Văn hóa nghệ thuật

Bỗng nhớ một thời rồng rắn phiếu tem

Cập nhật lúc 14:35 08/05/2019
Đất nước vừa đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ oanh liệt nhất trong lịch sử, lại phải đối mặt với biết bao khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống đời thường.
Một cửa hàng thời bao cấp. Ảnh: K.N.B Ảnh: CTV
Một cửa hàng thời bao cấp. Ảnh: K.N.B 

Cổ máy sản xuất chưa thể hoạt động trơn tru sau những tháng năm dài kháng chiến. Hiệu quả sản xuất, hàng hóa thiết yếu cho cuộc sống còn là điều gì xa xỉ, nhiều hơn trong mong ước khát khao. Đó là những năm tám mươi của thế kỷ trước. Những năm tháng khi sản xuất trì trệ, tư liệu sản xuất lạc hậu, hạn chế trong khâu quản lý điều hành. Nói cách khác là khi sức sản xuất chưa được giải phóng mà còn "tự trói chân mình" bởi cơ chế quan liêu bao cấp. Vã lại, tình trạng "Cấm chợ ngăn sông", nên hàng hóa sản phẩm đã ít ỏi, khan hiếm lại càng khan hiếm thiếu thốn.

Trong những năm tháng ấy, không chỉ người nông dân lao động làm ra hạt lúa củ khoai cũng phải chịu thiếu đói cả cái ăn cái mặc mà người làm công ăn lương Nhà nước hay cán bộ, công chức viên chức nói chung cũng khó khăn thiếu thốn, phải ăn cơm độn khoai. Nhưng điều đáng nói, ấn tượng nhất là cảnh xếp hàng dài như "rồng rắn" để mua hàng hóa, lương thực thực phẩm bằng tem phiếu. Có thể nói, chế độ tem phiếu như hơi thở cuộc sống, một phần đời thường bình dị mà cũng thật chua chát với người làm công ăn lương, dù ở lĩnh vực hay ngành nghề nào. Nhưng có tem phiếu là có cuộc sống, là hạnh phúc rồi. Hầu như cái gì từ cây kim sợi chỉ đến tấm vải lạng thịt cũng được phân phối và mua từ tem phiếu. Và tem phiếu cũng có nhiều loại, cũng có hạng có số. Nhưng quả là việc mua hàng bằng tem phiếu gần như là một nghịch cảnh. Bởi ai cũng thiếu, cũng cần mà thời gian, không gian lại không trao đổi cho ai, không tùy theo lòng người. Nên việc xếp hàng để mua hàng từ tem phiếu đã thành một thực trạng xã hội, tình cảnh của một thời "Rồng rắn phiếu tem". Nhớ lại tình cảnh ấy là nhớ về một thời đất nước khó khăn, hàng hóa (ngay cả hàng hóa thiết yếu) khan hiếm thiếu thốn khi "cung" không đủ "cầu"...
Gợi nhớ về một thời "Rồng rắn phiếu tem" ấy, tôi cũng như bao người trong cuộc lại thấy bồi hồi xao động về những tháng năm đất nước gian nan. Còn nhớ những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, khi tôi mới ra trường về dạy học ở xã Phú Lộc - xã kinh tế mới - một xã vùng sâu vùng xa thuộc huyện Krông Buk (bấy giờ chưa tách huyện), cách trung tâm huyện lỵ (Buôn Hồ, Đắk Lắk) chừng hơn chục cây số đường đất; mỗi lần mua hàng hóa, nhất là gạo đều phải ra Buôn Hồ xếp hàng đợi mua. Đáng kể có những lần phải xếp hàng đợi mấy ngày sau mới mua được vì người mua đông mà mình thì ở xa. Gian nan và đáng nhớ nhất là có những lần ra mua hàng, không may gặp trời mưa to hay mưa dầm mà đường đất dốc trơn như mỡ, dính bết như sơn, mua được hàng hóa đưa về qua chặng đường hơn chục cây số mà ngỡ như vừa đi đào núi ngăn sông vậy.

Cái thời gian khó thiếu thốn ấy đâu chỉ với chúng tôi trong ngành giáo dục và đâu chỉ có ở Buôn Hồ. Nhưng ấn tượng về hình ảnh "Rồng rắn phiếu tem" thì cứ ám ảnh mãi trong tôi (và hẳn với nhiều người khác trong cuộc) về một thời dĩ vãng, về những tháng năm chật vật gian khó của đất nước tựa như một nốt lặng trong bản hợp xướng mùa xuân của dân tộc. Ôn cố tri tân, hoài niệm về một thời như thế để chúng ta càng thêm trân quý cuộc sống hôm nay, dù chưa phải "thiên đường trần gian" nhưng đời thường đã có hoa thơm trái ngọt. Thành quả của công cuộc đổi mới ba mươi năm qua cũng chính là sự kết tinh trí tuệ và công lao của cả một dân tộc, một đất nước từng kiên cường bất khuất trong kháng chiến chống ngoại xâm, với cả kẻ thù hùng bạo nhất.  Và cũng chẳng khuất phục lùi bước trước nghèo nàn lạc hậu, nền kinh tế kiệt quệ sau hàng chục năm chinh chiến. Mà vẫn vững bước đi lên với tư thế của người chiến thắng! 

Nếu so với những tháng năm gian khó ấy, cuộc sống hôm nay đã "muôn vạn lần đáng sống" bởi khi sức sản xuất đã được giải phóng, phát triển vượt bậc thì hàng hóa, sản phẩm làm ra thật dồi dào phong phú với đủ chủng loại, mẫu mã đẹp mà chất lượng. Đó là chưa kể hàng hóa ngoại nhập, khi đất nước hội nhập sâu và nền kinh tế thế giới để phát triển. Có thể nói bây giờ người ta muốn mua bất cứ thứ gì từ hàng hóa vật tư cho sản xuất đến đồ gia dụng, sinh hoạt... thì cứ vào chợ, hàng quán, siêu thị là có tất cả. Và hàng hóa thị trường ở thị xã Buôn Hồ cũng không phải là ngoại lệ. Nếu trước kia - thời những tháng năm gian khó ấy, Buôn Hồ huyện lỵ chủ yếu chỉ có cửa hàng thương nghiệp và một vài cửa hàng bán lương thực thực phẩm với lượng hàng ít ỏi thì bây giờ, Buôn Hồ thị xã đã có cơ man nào chợ phố chợ làng, hàng quán, đại lý, siêu thị với đủ chủng loại hàng hóa, đáp ứng mọi nhu cầu cuộc sống của các tầng lớp nhân dân.

Ở cấp độ vĩ mô, ở tương lai không xa, thị xã Buôn Hồ đã và đang đầu tư (và được đầu tư) nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng với nhiều công trình phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Tất cả sẽ tạo cho Buôn Hồ một diện mạo mới, một cơ đồ khang trang hiện đại.
 
Nguyễn Trọng Đồng
 
Thông tin khác:
Người hiện đến ba lần (07/05/2019)
Vài cảm nhận về tác phẩm: Cây thông (06/05/2019)
Tám ngày sau hiện hình (04/05/2019)
Quần thể tu viện Meteora (23/04/2019)
Gốm Bát Tràng thăng trầm theo dòng lịch sử (23/04/2019)
Chúa Giêsu sống lại (23/04/2019)
Cảm nhận về tác phẩm: Rừng bạt phong (22/04/2019)
Cảm nhận về tác phẩm: cây cần thăng (22/04/2019)
Đừng phạm tội từ nay (19/04/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log