Một cơ sở thu dung thực hiện đồng thời hai phương thức thanh toán?
Theo đề nghị của Chính phủ, dự kiến sẽ có 6 cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp sắp tới. Đó là về nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19; thanh toán chi phí thực hiện việc tiêm chủng, xét nghiệm, khám, chữa bệnh Covid-19; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thuốc, nguyên liệu làm thuốc; bình ổn giá trang thiết bị y tế; chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
Trong phiên họp chiều qua, cơ chế, chính sách về thanh toán chi phí thực hiện việc tiêm chủng, xét nghiệm, khám, chữa bệnh Covid-19 là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.
Xuất phát từ thực tế công tác phòng, chống dịch tại Thủ đô, Ủy viên Ủy ban Xã hội Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội, đề nghị, các cơ chế, chính sách đưa ra cần sát với thực tiễn. Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, Bộ Y tế có quy định về việc thanh toán cho người bệnh một phần từ ngân sách nhà nước, một phần từ bảo hiểm, nhưng thực tế, "chúng tôi không thể tách được xét nghiệm nào dành cho bệnh nhân Covid-19, xét nghiệm nào dành cho người bệnh có bệnh lý nền, may mắn là sau này quy định này đã được gỡ". Tuy nhiên, đến "dự thảo Nghị quyết (về cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách phòng, chống dịch Covid-19 - PV) lần này lại đưa ra quy định, ngân sách nhà nước thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19 theo số lượng thực tế sử dụng và giá theo kết quả đấu thầu được cấp thẩm quyền phê duyệt". Nếu quy định này được thông qua, theo Ủy viên Ủy ban Xã hội Trần Thị Nhị Hà, thì "sẽ lại vướng mắc", vì Bộ Y tế chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Và khi định mức này chưa được ban hành sẽ dẫn đến thanh toán thiếu thống nhất giữa các đơn vị cũng như khó khăn trong việc bảo đảm tính chính xác của thanh toán.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, với cơ sở thu dung điều trị Covid-19 không đủ trang thiết bị để thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật... thì cho phép có thể sử dụng mức giá dịch vụ kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở khám chữa bệnh khác thực hiện dịch vụ (có thể đi thuê). Như vậy, nếu quy định này được thông qua sẽ xảy ra xung đột, đó là một cơ sở thu dung điều trị Covid-19 thực hiện đồng thời hai phương thức thanh toán khám, chữa bệnh: một là thực thanh, thực chi; và hai là thanh toán theo giá dịch vụ. Chỉ ra vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Xã hội Trần Thị Nhị Hà đề nghị phải có sự đồng nhất tại các cơ sở khám, chữa bệnh khi cùng thu dung, điều trị Covid-19. Cùng với đó, việc thanh toán khám, chữa bệnh cho người điều trị Covid-19, bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác, được tổng hợp thanh toán theo số lượng dịch vụ kỹ thuật thực tế sử dụng và giá dịch vụ kỹ thuật không thuộc đối tượng thanh toán của bảo hiểm y tế do địa phương thanh toán. Trường hợp hóa chất, vật tư thuốc chưa được tính trong cơ cấu giá dịch vụ kỹ thuật thì thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng và giá theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương thức thanh toán trên cũng phù hợp với dự thảo dự kiến áp dụng vào năm 2022 của quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh Covid-19 theo mức giá thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. “Phải có quan điểm rõ ràng trong việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh”, Ủy viên Ủy ban Xã hội Trần Thị Nhị Hà đề nghị.
Tạo điều kiện cho lực lượng y tế yên tâm công tác
Đối với cơ chế, chính sách về tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nêu thực tế: tiền ăn cho người bệnh được hỗ trợ 80 nghìn đồng/ngày, cán bộ y tế là 120 nghìn đồng/ngày. Nhưng nghịch lý là, cán bộ y tế đang khỏe mạnh thì 120 nghìn đồng/ngày, nếu cán bộ y tế mắc bệnh thì tiền ăn hỗ trợ giảm còn 80 nghìn/ngày. Nhận thấy vướng mắc này, chúng ta đã có sự điều chỉnh, nhưng mới chỉ với lực lượng y tế, còn các lực lượng khác cũng tham gia phòng, chống dịch thì như thế nào?
Thực tế cho thấy, nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, nhất là ở khâu xét nghiệm, điều trị cũng đối mặt với không ít rủi ro, như có thể bị nhiễm bệnh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, trong những trường hợp như vậy thì chế độ, chính sách sẽ như thế nào, họ có được công nhận là liệt sĩ hay không? Đây là những vấn đề cần xem xét trong dự thảo Nghị quyết lần này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.
Từng công tác trong ngành y tế, Ủy viên Ủy viên Xã hội Nguyễn Anh Trí chia sẻ thực tế khá phũ phàng, đó là trong hơn hai năm phòng, chống dịch Covid-19, đã có một lực lượng lớn cán bộ y tế làm đơn... xin thôi việc, vì áp lực chống dịch quá lớn, dai dẳng, nặng nề, trong khi cán bộ y tế phải làm việc trong môi trường và thời gian ngặt nghèo, ít được giao tiếp bình thường, nhất là với người thân. Với diễn biến dịch như hiện nay, việc cách ly, chăm sóc F1, F0 được thực hiện tại nhà, thì công việc của lực lượng y tế lại càng vất vả hơn, phải đến tận nơi, thăm khám tại chỗ... Trước thực tế này, Ủy viên Ủy ban Xã hội Nguyễn Anh Trí đề nghị phải có chế độ, chính sách tốt nhất có thể cho cán bộ, nhân viên y tế. Kể cả với những người tham gia chống dịch trở về, may mắn không bị nhiễm bệnh, nhưng đã có thời gian dài phục vụ cộng đồng, xã hội, thì cũng phải được xem xét, đánh giá, ghi nhận sự đóng góp, như một hình thức động viên.
Cần tạo cơ chế, chính sách để lực lượng y tế yên tâm công tác, nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, phải có sự điều tiết ở tầm quốc gia cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh nào thừa trang thiết bị, thừa nhân lực, vật lực thì hỗ trợ cho các tỉnh khác, tránh tình trạng "hết dịch thì thừa, mà trong dịch lại thiếu". Trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài, diễn biến phức tạp, thì việc có cơ chế, chính sách điều tiết hợp lý chính là vừa bảo đảm tiết kiệm, vừa nuôi dưỡng sức người trong phòng, chống dịch Covid-19.
Tại phiên họp, các đại biểu đều khẳng định sự rất cần thiết phải ban hành nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, dù đặc biệt, đặc cách và đặc thù, thì cơ chế, chính sách cần bám sát thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ để áp dụng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt phải thực sự minh bạch, rõ ràng.
Hoàng Ngọc
Theo: http://mattran.org.vn/