Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ 4 có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc và phong trào thi đua yêu nước vùng đồng bào dân tộc; tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc; đồng thời tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.
Với chủ đề "Đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội là sự kiện chính trị - xã hội có ý nghĩa to lớn.
Đại hội còn là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đoàn kết cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời sẽ thông qua quyết tâm thư để xác định mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029.
Trên địa bàn Nghệ An có 47 dân tộc thiểu số cùng sinh sống đan xen, tập trung chủ yếu ở 12 huyện, thị xã (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa); trong đó, có 5 dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành cộng đồng là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.
Các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đúng địa bàn, đúng đối tượng, nhiều nội dung đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Đến 30/6/2024, vùng vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bình quân tiêu chí của vùng là 14,34 tiêu chí/xã; có 212 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/02/2023 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn 11 huyện, thị trong vùng xây mới, sửa chữa được 7.995 nhà (lắp ghép 3.560 nhà, xây mới 3.398 nhà, sửa chữa 1.037 nhà) đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống.
Công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được xây dựng và củng cố vững chắc, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay; dân chủ cơ sở ngày càng được thực hiện tốt hơn.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An mong muốn, đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh thực hiện tốt 5 việc, đó là: Giữ tình đoàn kết; giữ tài nguyên đầu nguồn; giữ gìn bản sắc văn hóa; tự tin, tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên; giữ yên biên giới.
Cũng tại Đại hội, ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tin tưởng "xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng bộ tỉnh, mục tiêu trong Quyết tâm thư của Đại hội". Đồng thời, Nghệ An sẽ là hình mẫu để các tỉnh bạn học tập, noi theo cùng phát triển".
Tại Đại hội, Ủy ban Dân tộc đã tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 05 cá nhân; tặng kỷ niệm chương cho 05 cá nhân; UBND tỉnh cũng đã tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách phát triển dân tộc giai đoạn 2019-2024.