Cây cần thăng được giải vàng trong Festival sinh vật cảnh thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất 2006 của Lê Quang Vinh in trên trang 6, Việt Nam Hương sắc số tháng 9/2006 cho thấy đây là một cây bonsai có tầm cỡ khá hoành tráng, đường kính gốc cây ước bằng 1/3 chiều dài của bồn. Vỏ cây sần sùi, cóc cách, già nua. Thân cây to, có đường nét lắc qua lắc lại một cách khoẻ khoắn, dứt khoát nhưng vẫn uyển chuyển, mềm mại, nhỏ dần từ gốc đến ngọn. Các cành cây đủ độ lớn so với đường kính của thân cây, tại nơi cành xuất phát, nó không thẳng đuỗn mà có sự chuyển nhịp tự nhiên, vừa gân guốc rắn chắc vừa điệu nghệ như cánh tay của một lực sĩ, vừa như cánh tay của một vũ công.
Đa số các cành đều xuất phát đúng điểm dương của thân cây. Tổng tán lá là một hình tam giác mà thân cây như một đường phân giác. Tán lá nhiều nhưng lại có cảm giác mỏng manh, nhẹ nhàng, kín đáo mà không âm u, nặng nề, có sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật đường nét và nghệ thuật mảng. Chậu trồng cây có chiều dài phù hợp với độ xoè của tán lá (chậu khoảng hai phần, độ xoè tán lá khoảng ba phần), mầu men của chậu phù hợp và làm tăng vẻ thâm sâu của cây.
Cây được tạo tác khá hoàn hảo và tự nhiên, cân đối, có hồn. Đây là cây tạo hình theo bonsai Nhật cổ điển, ta thấy bonsai Nhật thời hiện đại đã biến đổi sâu sắc như thế nào, trong khi các nghệ nhân của ta vẫn miệt mài với loại hình bonsai cổ điển? Nên chăng ta cần mạnh dạn sáng tạo như tinh thần tạo tác bonsai thời mới của Nhật để đáp ứng nhu cầu của giới thưởng ngoạn ngày càng cao, càng mới và hiện đại hơn.
---------------
* Chuyên gia cao cấp Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.