Văn hóa nghệ thuật

Quần thể tu viện Meteora

Cập nhật lúc 11:23 23/04/2019
Hy Lạp là nơi sản sinh ra cả kho tàng chuyện thần thoại cũng như nhiều di sản kiến trúc độc đáo trong đó có quần thể kiến trúc tu viện Meteora.
Tu viện Meteora - một quần thể tu viện rộng lớn được xây dựng trên những núi đá sa thạch tự nhiên ở miền Tây Bắc Thessaly, gần sông Pinios và núi Pindus của Hy Lạp. Ảnh: CTV
Tu viện Meteora - một quần thể tu viện rộng lớn được xây dựng trên những núi đá sa thạch tự nhiên ở miền Tây Bắc Thessaly, gần sông Pinios và núi Pindus của Hy Lạp. Ảnh: CTV
Meteora theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lơ lửng trên không trung”. Thật vậy, quần thể kiến trúc này được xây dựng cheo leo trên đỉnh núi cao gần 400m so với mặt nước biển. Đây là kiến trúc quan trọng nhất ở Kalantaka chỉ xếp sau dãy núi Althos. Địa điểm này cũng gần khu hang động Thopetra, cách tu viện 5km là nơi khảo cổ đã xác định có cư dân sinh sống cách khoảng 50.000 năm. 

Người ta không rõ tu viện chính xác được xây dựng năm nào. Vào thời kỳ đế quốc Bizantine suy yếu, những tên cướp biển Thổ Nhĩ Kỳ đã bao vây bán đảo Altos. Các tu sĩ ẩn tu theo dòng khổ hạnh buộc phải trốn lên các khu rừng núi hiểm trở. Họ chọn những hang đá hay hẻm núi để trú ẩn. Họ chỉ xuất hiện vào chủ nhật hay ngày lễ quan trọng trong một nhà nguyện ở hang đá. Có nghiên cứu nói, nó được xây dựng khoảng thế kỷ thứ IX. Cũng có tài liệu nói, tu viện được xây dựng từ năm 950 đến năm 965. Một tu sĩ tên là Varnavas đến tu tập ở đây. Nhưng phải mãi đến năm 1020 nó mới được khởi công xây dựng từ thời tu sĩ Andronikos đến từ Crete. Quần thể tu viện Meteora gồm 6 tu viện nhỏ được xây dựng trên đỉnh các mỏm đá núi tự nhiên nằm ở Tây Bắc khu vực Thessaly ở giữa con sông Pinios và ngọn núi Prindus, trung tâm của Hy Lạp. Du khách tham gia chuyến hành trình Balkan - châu Âu có thể thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ của tu viện này. Giữa mênh mông núi non hiểm trở, tu viện thật thinh lặng rất thích hợp cho đời sống tu trì. Ngày nay, trong số 6 tu viện có 4 tu viện vẫn có tu sĩ Chính Thống Hy Lạp trú ngụ là Aghinos Slephanos, Aghiatrias, Varlaam và Metenor.
 
Tu viện Meteora - Kỳ quan kiến trúc tại Hy Lạp. Ảnh: CTV
Tu viện Meteora - Kỳ quan kiến trúc tại Hy Lạp. Ảnh: CTV
Do tu viện xây dựng trên núi cao hiểm trở nên việc đi lại ở đây rất khó khăn nhất là chuyên chở vật liệu hay lương thực, nước uống. Chỉ có một đường đi duy nhất là qua chiếc ròng rọc được treo ở trên đỉnh núi với dây thừng rất dài. Người ngồi trong chiếc túi lưới và người ở bên ngoài sẽ điều khiển cho ròng rọc chạy lên hay xuống. Đã có không ít tai nạn và thương vong xảy ra. Để có nước dùng, người ta xây dựng hệ thống bể chứa nước mưa rất lớn ở khắp nơi và hệ thống kho tích trữ lương thực dùng cho các tu sĩ. 

Trong quần thể tu viện Meteore thì tu viện Varlaam là tu viện cổ xưa và đẹp đẽ nhất. Tu viện Varlaam được xây trên ngọn núi cao 373m so với mặt nước biển. Tu viện lấy tên chính tu sĩ Varlaam là người đã khởi công xây dựng tu viện này năm 1350. Lúc đầu tu viện cũng đơn sơ, nhỏ bé và đến năm 1518 chỉ còn là phế tích. Lúc đó, có hai anh em nhà quý tộc tên là Nectarios và Theophanis khi thăm quan tu viện đã quyết định xây dựng lại tu viện đẹp và to lớn. Tu viện này lưu giữ nhiều thánh tích cũng như nhiều bảo vật quý giá như Thánh giá cổ chạm khắc công phu cùng với bức họa độc đáo của họa sĩ danh tiếng Frangos Katelanos ở thế kỷ XVI. Trang trí nội thất rất hài hòa nhất là khu nhà ăn nay đã được dùng làm bảo tàng. Bảo tàng lưu giữ nhiều bức họa sơn vàng theo nghệ thuật thời Phục hưng cũng như các lễ phục của các Giám mục Rôma.

Ngày nay, người ta đã xây dựng cầu thang bám vào vách núi nên việc đi lại đơn giản hơn rất nhiều. Do đó, khách hành hương rất đông nhất là vào các tháng từ tháng 7 đến tháng 10 trong năm. Chỉ có các tháng từ 12 đến tháng 3 là vắng hơn chút ít do khí hậu lạnh. Đến tu viện, du khách bị cấm mặc váy ngắn, quần áo ngắn, cộc tay. Phí thăm quan hoàn toàn tùy tâm chứ không bắt buộc. Hiện UNESCO đã đưa quần thể kiến trúc tu viện Meteore vào danh sách di sản văn hóa thế giới để bảo tồn năm 1998.
 

BÍCH HẢI
Thông tin khác:
Gốm Bát Tràng thăng trầm theo dòng lịch sử (23/04/2019)
Chúa Giêsu sống lại (23/04/2019)
Cảm nhận về tác phẩm: Rừng bạt phong (22/04/2019)
Cảm nhận về tác phẩm: cây cần thăng (22/04/2019)
Đừng phạm tội từ nay (19/04/2019)
Vài cảm nhận về tác phẩm Tùng hóa Hạc của Kimura (Nhật Bản) (18/04/2019)
Vại Hương Canh - chum Thanh Hóa (18/04/2019)
Họa sĩ Đông Dương là ai? (10/04/2019)
Chúa nhân từ tha thứ (10/04/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log