Văn hóa nghệ thuật

Giáo xứ Toàn Tân

Cập nhật lúc 10:03 29/07/2019
Thánh lễ tạ ơn tuần chầu lượt tại giáo xứ Toàn Tân. Ảnh: CTV
Thánh lễ tạ ơn tuần chầu lượt tại giáo xứ Toàn Tân. Ảnh: CTV
Lịch sử hình thành và phát triển

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, ở hai làng Phúc Hậu và Phúc Lý đã có một số hộ theo đạo. Lúc đó, có ông Phạm Văn Bân sống cùng làng với người có đạo. Nhận thấy đạo Công giáo có nhiều điều hay, nhất tà tinh thần yêu thương, nên ông đã xin bố mình là Phạm Huy Văn cho tòng đạo. Một thời gian sau, ông Phạm Huy Văn đã vận động cả dòng họ theo đạo. Ông dựng một ngôi nhà tá ba gian để làm nơi cho ba con học giáo lý, học kinh bổn, học chữ Quốc ngữ và chữ Nôm. Trong tinh thần yêu thương gắn bó, Tin Mừng đã dần dần thấm sâu vào đời sống của giáo dân nơi đây. Lễ Phục sinh năm 1920, cha Trần Khắc Cần đã long trọng rửa tội cho 22 gia đình, gồm 66 người. Cũng trong dịp này, giáo dân đã vận động được một số dự tòng ở làng Triệu Tiền, Viên Khê, Đại Mẫm, Mao Xá với tổng số là 167 người (trong 66 hộ) về nhà thờ Đại Độ, nhà thờ Thanh Hóa và Dòng Mến Thánh giá để lãnh nhận phép rửa tội.

Năm 1930, giáo xứ Toàn Tân xây dựng ngôi nhà thờ lợp ngói 9 gian, dài 30m, rộng 12m nằm ngay đầu làng, cùng xây thêm nhà xứ, nhà giáo lý. Tháng 10/1932, Đức cha Louis de Cooman Hành thành lập giáo xứ Toàn Tân gồm 8 giáo họ, nằm phân tán trong các xã Đông Tiến, Đông Anh, Đông Xuân, Đông Minh và Đông Ninh.

Năm 1950, Bề trên giáo phận tách các giáo họ Phù Bình, Phù Chẩn và Thạch Khê lập nên xứ Phù Bình.

Năm 1952, vì nhiều lý do thầy già Tốn bị trục xuất khỏi giáo xứ, nhiều người sợ hãi bỏ trốn. Từ đó, nhà thờ bị bỏ hoang. Trong những năm về sau, nhà thờ xứ bị tháo dỡ chỉ còn phần đất nền, một số hộ gia đình đến làm nhà ở trên đó. Giáo xứ Toàn Tân vì không còn nhà thờ nên bị lãng quên, có những người còn coi như chưa bao giờ có giáo xứ Toàn Tân trên mảnh đất Đông Tiến.
Tuy vậy, một số giáo dân vẫn trung kiên với đức tin. Dù không còn nhà thờ, họ vẫn cần mẫn, tích cực tham dự thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa (cách xa 10km).

Năm 1998, cha Tôma Lê Xuân Khấn được bài sai về làm quản xứ. Việc đầu tiên ngài làm chính là đi thăm nom, động viên những người xa Chúa trở lại, quy tụ bà con giáo dân cùng đọc kinh cầu nguyện. Dần dần sinh hoạt tôn giao trở nên sống động và sôi nổi. Nhiều người lâu nay ngại ngùng, hoặc thờ ơ với việc đạo đã dần gắn bó và chăm chỉ sinh hoạt với cộng đoàn hơn.
Sau một thời gian dài làm đơn xin lại đất, tháng 12/1999, chính quyền Thanh Hóa đã trao đất lại cho giáo xứ để xây nhà thờ. Tháng 03/2000, dưới sự chỉ đạo của cha Tôma Lê Xuân Khấn, giáo xứ đã khởi công xây dựng lại nhà thờ mới. Sau gần một năm thi công, ngày 7/2/2001, nhà thờ đã được Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm cung hiến. Trong thời gian này, nhà giáo lý cũng được xây dựng. Nhà xứ hai tầng đang được cha Tôma khởi công xây dựng thì Bề trên sai ngài về xứ Phù Bình. Cha Phaolô Trần Ngọc Loan về tiếp nhận giáo xứ đã hoàn thành công trình này vào năm 2006.

Giáo xứ Toàn Tân hiện nay

Giáo xứ Toàn Tân hiện có tổng số giáo dân là 807 người (theo sổ tất niên giáo phận năm 2011), được phân bổ trong 7 giáo họ: Bản Nguyên, Đại Nãm, Phúc Hậu, Phúc Lý, Triệu Tiền, Trị Sở và Viên Khê.

Là một giáo xứ ở ven đô thành phố Thanh Hóa, nên đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nông nghiệp, một số ít gia đình buôn bán nhỏ lẻ. 

Kể từ khi có nhà thờ và được các cha quản xứ tận tâm coi sóc, đời sống đức tin của bà con giáo dân nơi đây có nhiều biến đổi. Nhất là khi cha Tổng đại diện Phêrô Võ Tiến Phúc về coi sóc giáo xứ, ngài đã hết lòng quan tâm đến các sinh hoạt hội đoàn trong giáo xứ, xin học bổng để trợ giúp các trẻ em nghèo được đến trường. Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết như Giáng sinh, giáo xứ thường tổ chức đi phát quà cho các gia đình neo đơn và trẻ em tàn tật không phân biệt tôn giáo. Sinh hoạt giáo lý cũng là một thế mạnh của giáo xứ. Hằng tuần, tại nhà giáo lý Lê Bảo Tịnh thường có các giờ học giáo lý cộng đồng. Theo thống kê năm 2011, giáo xứ có 3 tu sĩ. Tuy số lượng còn khiêm tốn, nhưng đó cũng là những hoa trái đầu mùa giáo xứ dâng lên Thiên Chúa.

TL
Thông tin khác:
Con đường thánh gia ở Ai Cập sắp thành di sản văn hóa thế giới (25/07/2019)
Chúa dạy lời cầu nguyện (25/07/2019)
Những thánh đường trên cao (24/07/2019)
21 Lê Lai, 22 Lê Lợi (23/07/2019)
Vài cảm nhận về tác phẩm: "Vươn xa" (17/07/2019)
Tiếp nhận sách thư pháp kỷ lục Thế giới (17/07/2019)
Những khoảng lặng bình yên ở Tuy Hòa (17/07/2019)
Dấn thân và cầu nguyện (16/07/2019)
Hát ví – hát dặm (11/07/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log