Văn hóa nghệ thuật

Cầu thang thánh được phục dựng

Cập nhật lúc 16:14 20/06/2019
Sau gần 300 năm vắng bóng, dịp lễ Phục sinh năm 2019 này, người Công giáo lại có dịp quỳ gối trên các bậc Cầu thang Thánh mà Chúa Giêsu đã từng bị dẫn di qua khi đến gặp quan Tổng trấn Philatô cách đây 2000 năm nên còn gọi là cầu thang Philato (Scala Pilato).
Khách hành hương đến viếng và đi lên bằng đầu gối như sự tôn kính hết lòng đối với cuộc thương khó của Chúa. Ảnh: CTV
Khách hành hương đến viếng và đi lên bằng đầu gối như sự tôn kính hết lòng đối với cuộc thương khó của Chúa. Ảnh: CTV

Tương truyền, cầu thang Thánh này được thánh nữ Henela- mẹ của Hoàng đế La Mã Constantine mang từ Giêrusalem về Rôma năm 326 từ thế kỷ thứ IV. Kể từ năm 1723, theo yêu cầu của Đức Giáo hoàng Innocent XIII, cầu thang Thánh (Scala Sancta) được ốp gỗ lên bề mặt nhằm tránh tổn hại đến mặt đá trắng nguyên thủy. Scala Sancta bây giờ được đặt trong Đền thánh Cầu thang Thánh, đối diện với Vương cung thánh đường thánh Gioan Laterano. Đền thánh Cầu thang Thánh (Scala Santa) lúc xây dựng gồm có 2 nhà nguyện và có 5 nơi có cầu thang Thánh. Sau này mới gộp làm một với 28 bậc. Trần cầu thang và hai bên cầu thang đều là những bức họa tuyệt đẹp.

Để chuẩn bị cho ngày hôm nay, các chuyên gia khảo cổ và phục cổ phải mất hơn 20 năm khôi phục toàn bộ cấu trúc tại Đền thánh Cầu thang Thánh. Kiến trúc sư nổi tiếng Domenico Fontana từ thế kỷ XVI đã tạo địa điểm lý tưởng để đặt cầu thang Thánh. Tiếp đó, Đức Giáo hoàng Piô IX từ thế kỷ XIX đã giao việc trùng tu cho các tu sĩ dòng Thương Khó. Nhờ vào lòng hảo tâm của rất nhiều người, một quỹ bảo tồn cầu thang Thánh Getty được xây dựng quyên góp và công cuộc trùng tu bắt đầu từ cuối thế kỷ XX. Riêng Cầu thang Thánh bắt đầu từ năm 2017 dưới sự giám sát của các chuyên gia Carlo Pietrangeli, Francesco Burannelli, Antonio Paoluci và Barbata Jatta. 

Lúc đầu, khi tháo gỡ lớp gỗ bọc đá cẩm thạch trắng cầu thang, người ta chỉ nghĩ để cho tín hữu đến chiêm ngắm cầu thang đá thật từ thế kỷ XVIII bị che khuất. Nhưng như ông Paolo Violini- người chịu trách nhiệm chính của đợt trùng tu này thì thấy nhiều bậc thang bị biến dạng, méo mó thậm chí những rãnh sâu do nhiều người quỳ gối và xoa tay vào bậc thang. Có những bậc thang được khảm Thánh giá để trám những vết lõm. Ở các bậc thứ hai và thứ 11 bị lõm nhiều nhất vì tương truyền Chúa Giêsu bị ngã chảy máu ở đấy nên nhiều người hôn kính nhất. Tại bậc cuối cùng là bậc thứ 28 có cây Thánh giá bằng đồng được khảm trên bậc đá. Ở các khe gỗ bọc cầu thang, người ta tìm thấy nhiều tờ giấy ghi những lời nguyện xin, cả những đồng tiền xu được nhét vào suốt ba thế kỷ qua. Những chỗ cho là có giọt máu của Chúa chảy ra, người ta chọc ngón tay vào thành lỗ sâu hoắm gần thủng cả mặt đá.
 
Vatican lần đầu tiên mở cửa Cầu thang Thánh. Ảnh: CTV
Vatican lần đầu tiên mở cửa Cầu thang Thánh. Ảnh: CTV

Hai bên cầu thang Thánh là những bức họa tuyệt đẹp của 40 họa sĩ thế kỷ XVI vẽ trong 2 năm với diện tích 1.700m2. Đỉnh của cầu thang là bức tranh Chúa chịu đóng đanh trên Thập giá. Dưới chân Thập giá là Đức Maria và ông thánh Gioan. Đền thánh Cầu thang Thánh được xây dựng dưới thời Đức Giáo hoàng Xitô V từ những năm 1588 đến 1590. Nơi đây luôn được coi là nơi cầu nguyện của các Giáo hoàng và trở thành một nơi thánh thiêng mộ đạo của người Công giáo. Theo ông Guido Corini- Giám đốc bảo tàng Vatican thì vào thời Trung cổ, tín hữu khắp thế giới đều mong muốn đến chiêm ngưỡng thánh tích này. Họ muốn quỳ gối leo suốt 28 bậc thang để phần nào cảm nghiệm được nỗi đau thể xác mà Chúa Giêsu xưa phải chịu đựng khi đến Thập giá.

Theo lịch trình, Cầu thang Thánh được mở cửa trước 1 tuần Mùa Chay năm 2019 và kết thúc vào ngày 9/6/2019. Mỗi ngày có chừng 3.000 tín hữu đến viếng. Họ đều được ban ơn đại xá dành cho các linh hồn nơi luyện ngục. Sau đó, Cầu thang Thánh tiếp tục được trùng tu và bảo quản. Như vậy, những ai hành hương Rôma dịp này vẫn còn cơ hội viếng cầu thang Thánh- một cơ may hiếm có,vì không biết bao giờ mới lại có cơ hội như thế nữa.
 
BÍCH HẢI
Thông tin khác:
Đến thành phố vắng bóng ô tô tại đảo Hydra – Hy Lạp (20/06/2019)
Giáo xứ Hải Lập (19/06/2019)
Nghề kim hoàn (18/06/2019)
Mạc khải Chúa Thánh Thần (11/06/2019)
Hai tuyến cáp treo kỷ lục thế giới (07/06/2019)
Gốm Đồng Nai Biên hòa (06/06/2019)
Cử Thánh Thần dạy dỗ (06/06/2019)
Tuyệt đẹp cầu thang núi Bueren (22/05/2019)
Nghề rèn và nghề mộc (22/05/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log