rễ cây phá hủy tường, mái nhà thờ và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Tòa Giám mục Bùi Chu và dòng Đaminh nộp đơn xin lại. Cuối năm 2008, Nhà nước trao trả lại. Năm 2013, nhà thờ bắt đầu được tu sửa và nay cơ bản đã hoàn thành. Bây giờ còn 11 hộ dân đang sống trong khuôn viên chưa biết xử lý sao cho hài hòa.
Cha Giuse chủ sự giờ kinh viếng Thánh Thể và ban phép lành bình an cho đoàn. Chúng tôi cùng ăn sáng ngon lành tại giáo xứ và chụp ảnh kỷ niệm với cha xứ lúc chia tay. Đền thánh Lòng Thương xót Liễu Đề |
Địa điểm thứ 2 chúng tôi viếng thăm là Đền thánh Lòng Thương xót Liễu Đề. Đây cũng là ngôi nhà thờ cổ còn khá bền vững. Tôi cũng đã giới thiệu nhà thờ này trên báo. Bàn thờ và các tòa thánh đều long lanh sơn son thiếp vàng. Phía trong nhà xứ có tượng đài Lòng Chúa thương xót mới khánh thành năm 2010 và nhà thờ cha thánh tử đạo Tôma Đinh Viết Dụ (1783-1839). Liễu Đề cũng là quê hương của hai nhạc sĩ Công giáo có tiếng là Viết Chung và Ngô Duy Linh.
Qua cầu phà Ninh Cường, chúng tôi ghé thăm Đền thánh Đức Mẹ Mân Côi. Theo lịch sử ghi chép thì từ năm 1533 đã có giáo sĩ đến truyền giáo ở đây. Vì vậy, có thể coi đây là mảnh đất cội nguồn của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Cha xứ Đaminh Đinh Ngọc Hoàn ra tận cửa xe đón đoàn. Cha giới thiệu với đoàn lịch sử giáo xứ và kiến trúc nhà thờ. Chúng tôi cùng quỳ lạy Thánh Thể và nhận phép lành của cha xứ rồi đi thăm quan. Nhà thờ cũng rực rỡ sơn son thiếp vàng. Nhà thờ còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử từ ngôi nhà nguyện cổ xưa đến cả ngôi nhà tranh của một giáo dân nơi xưa Đức cha Xuyên (G. Mechio San Pedro) đã bí mật phong chức Giám mục cho linh mục Vinh (V. Berrio Ochoa) vào đêm 28/6/1858. Đức Giám mục Vinh được gọi là vị Giám mục “gậy tre, mũ giấy” vì gậy là chặt ở bụi tre còn mũ là dùng giấy dán. Cả hai vị đều được phúc Tử đạo. Cha xứ cũng cho khôi phục chiếc giếng khơi thứ 7. Làng này có 7 giếng nhưng giếng thứ 7 có tiếng là nước ngon, mát và ai sử dụng sẽ xinh đẹp. Vì lo hệ lụy nên làng lấp lại nay được phục dựng để ban nguồn nước qua bàn tay Chúa. Bữa ăn trưa nhà xứ phục vụ đoàn rất thịnh soạn và ngon.
Chúng tôi đi tiếp ra biển và dừng chân ở khách sạn Tân Thịnh sát biển. Biển ở đây sóng lớn và nước hơi bị đục nên ít người tắm. Buổi tối, đoàn đến nhà thờ Phú Hóa. Đây là ngôi nhà thờ khá đẹp và hiện đại mới được xây dựng và tách ra thành giáo xứ từ giáo xứ mẹ Thịnh Long. Hôm đó là lễ quan thày giáo xứ nên kèn trống long trọng lắm. Cha Giuse Đỗ Đình Tư chia sẻ lời Chúa rất say sưa. Sau khi dùng bữa tối, chúng tôi cùng ra trước tượng đài Đức Mẹ La Vang để tổ chức lễ kỷ niệm 3 năm thành lập. Bản báo cáo của Tông đoàn trong năm qua khá ấn tượng. Đã mời gọi và giúp đỡ cho 21 người nhập đạo; giúp đỡ hình thành 2 nhà nguyện; tổ chức được các buổi giao lưu gặp gỡ nhiều trí thức để giới thiệu về đạo Công giáo; quyên góp được cả trăm triệu cho công tác thiện, bác ái; hỗ trợ cho dàn hợp xướng trẻ Công giáo Hà Nội tham gia các cuộc thi trên truyền hình và quốc tế; và phát triển thêm 13 thành viên mới được tuyên khấn. Sau khi cắt bánh sinh nhật, một chương trình văn nghệ có sự đóng góp của các ca sĩ, giới trẻ giáo xứ Phú Hóa và chính các thành viên Tông đoàn. Chương trình kéo dài tới tận khuya.
Sáng ngày 25/6, đoàn lại về xứ Lác Môn. Tên cổ này để nói rằng, xưa đây là cửa biển đầy có lau, cỏ lác. Nơi đây có rất nhiều di tích thánh tử đạo. Từ bàn thờ đến tường nhà thờ rồi xung quanh cũng đều có di tích các chứng nhân tử đạo. Mới nhất là khi khai quật mộ của chứng nhân Phêrô Đỗ Tựu năm 2012, người ta thấy hiện tượng lạ là máu chảy đỏ các khúc xương. Người chuyên cải táng hoảng quá ngất đi, còn dân chen nhau đến thấm máu đưa về thờ lạy. Hiện nay, xương chứng nhân Phêrô Đỗ Tựu được đặt trong hòm kính đầu nhà thờ, tấp nập người tứ xứ đến viếng và rất nhiều người đã được ơn lạ. Bảng tạ ơn đóng đầy xung quanh tường.
Cha xứ Giuse Đỗ Hữu Trọng giới thiệu sơ qua về lịch sử giáo xứ trước giờ dâng lễ. Nhà thờ kiến trúc cổ kính nhưng mang đậm phong cách Á Đông. Cha Giuse Đỗ Đình Tư chủ sự thánh lễ và nghi thức tuyên khấn cho 7 thành viên mới. Bữa ăn trưa ở Lác Môn cũng rất vui. Chúng tôi cũng quyên góp được hơn 15 triệu ủng hộ quỹ giáo xứ. Chương trình văn nghệ ngẫu hứng được bắt đầu bằng bài hát của cố Hường. Dù tuổi cao nhưng giọng vẫn còn ngọt lắm. Cha xứ lấy điện thoại ra ghi âm và mang bộ gõ ra đánh. Không có dùi trống, dùng ngay đũa ăn mà nhịp phách cũng rất rất mạch lạc, sôi động. Không khí cuốn hút nhiều người xung phong cầm lấy micro. Cả một ông TS Triết học đứng tuổi, xưa nay chẳng hát bao giờ cũng đăng ký hát bài “Dấu ấn tình yêu” làm cho mọi người vỗ tay nhiệt tình tán thưởng. Kết thúc, cha Giuse Đỗ Đình Tư cũng hát bài tạm biệt cha xứ và giáo xứ Lác Môn.
Chúng tôi về Hà Nội khi trời đã tối. Tạ ơn Chúa vì chuyến đi bổ ích và thành công. Triết Giang
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com