Xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải là xã đặc biệt khó khăn, nhờ hỗ trợ của Chương trình, trong năm 2023, nhiều gia đình tại xã đã nhận được sự hỗ trợ về nhà ở. Thông tin từ Phòng Dân tộc huyện cho hay, toàn huyện Mù Cang Chải đã hỗ trợ làm nhà ở cho 367 hộ nghèo, cận nghèo (234 nhà làm mới và 133 nhà sửa chữa) và 36 nhà theo nguồn xã hội hóa… Nhờ khoản hỗ trợ 50 triệu từ Nhà nước và các nguồn lực huy động khác, nhiều ngôi nhà mới đã được xây dựng, giúp các hộ dân không chỉ có nơi ở an toàn mà còn có điều kiện tập trung vào sản xuất, chăn nuôi để cải thiện đời sống và tăng thu nhập.
Cán bộ, nhân dân chung tay hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Trạm Tấu xây dựng nhà ở |
Trạm Tấu là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, có địa hình đồi núi dốc, đồng bào DTTS sinh sống phân tán trên các triền núi cao, thời gian qua huyện đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất ở cho đồng bào địa phương. UBND huyện Trạm Tấu đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG 1719, phân công nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch chi tiết. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và sự vào cuộc tuyên truyền, giám sát của cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc, trong năm 2023, huyện đã hoàn thành xây dựng 369 nhà (296 nhà mới và 73 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 19.950 triệu đồng. Năm 2024, huyện dự kiến tiếp tục xây dựng 386 nhà (285 nhà mới và 101 nhà sửa chữa) với kinh phí 20.130 triệu đồng.
Bên cạnh hỗ trợ nhà ở, huyện Trạm Tấu còn chú trọng việc di dời các hộ dân sinh sống ở khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hoặc các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ quét, sạt lở đất ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Chính quyền địa phương đã tích cực tìm kiếm đất cho các hộ di cư và vận động người dân hiến đất hoặc đổi đất ở lấy đất sản xuất. Các chính sách này thể hiện sự đoàn kết và truyền thống "tương thân tương ái" trong cộng đồng.
Một điển hình khác trong công tác hỗ trợ làm nhà ở cho đồng bào DTTS là tại huyện Văn Chấn. Từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG 1719 và các nguồn huy động hợp pháp khác, năm 2024 huyện Văn Chấn đã hỗ trợ làm mới 151 nhà, sửa chữa 12 nhà với tổng kinh phí 7,850 tỷ đồng. Ngoài ra, Văn Chấn còn huy động từ nguồn xã hội hóa để làm mới 41 nhà, sửa chữa 12 nhà. Đến hết tháng 7/2024, bằng các nguồn lực huy động được, huyện đã khởi công 128 nhà (trong đó: 121 nhà làm mới, 7 nhà sửa chữa), đạt 78,5%; 67 nhà đã hoàn thành (62 nhà làm mới, 5 nhà sửa chữa). Các hộ xây dựng nhà ở mới đều đảm bảo diện tích sử dụng từ 40 - 80 m2, đảm bảo tiêu chuẩn "3 cứng". Mỗi căn nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc thêm một hộ nghèo "an cư", yên tâm lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Tại huyện Lục Yên, UBND huyện đã tổ chức rà soát lựa chọn những hộ khó khăn nhất và có nhu cầu cấp thiết nhất, tuyên truyền vận động các gia đình cố gắng huy động mọi nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Sau đó UBND huyện đã duyệt hỗ trợ 183 nhà gồm: làm mới 167 nhà, sửa chữa 16 nhà. Tổng kinh phí hỗ trợ là 8.750 triệu đồng, thuộc các nguồn từ Chương trình, từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn huy động hợp pháp khác.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, những kết quả trên là minh chứng cụ thể cho hiệu quả thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719 tại địa phương. Để thực hiện có hiệu quả Dự án 1, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã để rà soát và xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở và đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, đặc biệt là các hộ làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có đất ở hoặc đất sản xuất.
Đặc biệt, ngày 12/4/2023, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Chính sách này bao gồm việc hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, nhằm đảm bảo cải thiện điều kiện sống cho các hộ gia đình DTTS khó khăn tại các huyện nghèo như Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Cụ thể, các hộ DTTS tại vùng núi cao được hỗ trợ thêm 10-20 triệu đồng/nhà xây mới từ ngân sách tỉnh, bên cạnh mức hỗ trợ 40 triệu đồng từ ngân sách trung ương theo Chương trình. Ngoài ra, các hộ đủ điều kiện cũng nhận hỗ trợ để sửa chữa, nâng cấp nhà ở với mức kinh phí từ 25 - 30 triệu đồng tùy vào từng địa phương. Những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không tự xây dựng nhà ở sẽ được huy động sự giúp đỡ từ cộng đồng và các nguồn lực khác để đảm bảo việc hoàn thành nhà ở mới.
Với chính sách trên và sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc, Dự án 1 đã đem lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết những nhu cầu thiết yếu của đồng bào, tạo điều kiện để các gia đình ổn định nhà ở, có tư liệu sản xuất để vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo./.